Sẵn Sàng Du Học – Nếu có người nào đó hỏi mình rằng, sẽ ra sao nếu đi du học xa nhà và chỉ 1 mình? Hãy tự tin rằng, đó sẽ vẫn là một điều tuyệt vời nhất mà bạn có, khi bạn được đứng trên đôi chân của mình mà không phải dựa vào ai.
- Vấn đề ở trường
Chúng mình đi du học chắc chắn sẽ có môi trường tốt hơn ở Việt Nam về mặt giáo dục. Điều này mình không phủ nhận vì mình đã được kiểm chứng ít nhất khi học ngành Marketing ở chương trình học Thạc sỹ. Ở đây, các giáo viên ngoài việc giảng kiến thức cho chúng mình thì họ cũng phải nhận trọng trách là đưa ra các case study thực tế nhất cho sinh viên.
Mình đã có một chuyến đi tầm 1 tuần đến Cardiff để thăm các công ty, các địa danh để xem chiến lược Marketing của họ ra sao, họ gặp phải vấn đề gì, và hướng giải quyết cho họ nếu mình là một Marketer thì sẽ như thế nào. Nghe đến đây mọi người chắc sẽ bỏ đọc bài viết của mình, nhưng đây là điều đầu tiên các bạn – những người đi du học không phải một mình mà sẽ có bạn bè cùng là người Việt Nam du học sẽ gặp phải – đó là tính (xin lỗi) sống bầy đàn của sinh viên Việt Nam. Khi tham gia bất cứ một project nào, tư tưởng đầu tiên của chúng ta sẽ là bắt cặp với những người cùng quốc gia với mình, Việt Nam vs Việt Nam, Trung Quốc với Trung Quốc…Nếu bạn cố gắng chống lại việc không tham gia nhóm Việt Nam, tức là bạn đang chống lại những người cùng quốc gia của mình, và khả năng cao sẽ gặp những con mắt không mấy thân thiện. Điều đó dẫn đến việc tư tưởng giống nhau sẽ có cách suy nghĩ giống nhau và mãi mãi không thoát ra khỏi những suy nghĩ của mình.
Nó cũng sẽ dẫn đến vấn đề nhức nhối thứ 2 đó là: Phân biệt. Khi bạn luôn luôn nghĩ rằng những người bạn nước ngoài hàng ngày cười nói với bạn rất thân thiện thì bỗng dưng một ngày đẹp trời bạn nghe chúng nó đang nói xấu về mình, nói xấu về đất nước mình – thì đó là Racist. Điều này rất phổ biến thôi, đặc biệt là những bọn học giỏi nhưng kiêu, những bọn học dốt nhưng đẹp hay những bọn vừa dốt vừa xấu, classic.
Bên cạnh đó, việc phải đối mặt với một cục bài tập là điều kinh khủng nhất mà bạn có thể nghĩ đến. Thư viện là một ý tưởng không tồi, nhưng không phải ai cũng dùng thư viện để học – đặc biệt vào ban đêm. Mình đã từng trải nghiệm việc 72 tiếng liền thức trắng để làm 4 bài assignment với tổng số từ lên đến con số 12000. Với 3 lon tăng lực và một đống cafe thì mình đã có một giấc ngủ đúng 24h sau khi kết thúc 3 ngày kinh hoàng ấy. Ở trên thư viện sẽ có một số loại người: Lên thư viện cho bằng bạn bằng bè, lên thư viện để học, lên thư viện để tìm sách nhưng sau khi đọc được 1 trang thì sấp mặt ngủ, lên thư viện vì không biết đi đâu. Thư viện là từ mà khi nhắc tới có lẽ đa phần các sinh viên học đến Thạc sỹ sẽ cảm thấy kinh hoàng. Đó là sự áp lực từ chính mình, đó còn là sự áp lực ganh đua của những người xung quanh nữa.
– Tài chính: Ừ cứ coi như du học sinh là khá giả đi, hơn mức bình thường ở nhà, nhưng có ai nghĩ du học sinh phải tính toán tiền bạc mua đồ như thế nào chưa? Lúc nào đi chợ cũng phải tìm cái gì dưới 1 bảng mua cho rẻ, mỗi lần đi chợ hết đâu có 10 bảng hơn, trong khi những người ở đây mỗi lần đi chợ phải 80,90 bảng. Có thể chúng mình có ngân sách cao nhưng không có nghĩa chúng mình không biết tiêu tiền đúng mức. Nhiều khi bạn bè khao nhau vài ba cái chân gà, gói mỳ tôm hay quả trứng là đã phải tính xem mình có “hào phóng” quá không rồi. Việc tiêu tiền Bảng đã thành thói quen và cho đến giờ cũng ít ai quy thành tiền Việt lắm, vì mỗi lần quy đổi là xót xa lắm. Gì đâu gói rau bé tí hơn 30k, cái bánh sandwich 60 65k. Nhưng thỉnh thoảng ngồi với lũ bạn nghĩ ngày về Việt Nam, ra quán phở, bát phở 15k, nem chua 2k thì anh em kêu nhau: “Ôi dào chưa đầy 50p, hôm nay tao bao” thì chết.
Sống ở Anh quy tiền Việt, sống ở Việt quy tiền Anh. Bạn đã bao giờ nghĩ đến cái cảm giác mà trong người không còn bất cứ một đồng nào mà phải mặt dày xin bạn cơm để ăn với ruốc và thịt hộp mang từ Việt Nam sang để tồn tại qua ngày chưa? Mình đã gặp rồi … đó là lúc mình cảm thấy cuộc sống của mình còn nghèo hơn thằng ăn xin, nhục lắm ạ. May mà còn sống đến tận ngày về nước đó.
– Việc nhà: Đã bao giờ một “quý tử”, “công chúa” nào ở nhà phải tự là quần áo, đi chợ cho chính mình và lo lắng thuốc thang chưa? Sang đến đây rồi thì cái gì cũng đến tay: Giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn, dọn phòng, dọn nhà (cả phòng WC), viết sổ chi tiêu, blah blah abcxyz cái gì cũng phải làm hết. Đúng với cái câu: “Muốn ăn thì lăn vào bếp” thì cuộc sống xa nhà đang “hưởng” đó. Riết rồi cũng thành master mì thập cẩm với làm các món đơn giản. Vô hình chung sau này lấy vợ mà vợ đi công tác hình như mình cũng không chết được. Làm lúc đâu thì công nhận rất là ngại, quan điểm của mình là: “Dọn xong mai lại bừa ra thì dọn làm gì” :-S Nhưng phải công nhận không gian bẩn bừa thì cái gì cũng khó chịu.
– Du lịch: Thứ cám dỗ nhất trong cuộc đời Du học sinh chính là DU LỊCH. Người ta nói Du học là Du lịch và Học cũng không sai. Đằng này còn sống ở châu Âu chẳng lẽ không thể nào làm được một vòng châu Âu trước khi về? Đó cũng là quyết định gây ra “cái chết đói” cho hàng ngàn sinh viên Việt Nam mỗi năm. Cứ đi du lịch về là đói, cứ chơi xa về là tiền bắt đầu ọp ẹp. Nhưng dù đói thế nào mình chắc chắn 100% tất cả các bạn đều luôn nghĩ là: “Đói nhưng đáng cái công mình đi”
– Tự kỷ: Tự kỷ về đêm là tình trạng phổ biến của mình. Nhất là khi vừa bước sang tuổi 22 thì mình bắt đầu thích nhạc Lệ Quyên, Quang Dũng, Đan Trường, Hiền Thục, Bằng Kiều, etc… Nghe mấy cái nhạc này thì ko thể ko tự kỉ được, phải không. Cơ bản ngủ 1 cái là quên hết những gì mình cần làm nên sống thư thái quá =)) Dần dần khi lên London thì mình có bệnh tự kỷ nặng hơn khi đi đâu, làm gì cũng chỉ muốn làm một mình không đụng đến ai. Đi trên đường cười cười nói nói một mình với cái bài hát đang bật… Thôi bỏ qua…
– Liên lạc với người ở Việt Nam: Skype bắt đầu trở thành bạn thân khi là nơi chat xuyên ngày đêm được với bất cứ ai ở Việt Nam, chỉ cần họ online là mình chat được. Nhưng cái khoảng cách 7 tiếng nó hơi lớn nên nhiều lúc cũng thấy hơi lạc lõng, chúng nó làm gì mình không biết, mà cũng chả biết gì mà chen mồm vào. Riết cũng thành người thừa đó.
- Study Abroad – Quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời!
Nếu có nói Du học là khổ thì cũng phải nói, Du học rất rất sướng. Nếu bạn đã từng đến châu Âu để học dù chỉ 6 tháng thôi, bạn cũng đã là người rất may mắn rồi. Tôi cũng là một trong số đó.
Nếu bạn chưa từng chết đói để tự apply công việc kiếm tiền đầu tiên – bạn chưa phải là Du học sinh.
Nếu bạn chưa từng ngồi lì trong thư viện để làm cho xong bài rồi mới về, để ôn hết bài cho kỳ thi sắp diễn ra – bạn chưa phải là Du học sinh.
Nếu bạn chưa từng bị phân biệt, kỳ thị trong lớp mà bạn toàn gặp người tốt – bạn chưa phải là Du học sinh.
Nếu bạn chưa từng có những bữa nhậu với bạn bè thâu đêm suốt sáng mà không lo nghĩ gì về thời gian – bạn chưa phải là Du học sinh.
Nếu bạn chưa từng đón một cái Tết nào qua Skype với gia đình – bạn chưa phải là Du học sinh.
Nếu bạn chưa từng chăm chăm chờ hàng Sales mỗi dịp hạ giá và order Amazon về nhà – bạn chưa phải là Du học sinh
Nếu bạn chưa từng …
Sẽ còn rất nhiều cái thú vị chờ đón bạn khi trở thành một Du học sinh. Thực sự để nói ra, Du học sẽ giúp cho bạn biết được giá trị của mình, nhiệm vụ của mình và tương lai của mình như thế nào. Nếu mình không tự bắt tay đi kiếm những đồng tiền đầu tiên thì có lẽ mình sẽ không bao giờ đi hết một dọc châu Âu được. Nếu mình không từng bị kỳ thị thì mình sẽ không bao giờ khẳng định được mình trước bạn bè 5 châu. Nếu mình không đón một cái Tết một mình thì mình sẽ không bao giờ trân trọng cái Tết đoàn viên như thế.
Đã có rất nhiều cái gọi là “Lần đầu tiên” để mình luôn luôn nhớ quãng thời gian làm Du học sinh của mình.
Nếu có người nào đó hỏi mình rằng, sẽ ra sao nếu đi du học xa nhà và chỉ 1 mình? Hãy tự tin rằng, đó sẽ vẫn là một điều tuyệt vời nhất mà bạn có, khi bạn được đứng trên đôi chân của mình mà không phải dựa vào ai. Hãy luôn nghĩ rằng, dù có khổ thế nào đi chăng nữa, nơi mình đi du học sẽ luôn là ngôi nhà thứ 2 của mình. Để đến ngày không còn được gặp nó nữa, bạn sẽ nhận ra, bạn yêu nó đến chừng nào.
Khánh Ngọc(SSDH)