SSDH – Hãy nắm vững những bí quyết cơ bản dưới đây để có một cuộc phỏng vấn xin visa du học “thuận buồm xuôi gió” nhé!
Ảnh minh họa
Ăn mặc chỉnh tề, đến đúng giờ
Đúng giờ là nguyên tắc đầu tiên bạn cần ghi nhớ trong mọi cuộc hẹn và một cuộc phỏng vấn xin visa cũng không phải ngoại lệ.
Thậm chí, bạn cần đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 5-10 phút để tạo tâm lý sẵn sàng hơn cho cuộc phỏng vấn. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên ăn mặc thật lịch sự, gọn gàng, tạo cho mình phong thái tự tin, thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.
Chào hỏi và mỉm cười
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”, câu thành ngữ này luôn đúng trong mọi hoàn cảnh giao tiếp. Khi bạn có mặt trong một cuộc phỏng vấn xin visa cũng vậy, khi bước vào, hãy chào hỏi lịch sự người phỏng vấn.
Chỉ một câu “xin chào” ngắn gọn cùng với nụ cười nhẹ nhàng cũng đủ để bạn gây ấn tượng tốt đầu tiên, giúp cho cuộc phỏng vấn trôi qua êm đẹp và cũng là ngầm thông báo người phỏng vấn rằng: “Tôi đã sẵn sàng và tôi rất tự tin”.
Chuẩn bị trước cho những câu hỏi cơ bản
Nếu như không thể biết trước những câu hỏi hóc búa hay dự liệu được những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, bạn vẫn nên chuẩn bị trước cho những câu hỏi cơ bản như: Thông tin bản thân, về gia đình, về kế hoạch học tập tại nước đến du học; về khả năng tài chính; về ý định quay trở về Việt Nam và những câu thử độ nhạy bén trong tư duy và giao tiếp như: Sự kiện đáng nhớ nhất bạn đã từng trải qua, bạn sẽ là ai trong 10 năm tới?…
Đây là những câu hỏi đơn giản và hầu như có trong bất cứ một cuộc phỏng vấn xin visa du học nào, do đó bạn hoàn toàn có thể dự phòng và trả lời chúng trước như một cách để tạo sự tự tin trước khi bước vào cuộc phỏng vấn thật sự.
Bình tĩnh và tự tin
Tâm lý bình tĩnh và tự tin cần thiết cho bất cứ một cuộc phỏng vấn nào, cho dù là phỏng vấn xin việc, thi vấn đáp hay phỏng vấn xin visa du học….
Bước vào cuộc phỏng vấn, bạn hãy cố gắng dẹp bỏ sự sợ sệt, lo lắng, hồi hộp để hít thở thật sâu, duy trì sự bình tĩnh. Đừng coi cuộc phỏng vấn như một cuộc thi chỉ có hai kết quả: Đỗ hoặc trượt, mà hãy coi nó đơn giản chỉ là một cuộc trò chuyện thân thiện giữa bạn với những người bạn gặp lần đầu tiên.
Sự mất bình tĩnh sẽ khiến bạn không hiểu hết ý câu hỏi, không tập trung được vào câu trả lời và khiến người phỏng vấn đánh giá bạn theo chiều hướng không mong muốn.
Đừng “chém gió”
Có thể đó là sở thích hoặc là sở trường của bạn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đừng mạo hiểm vận dụng nó trong một cuộc phỏng vấn xin visa du học. Không ai đánh giá cao một người thiếu trung thực, đặc biệt là những người phỏng vấn đầy kinh nghiệm, họ chẳng hề khó khăn để “biết tỏng” là bạn đang thành thật hay đang “chém gió” để nâng bản thân mình lên.
Bạn có thể hơi lúng túng một chút, câu trả lời của bạn có thể hơi “ngờ ngệch” cũng không sao, nhưng nếu bạn thiếu trung thực, bạn dễ dàng đánh mất cơ hội của mình ngay lập tức.
Không nên “hỏi gì đáp nấy”
Đừng biến một cuộc phỏng vấn xin visa du học thành một buổi thi vấn đáp mà bạn chỉ biết trả lời các câu hỏi một cách máy móc, cụt ngủn, không một chút ấn tượng. Hãy bổ sung thêm vào các câu trả lời của mình một số thông tin thú vị khác mà bạn cảm thấy cần thiết hoặc có liên quan.
Điều này sẽ khiến câu trả lời của bạn sinh động hơn, gây được ấn tượng mạnh mẽ hơn với người phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn cũng cần hết sức lưu ý là không nên lan man, dài dòng, xa rời nội dung câu hỏi.
Với những lời khuyên trên, chúc bạn sẽ bước qua cánh cửa phỏng vấn xin visa để có thể thực hiện mong muốn du học của mình.
Nguồn: Tiin