Sẵn sàng du học – Theo một bài viết gần đây nhất của ICEF Monitor, một trong những lý do khiến sinh viên Việt Nam chọn học tập ở nước ngoài là “chất lượng giáo dục kém của bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Việt Nam”. Hoa Kỳ và Úc là những điểm đến học tập hàng đầu cho Sinh viên Việt Nam, chiếm gần 40% trong tổng số 106.104 sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài vào (2012). Trong đó có 34% – khoảng 36.000 sinh viên – chọn du học ở các nước Châu Á.
Việt Nam dần trở thành sự lựa chọn của các nhà tuyển dụng quốc tế trong những năm gần đây, một phần do sự gia tăng về dịch chuyển ra nước ngoài từ năm 2000 trở đi, đặc biệt là từ năm 2005 đến năm 2010. Số liệu dưới đây minh họa số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các điểm đến hàng đầu như Úc, Mỹ và Trung Quốc, đã tăng ít nhất gấp đôi trong khoảng thời gian này.
Mặc dù tốc độ hội nhập đã chậm lại từ năm 2010, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường trọng điểm của các học viện đào tạo nhằm “đa dạng hoá quần thể sinh viên quốc tế” bao gồm:
- Năng lực còn giới hạn tại các hệ thống trung học và sau trung học trong nước;
- Nền kinh tế đang phát triển giúp tăng thu nhập của mỗi gia đình và làm cho việc đi học ở nước ngoài trở nên dễ dàng hơn đối với phần lớn hộ gia đình.
Nước Úc là số một nhưng vẫn ước mơ đến Hoa Kỳ.
Úc là điểm đến học tập số một cho sinh viên Việt Nam theo World Education News and Reviews (WENR). “Năm 2012, các cơ sở giáo dục của quốc gia này đã đón nhận 22.551 sinh viên Việt Nam, giảm đáng kể so với gần 26.000 sinh viên trong năm 2010, nhưng vẫn cao hơn con số 10.387 sinh viên vào năm 2007. Các số liệu thống kê hiện tại cho thấy số du học sinh Việt Nam đang có dấu hiệu tăng cao trở lại, với dữ liệu tháng 3 lượng hồ sơ xin visa du học tăng 36% và hồ sơ xin học bổng tăng 56% so với cùng kì năm ngoái.”
Sinh viên Việt Nam cho rằng giáo dục bậc cao ở Hoa Kỳ là “tốt nhất trên thế giới” và “đất nước giáo dục xứng đáng ưu tiên đầu tư tài chính”. Theo kết quả khảo sát năm 2010 do Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) thực hiện, sinh viên Việt Nam chọn Hoa Kỳ là quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến với hệ thống giáo dục hàng đầu.
Trở ngại chính ngăn cản số lượng lớn sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ dường như có vẻ phụ thuộc vào chi phí. Báo cáo của cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng giáo dục tại Hoa Kỳ được tỉn rằng là đắt đỏ hơn các quốc gia khác như Singapore hay Australia.
Những vấn đề về chất lượng còn tồn đọng
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường Harvard Kennedy, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đang trong tình trạng “khủng hoảng”, The Economist lưu ý rằng nền giáo dục của Việt Nam đã và đang tụt hậu so với hệ thống giáo dục của Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc.
Các nhà nghiên cứu Harvard nhấn mạnh “sự thiếu hụt báo cáo nghiên cứu của Việt Nam được công bố trong các tạp chí quốc tế” và chỉ ra rằng “chính phủ đã trao tài trợ nghiên cứu một cách không “minh bạch” và có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì sinh viên tốt nghiệp học được và những gì các nhà tuyển dụng tiềm năng muốn họ biết.
Chưa có trường đại học nào của Việt Nam được xếp vào top 200 hay thậm chí nằm trong top 100 của châu Á. Tuy nhiên, chính phủ có tham vọng cải thiện vị trí của đất nước trong lĩnh vực này. Theo báo cáo của University World News, Việt Nam dự định sẽ có ít nhất một trường đại học quốc gia “đẳng cấp thế giới” vào năm 2020, đồng thời nâng cao các trường đại học nghiên cứu ở khu vực để cạnh tranh với các trường đại học tốt nhất châu Á vào năm 2015.
Một số chuyên gia lưu ý rằng trường ĐH gần đạt được những thành tựu đẳng cấp thế giới của Việt Nam là Đại học Quốc gia Việt Nam, Hà Nội (ĐHQG). Tuy nhiên, để có được một bảng xếp hạng top-200 cho đến năm 2020, “một khoản đầu tư lớn vào các quỹ trong tổ chức; Việc tạo ra trường đại học công lập hoàn toàn tự trị; Và các biện pháp để tập trung tài năng nghiên cứu – sinh viên và nhân viên – trong một tổ chức ” là không thể thiếu, Martin Hayden, từ Đại học Southern Cross tư vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nói.
Năng lực làm việc của sinh viên tốt nghiệp và các vấn đề về thị trường lao động
Hiện tại, các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề kép là gia tăng tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ và thực tế của “giáo dục lệch” – nghĩa là sự bất cập giữa kỹ năng có của sinh viên và kỹ năng cần cho người sử dụng lao động.
Tính đến tháng 10 năm 2012, có 165.000 sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp ở Việt Nam – chiếm khoảng 17% số người Việt Nam thất nghiệp – và những câu chuyện về sinh viên tốt nghiệp có tay nghề phải làm việc trong các siêu thị như nhân viên thu ngân hoặc lái xe taxi là chuyện bình thường trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận (2014) cho biết, các trường đại học không phải lúc nào cũng cung cấp các môn học mà “xã hội cần”, và một số trường đại học đang tạo ra những sinh viên tốt nghiệp là “những người không thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là kĩ năng ngoại ngữ và tin học”.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 50% số người thất nghiệp ở Việt Nam đang ở độ tuổi từ 15 đến 24, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp 3 lần so với người Việt Nam lớn tuổi. Phát biểu với Đại học Thế giới về việc đưa ra Báo cáo Xu hướng Việc làm Toàn cầu năm 2013: Báo cáo Một Thế hệ nguy cơ, Giám đốc chi nhánh tại Việt Nam của ILO, Gyorgy Sziraczki, nói:
“Số lượng thanh niên chuyển sang công việc bán thời gian hoặc cảm thấy mình bị bế tắc trong công việc thời vụ ngày càng tăng đáng kể. Các kĩ năng không đáp ứng được thị trường của lao động trẻ đã trở thành một xu hướng rõ ràng, trong khi đó quá trình “giáo dục lệch” lại còn tiếp tục đi kèm với “đào tạo kém cỏi” và “thiếu rèn luyện kĩ năng”.”
Sziraczki cho biết thêm, “Đã đến lúc tăng cường mối liên kết giữa giáo dục và đào tạo và tăng trưởng ngành xuất khẩu, đa dạng hóa kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn.”
Các sáng kiến dạy nghề mới trong ASEAN
Trong phương pháp hợp tác mới được công bố năm 2013, ba nước ASEAN – Việt Nam, Lào và Thái Lan – đang hợp sức để giải quyết một số vấn đề âm ĩ trong khu vực liên quan đến khoảng cách giữa kỹ năng và tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ.
Tại cuộc phỏng vấn với The Nation, Tiến sĩ Chaiprug Sereerak, Tổng thư ký của Ủy ban Giáo dục Dạy nghề Thái Lan, ghi nhận, “Ba nước đã chia sẻ những vấn đề rất giống nhau khi nói đến giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ, đào tạo nghề không phổ biến ở thanh niên. Họ cũng thiếu cán bộ giảng dạy và trang thiết bị hiện đại. Hơn nữa, hầu hết – nếu không phải tất cả – sinh viên sáng giá của họ thích tham gia các chương trình giáo dục tổng quát “.
Tuy nhiên, trong kế hoạch hợp tác này, mỗi nước sẽ xây dựng các chương trình đào tạo nghề để chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp làm việc tại bất kỳ nước nào trong ba nước. Tiến sĩ Sereerak nói thêm: “Bằng cấp và kỹ năng của họ sẽ được chính thức công nhận ở Thái Lan, Lào và Việt Nam.”
Các cơ sở dạy nghề ở ba quốc gia sẽ chia sẻ các thiết bị và nguồn lực, và theo kế hoạch ba nước cũng sẽ thống nhất đề ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp qua biên giới để sinh viên tốt nghiệp có thể di chuyển dễ dàng giữa các nước thành viên để tìm kiếm việc làm. Tiến sĩ Sereerak còn nói rằng sáng kiến mới này sớm muộn cũng sẽ nhận được ủng hộ từ cả 10 nước ASEAN.
Thái Hải (SSDH) – Theo Scholarship Planet