Sẵn sàng du học – Năm 2019, tỷ lệ bỏ học tại Tây Ban Nha được ghi nhận cao nhất Liên minh châu Âu. Do Covid-19, có tới 12% trẻ em, tương đương 1 triệu học sinh nước này đã bỏ học trực tuyến trong 14 tuần phong tỏa.
Trong số 31 học sinh tại một trong những lớp học trực tuyến của giáo viên Clara Mijares, có 8 người đã bỏ học. Nữ giáo viên chia sẻ, đây là tình trạng phổ biến đối với người học ở độ tuổi từ 12 – 16.
"Sự thú vị của việc học trên lớp đã không còn", cô Mijares nói.
Tình trạng này được cho là diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới trong thời gian qua, khi các trường học đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, dữ liệu được Chính phủ Tây Ban Nha công bố cho thấy, hàng loạt học sinh đã bị tước quyền giáo dục, đặc biệt là người đến từ gia đình có thu nhập thấp.
Do đại dịch, tất cả trường học tại Tây Ban Nha đều đóng cửa trong thời gian phong tỏa. Quốc gia này cũng không cung cấp bất cứ dịch vụ giáo dục nào dành cho trẻ em có cha mẹ là nhân viên chủ chốt như y, bác sĩ.
Khoảng 9,5 triệu học sinh Tây Ban Nha đang học tại nhà. Hầu hết các trường sẽ không mở cửa trở lại đối với tất cả học sinh, cho đến khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9. Tỷ lệ bỏ học tại Tây Ban Nha được ghi nhận cao nhất Liên minh châu Âu, ở mức 17,3% vào năm 2019. Hiện tại, chính phủ ước tính có tới 12% trẻ em, tương đương 1 triệu HS đã bỏ học trực tuyến trong 14 tuần phong tỏa.
Mijares cho biết, cô giảng dạy những học sinh đến từ các tầng lớp lao động. Khi thời gian phong tỏa kéo dài, giáo viên này nhận ra rằng, cô sẽ cần có những cách khác nhau để tiếp cận học sinh.
"Tôi đã nói chuyện với các gia đình khi họ cảm thấy choáng ngợp bởi khối lượng bài tập và email. Một trong những nhiệm vụ của tôi là gọi và giải thích cách đọc, gửi email từ điện thoại di động", cô Mijares nói.
Theo thống kê, nhiều người học có hoàn cảnh khó khăn ở Tây Ban Nha không có quyền truy cập Internet. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết, có 2,2 triệu trẻ em Tây Ban Nha, tương đương với hơn 1/4 người trẻ, đối mặt với nguy cơ nghèo đói.
"Đó là sự thật đáng lo ngại nhất tại Tây Ban Nha, khi tỷ lệ những người trẻ bỏ học khá cao", ông Olivier De Schutter – báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình trạng nghèo đói và nhân quyền, chia sẻ.
Cũng theo ông De Schutter, trường học sẽ khó có thể mang lại vai trò cân bằng trong cuộc sống, khi phải tạm đóng cửa. "Sự gián đoạn liên tục có thể làm tăng khoảng cách", ông nhận định.
Không ít gia đình tại Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn khi các tổ chức giáo dục nước này đóng cửa. Bà Saida Juarez (50 tuổi) là một bà mẹ đơn thân hiện làm quản gia cho một gia đình tại Vallecas, ngoại ô Madrid. Bà Juarez chia sẻ đã tự cách ly và không tiếp xúc với 2 con trai, nhằm giảm nguy cơ lây bệnh cho trẻ.
Cả hai con của bà Juarez đều nhận được bài tập qua email thông qua điện thoại di động. Khi hoàn thành nhiệm vụ, hai cậu sẽ chụp ảnh và gửi lại để được chấm điểm. Tuy nhiên, bà Juarez không thể giúp các con làm bài tập.
"Tôi không thể đến gần họ", nữ phụ huynh chia sẻ.
Mỗi khi tan làm, bà Juarez sẽ trở về nhà và khử trùng, dành thời gian còn lại của buổi tối ở trong phòng và chỉ liên lạc với các con qua điện thoại.
"Tôi sợ rằng, mình có thể sẽ mang virus về nhà. Thật khó khăn và buồn bã khi không thể liên lạc", bà Juarez chia sẻ.
Trong khi đó, con trai cả của bà Juarez – Gabriel (16 tuổi) phải tự mua đồ, tự học và giúp em trai làm bài tập. Gabriel chia sẻ, do phải học tại nhà, nên việc nhờ giáo viên giúp đỡ là điều khá khó khăn. Cậu thường gửi email cho giáo viên của mình, nhưng họ sẽ trả lời chậm hơn so với khi ở trên lớp.
"Sẽ rất khó để quay lại và tương tác với mọi người, vì em đã ở nhà quá lâu mà không nói chuyện với ai", nam sinh 16 tuổi nói.
Cá Domino (SSDH) – Theo Giáo dục & Thời đại