Những lưu ý khi làm Assignment ở trường đại học Quốc Tế

0

SSDH- Viết luận là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng học tập cho sinh viên trong từng kì học. Vậy làm sao để có một bài Assignment tốt và hay? Hãy cùng SSDH trang bị thêm những bí quyết để làm Assigment thành công qua bài chia sẻ dưới đây nhé !

Tôi vừa kết thúc giai đoạn chấm thi của kỳ 2 ở trường. Sau mỗi kỳ chấm, trong lòng luôn nặng trĩu ưu tư vì số điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam. Qua mấy kỳ rồi mà sinh viên vẫn mắc phải những lỗi cơ bản, để rồi điểm số không như ý, các bạn lại than, lại bực, không hiểu vì sao mình đi học thường xuyên, cũng hiểu bài mà kết quả hạn chế.
Mặc dù ở các trường đại học quốc tế ở Việt Nam hay các trường ở nước ngoài, sinh viên luôn được hướng dẫn kỹ lưỡng cách làm bài, những tiêu chuẩn học thuật cần phải đảm bảo khi làm assignment… nhưng tôi cảm thấy các bạn không thực sự chú tâm, hoặc do chưa có ai thực sự chỉ cho các bạn cần tập trung vào điểm gì để các bạn hiểu vấn đề và cải thiện thành tích (performance) của mình.
Bài viết này là dành cho các bạn. Tôi tổng kết lại những lưu ý chính để các bạn có thể sửa và cải thiện ngay trong bài viết của mình. Đây là những lưu ý khi làm assignment ở các trường đại học quốc tế (chương trình bằng tiếng Anh).

1. Về Văn phong – Writing Style

Súc tích (being concise) là điều quan trọng nhất trong viết học thuật: khác với giảm khảo chấm IELTS, các giảng viên ở trường Đại học về bản chất là các giáo sư, những người nghiên cứu chuyên về lĩnh vực các bạn học, không phải thầy cô giáo dạy ngôn ngữ.

Việc có khả năng viết, có vốn từ vựng và kiến thức ngữ pháp tốt là điều cần thiết, nhưng khi làm bài các bạn không cần thiết phải thể hiện khả năng viết phức tạp mà cần đưa ra những bài viết đảm bảo tốt và rõ ràng ở khía cạnh chuyên môn. Một nguyên tắc trong viết học thuật đó là: write less words with more meaning.
Để có thể đảm bảo SÚC TÍCH, các bạn cần lưu ý hai điểm sau khi viết:
– Về mặt hình thức: sử dụng chủ yếu câu đơn (một mệnh đề), hạn chế câu phức (từ hai mệnh đề). Không nên sử dụng câu phức lên tới ba mệnh đề. Không nên sử dụng hai từ nối trong một câu, ví dụ một lỗi phổ biến: sử dụng cả although cùng since/as/because trong cùng một câu.
– Về mặt nội dung: xác định rõ từng ý chính (premise) muốn truyền tải. Giới hạn sẽ sử dụng bao nhiêu câu để truyền tải một ý chính, việc này sẽ giúp các bạn tránh việc viết lan man, lặp ý, sử dụng quá nhiều câu chỉ để truyền tải một ý đơn giản.

2. Về ngữ pháp

– Lưu ý sử dụng a, an, the. Người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường hay quên thêm ‘the’ trước nhiều trường hợp cần phải có ‘the’.
– Tense (thời) chủ yếu được sử dụng trong văn viết academic là present simple (hiện tại đơn) và simple past (quá khứ đơn). Các bạn lưu ý không sử dụng nhầm lẫn hai thời này. Trong cùng một bối cảnh (context), sử dụng các thời/tense phải thống nhất (consistent). Các bạn hay mắc lỗi đổi thời/tense không đồng nhất/hợp lý.
– Khi sử dụng câu phức, các bạn có xu hướng bị sai hoặc nhầm lẫn về mặt ngữ pháp. Đây cũng là lý do chúng ta nên sử dụng câu đơn để đảm bảo an toàn (nhất là với những bạn chưa chắc kiến thức về ngữ pháp).

3. Về từ vựng

Từ vựng trong academic writing được chia làm hai nhóm. Một là nhóm những từ hay sử dụng trong văn viết chính thống nói chung, bao gồm những nhóm danh từ, động từ, tính từ thường gặp trong mọi bài viết học thuật (academic paper). Hai là nhóm từ chuyên ngành sử dụng trong từng lĩnh vực (professional term).
Với nhóm một, các bạn có thể nâng cao vốn từ chung để sử dụng trong các bài viết của mình bằng cách sử dụng Academic Word List (AWL) – Danh sách các từ vựng học thuật của các trường đại học (các trường đại học quốc tế thường xây dựng AWL riêng của mình).
Với nhóm hai, là các từ vựng chuyên ngành (ví dụ tiếng Anh chuyên ngành kinh tế, chính trị, pháp lý, y học) chính là các từ chuyên môn các bạn sẽ gặp khi đọc giáo trình và được nghe giảng trên lớp. Các bạn lưu ý khi làm bài phải sử dụng đúng các thuật ngữ chuyên ngành (academic term) này, và không được sử dụng synonym. Đây là một lỗi phổ biến tôi nhận thấy ở các sinh viên Việt Nam, do các bạn đôi khi sử dụng synonym bừa bãi (ảnh hưởng của tâm lý IELTS) mà vô tình thay thế một thuật ngữ chuyên ngành (không thể thay thế).

5. Về phong cách trích dẫn – referencing style

Ở các trường đại học quốc tế, việc trích dẫn (citation) các nguồn thông tin theo đúng tiêu chuẩn quốc tế luôn được dạy ngay khi các em mới nhập học. Với các bạn học đại học Việt Nam, có thể chưa quen và cần thời gian thích nghi khi tham gia chương trình sau đại học ở nước ngoài.
Việc trích dẫn nguồn cần tuân thủ theo một phong cách viện dẫn (referencing style) nhất định, mà theo phong cách này các bạn sẽ sắp xếp thông tin của các ấn phẩm publication theo một quy chuẩn/rule nhất định. Hai phong cách phổ biến và được áp dụng rộng rãi ở các trường đại học trên thế giới là MLA và APA. Các bạn có thể dễ dàng tìm được hướng dẫn cách áp dụng các phong cách này trên mạng.
Điều cần lưu ý là chúng ta phải sử dụng thống nhất một phong cách referencing style trong một bài. Một số môn học chuyên ngành đặc thù (ví dụ: Luật Kinh Doanh – Business Law) sẽ áp dụng referencing style riêng của ngành này trong các assignment. Các trường của Úc sẽ yêu cầu sinh viên sử dụng AGLC (tiêu chuẩn riêng của ngành Luật) để trích dẫn các nguồn trong bài tập assignment.
Referencing style không chỉ áp dụng cho các phần footnote, thông tin của publication, mà còn có những yêu cầu đặc thù (format) cho việc trích dẫn nguyên văn trong bài (in-text citation, quotation), áp dụng đối với con số, việc sử dụng ngoặc đơn/ngoặc kép. Nên các bạn cần nghiên cứu rộng việc áp dụng, tuân thủ referencing style trên thực tế.

6. Về cấu trúc (structure) và format

Các bài tập ở các trường đại học quốc tế thường ở dạng short academic essay – các bài luận ngắn. Cấu trúc của những bài tập này có thể khác nhau. Ngoài hai phần tiêu chuẩn mở đầu (intro) và kết luận (conclusion) tiêu chuẩn, phần thân (body) có thể có yêu cầu về cấu trúc và nội dung khác nhau tùy theo từng môn.
Trong một môn, các bài tập cá nhân (individual assignment) hay bài tập nhóm (team assignment) cũng sẽ có cấu trúc khác nhau. Các bạn lưu ý đọc kỹ hướng dẫn ở trường và của giảng viên trên lớp liên quan đến vấn đề cấu trúc và format của assignment.
Về mặt format và cách thức trình bày (presentation), cần hiểu giảng viên không phải là một cái máy, các thầy cô cũng là một người bình thường và có cảm xúc. Các bạn cố gắng trình bày thật mạch lạc, format thống nhất, căn chỉnh lề, giãn dòng đúng chuẩn và sạch đẹp. Một bài viết có phần trình bày về hình thức (presentation) rõ ràng mạch lạc sẽ gây ấn tượng tốt với người chấm.
Cá nhân tôi luôn đề cao những sinh viên có cách thức trình bày chuyên nghiệp và rõ ràng, thể hiện sự tôn trọng với giảng viên. Rất tiếc, trên thực tế nhiều bạn trình bày cẩu thả, không thống nhất, không rõ ràng, format tệ (lệch font chữ, cỡ chữ, không giãn dòng), và làm mất điểm số về mặt hình thức một cách oan uổng. Do đó, các bạn lưu ý trình bày sạch đẹp, không nên để mất điểm về mặt hình thức (một thứ dễ kiểm soát hơn nội dung).
SSDH (Tác giả : Victor Tran)
Share.

Leave A Reply