SSDH – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng các trường đại học Anh đang phải đối mặt với “thách thức thực sự” trong việc giải trình nguyên nhân thu học phí quá cao khi chủ yếu giảng dạy qua hình thức online.
Trong một cuộc thảo luận về “giá trị đồng tiền”, Andreas Schleicher, giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của OECD, cho biết các trường đại học đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa đảm bảo an toàn thời Covid-19 và mong muốn trở lại học offline của sinh viên.
Vào ngày 16/9, Andreas Schleicher đã công bố bản báo cáo thường niên mới nhất trên Education at a Glance, khẳng định rằng: “Sinh viên đến trường là để gặp giảng viên, làm việc nhóm và trải nghiệm đời sống cộng đồng”. Nếu tình trạng dạy trực tuyến vẫn tiếp tục kéo dài, về cơ bản sinh viên sẽ không nhận được nhiều lợi ích so với số tiền đã bỏ ra.
OECD đã so sánh hệ thống giáo dục tại các nước trên toàn thế giới và chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, các trường đại học Anh (trừ trường tư) đang thu mức học phí cao nhất thế giới.
[Tham khảo: Cùng tính bài toán chi phí du học Anh]
Không nhận trợ cấp
Giới phê bình cho rằng OECD chưa cân nhắc hết mọi trợ cấp, điều này tạo điều kiện cho sinh viên vay tiền của UK Student Loans Company để trả học phí. Sinh viên có thể kéo dài thời gian trả nợ đến lúc ra trường và tìm được công việc tử tế.
Tiến sĩ Janet Ilieva, chuyên gia dữ liệu kiêm giám đốc công ty Tư vấn Nghiên cứu Education Insight cho biết: “Dữ liệu của OECD thực chất coi nền giáo dục đại học là bộ phận được tư nhân tài trợ nhiều nhất UK mặc dù phần lớn được chính phủ trợ cấp”. Trong buổi trò chuyện cùng University World News, cô cho biết chính phủ trợ cấp rất nhiều cho nền giáo dục đại học, vì thế mà tiền học phí rất thấp hoặc miễn phí tại các trường công.
[Tham khảo: Những quốc gia bạn có thể du học với học phí thấp hoặc miễn phí năm 2021]
Bào mòn hỗ trợ học phí
Trước tình trạng học online tiếp tục kéo dài, Schleicher cảnh báo rằng các trường đại học có nguy cơ “bào mòn trợ cấp học phí của chính phủ tới £9,250” và sẽ khuyến khích các nhà cung cấp khác tham gia vào thị trường và hưởng lợi từ các khóa học online rẻ hơn.
Bản báo cáo trên Education at a Glance cùng những bình luận của Andreas Schleicher đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Anh, với tiêu đề: “Bằng đại học Anh đắt nhất trên thế giới” trên The Times, và “OECD cảnh báo các trường đại học Anh: Học phí học online không thể lên tới mức £9K” trên The Guardian, và “Học online ‘không thể giải thích cho tình trạng thu học phí cao’” trên BBC.
Sự khác nhau giữa các vùng
Dữ liệu của OECD cho thấy sự khác nhau đáng kể trong tỉ lệ những người từ 25-64 tuổi học đại học ở các khu vực tại Anh (38% ở miền Đông Bắc nước Anh và 68% ở London).
Ngoài ra, tổ chức này cũng so sánh mức thu nhập trọng đời của nam giới và nữ giới đã có bằng đại học. Kết quả được đăng tải bởi The Times cho thấy mức thu nhập trọn đời của nam là £153,000 và của nữ là £140,000. Con số này còn kém xa so với Pháp và Mỹ khi mức thu nhập của nam và nữ tương ứng là £250,000 và £180,000 (Pháp), £426,000 và £308,000 (Mỹ).
Tuy nhiên, một hiệu trưởng đại diện cho các trường đại học Anh đã lên tiếng: “Các trường đại học ở Anh đều dẫn đầu thế giới và cơ hội nhận bằng ở đây rất rộng mở. Mức thu nhập trọn đời chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của trường đại học.”
[Tham khảo: Top 10 trường đại học Anh có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất 2020]
Đầu tư của Nhà nước vào nền giáo dục đại học giảm
Theo Times Higher Education, bản báo cáo mới nhất của OECD cho thấy lượng đầu tư của Nhà nước vào nền giáo dục đại học đang có xu hướng giảm ở nhiều nước phát triển mặc dù lượng sinh viên theo học vẫn ở mức cao.
Nhà báo Simon Baker cho biết, đầu tư của Nhà nước cho nền giáo dục đại học đã giảm trung bình 8% từ năm 2012 đến 2018 ở các nước OECD, và nhiều hệ thống giáo dục đang chuyển hướng xin hỗ trợ từ khu vực tư nhân.
Ông cũng trích lời của Simon Marginson, giáo sư tại Đại học Oxford rằng không có “quy luật bất biến” nào cho thấy sự tăng trưởng trong lượng sinh viên học đại học sẽ dẫn đến đầu tư của Nhà nước giảm. Quyết định này của chính phủ được đưa ra dựa trên tình hình chính trị và không nên bị đem ra làm thước đo tại các nước khác trên thế giới.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)