Thành công: Nghèo vượt khó hay giàu vượt sướng?

0

SSDH – Thành công: Nghèo vượt khó hay giàu vượt sướng? – Nhất mệnh, Nhì vận, Tam bản sự. Thực ra câu hỏi này với mình luôn rất khó trả lời. Hãy tìm hiểu cùng SSDH nhé.

THẾ NÀO LÀ KHÓ? MÀ THẾ NÀO LÀ SƯỚNG?
Mình có một vài người bạn thời 12 14, mà đồ dùng học tập không vá thì cũng khâu, nhặt từng chiếc bút hỏng ngoài còn ruột, nhịn ăn sáng để đi học thêm bắt buộc. Mình thì không khổ thế, muốn học thêm gì thì học, nhà hồi đó tuy chưa khá nhưng mẹ chẳng để mình đói bao giờ. Chỉ có là nhìn tụi bạn ăn quà vặt nhiều mà mình thì không nổi 3 nghìn trong túi mua dĩa khoai chiên để đi cùng lúc được rủ, mình cũng có tí tủi thân nhẹ.
Lớn lớn lên một chút, mình nhìn rõ lợi thế tài chính không chỉ ở quà vặt mà còn rơi rất nhiều ở cơ hội. Một bạn giờ rất thành công trong nhóm từng viết về việc bạn ấy xin được học bổng Mỹ, còn chỉ 5,000 USD mà ba mẹ vẫn lo không nổi. Trong khi đó chúng bạn thì đi Mỹ rào rào. Mình ngày trẩu tre cũng từng có lần nghĩ rằng “giá ba mẹ giàu hơn” thì mình đi trường đỉnh hơn rồi không?
Thế nhưng nếu nói còn ai kém may hơn bạn ấy và mình không thì cũng đầy. Bạn ấy chắc cũng giống mình, ở thành phố, lại còn có tiền đi học ôn luyện thi các bài kiểm tra chuẩn để mà còn xin học bổng không thì cũng thi đại học. Có nhiều bạn khác chẳng có điều kiện này. Học ở vùng sâu vùng xa, tự vác sách đọc lúc chăn trâu, rồi hì hụi thi. Bạn nào chịu khó và có chút may thì vào được trường tốt, không may thì học trung cấp rồi cày từ xuất phát điểm đó lên thôi.
CÓ BẠN NÓI GIỜ THỜI ĐẠI THÔNG TIN VƯỢT SƯỚNG LÀ CHỦ YẾU, MÌNH LẠI VẪN KHÔNG THẤY VẬY:
Nếu nói sự phân hóa giữa các “tầng lớp” học sinh sinh viên tăng hay giảm trong 20 năm qua thì mình thấy tăng rõ ràng:
  • Nhiều phụ huynh bây giờ biết đến con đường du học hơn xưa. Trường quốc tế giảng dạy bậc đại học ở Việt Nam cũng mọc lên nhiều như nấm.
  • Nếu ngày xưa nhà giàu có cũng vẫn cần con học bổng nhiều nhiều mới đi được thì bây giờ mình chứng kiến rất nhiều bạn theo trường hợp: “Anh chẳng cần học bổng cũng được, miễn nó có đủ khả năng.”
Các bạn không tin thì để mình kể mấy chuyện thật không bịa về sinh viên Việt trong vài trường thứ hạng dưới 10 ở Mỹ cho nghe nhé:
  • Mình biết một bạn giỏi từ bé, không chỉ giải quốc gia quốc tế đầy mình, mà rảnh rảnh bạn ấy mở ra một chuỗi cửa hàng rồi tự đánh sập nó để xin vào một trường nổi tiếng. Sau này, trường cho học bổng nhưng bạn ấy từ chối, nói rằng: “Trường hãy để cơ hội cho những bạn cần số tiền đó hơn. Tôi sẽ tự đóng tiền.”
  • Lại một bạn khác mà mình có biết từ quá trình chuẩn bị hồ sơ. Mẹ bạn ấy bảo, có hôm nó buột miệng thế này em ạ: “Cô X dạy con là trên cả sướng. Con vừa học giỏi nhà vừa có tiền.” Thế là mình phì ra cười. Sau này bạn ấy sang Mỹ học ở một trường lớn, thành phố lớn. Lúc COVID lên cao ở đó, mình hỏi mẹ bạn ấy là bạn có muốn sang chỗ mình ở không. Mẹ bạn ấy lại bảo: “Nó không thích đâu em ạ. Thích tự do. Chị mới thuê nhà cho nó ở riêng rồi. Ở chung với bạn nó nó còn không thích ấy.” Ài, mà nhà này là nhà giữa thành phố cực lớn của Mỹ nha, không dưới 5,000USD một tháng đâu.
Mình kể những chuyện này chi vậy? Thực ra đúng là giờ nhiều gia đình Việt Nam kinh tế khá hơn rất nhiều nên con cái đỡ phải sống chết tìm học bổng. Nhưng cũng vì thế những bạn mà nhà kinh tế mới nổi hoặc khá vừa lại càng khó khăn.
Bây giờ các bạn không phải chỉ cạnh tranh với mấy đứa giỏi mà còn là mấy đứa vừa giỏi vừa giàu để có học bổng. Rõ ràng, giữa một đứa giỏi ít hoặc vừa đủ tiền và một đứa giỏi sẵn sàng đóng tiền thì trường chọn ai không cần nói cũng biết. Vậy nên cái việc nghèo vượt khó, hoặc khá tài chính vượt khó trong vấn đề du học tới giờ vẫn không phải là chuyện dễ dàng.
THẾ CÒN GIÀU VƯỢT SƯỚNG THÌ SAO?
Nói thật là cũng không dễ:
  • Mình tốt nghiệp hạng ưu, công việc tới nườm nượp. Bảo mình tự dưng bỏ sự an toàn đó để ra làm kinh doanh, đi học cũng phải mất đến cả 4 5 năm dùng dằng. Mà cứ bảo là chẳng qua mình không biết nên không dám làm liều chứ thực ra mình biết thừa là mình bỏ hẳn ra làm riêng thay vì kết hợp với mấy đứa bạn thì hiệu quả kinh doanh gấp mấy lần. Chẳng qua là đang sướng quá nên sợ mất chỗ và nhiều lựa chọn quá nên không chọn được cái tối ưu.
  • Em họ mình thì từ khi sinh ra lúc nó biết nhớ là nó đã đi ô tô. Hồi trước khi nó đi du học Anh, nó đã bảo là: “Con chẳng thích đi đâu, du học khổ lắm.” Thế nhưng cậu mình vẫn bắt nó đi cho lớn. Cơ mà mấy năm sau, em mình lại về nhà cho sướng thật. 
Trong khi đó, thì mấy đứa bạn mình:
  • Mấy đứa học đại học làng với trung cấp ra trường kiếm việc lương thấp quá toàn quyết tâm làm ăn, giờ suốt ngày hỏi mình: “Trang ơi, tuyển kế toán cho minh với. Tìm kế toán khó quá.”
  • Mấy đứa không du học từ thời đại học, lương sau vài năm ra trường có 8 đến 15 triệu thì đi một mạch sang Mỹ với Úc, giờ định cư, toàn làm trưởng phòng với giám đốc gì đó.
Có phải đôi khi do không có lựa chọn nên quyết tâm nhiều hơn không nhỉ?
THỰC RA NGHÈO VƯỢT KHÓ HAY GIÀU VƯỢT SƯỚNG ĐỀU KHÔNG QUAN TRỌNG. QUAN TRỌNG LÀ CÓ CỐ GẮNG.
Có câu nói thế này:

Nhất mệnh, nhì vận, tam bản sự. Trong ba cái chỉ cần làm được hai là cuộc đời sẽ thuận lợi thành công.

Ba thứ trong câu này, mình giải nghĩa như sau:
  • Mệnh: Là thứ không thay đổi được. Các bạn có thể không tin tử vi hay bói toán, nhưng giống như con người sinh ra không thể chọn tên, họ cũng không thể chọn xem ba mẹ mình có phải người đàng hoàng có học hay không? Có tiền đủ cho mình ăn học tử tế hay không? Có thương con hay là đánh đập hành hạ con hay không nữa?
  • Vận: Là thứ biến đổi theo xã hội, thời cuộc chứ không phải bản thân các bạn. Ví dụ như năm nay lạm phát cao, bạn làm ra tiền nhưng thực tế thì không mua được nhiều đồ lắm. Hoặc như bạn thấy những năm cổ phiếu hay tiền ảo mới nổi, ai cũng kiếm được một ít, ai cũng nghĩ là do mình giỏi lắm, hóa ra là do thời vận nó vậy. Ngược lại, có những người Ukraina cũng rất cố gắng, nhưng mà đùng cái Nga đánh, thì họ cũng mất hết tất cả luôn.
  • Bản sự chinh là cố gắng của bản thân mình. Trong ba cái cũng là cái duy nhất mình tự điều chỉnh được. Cứ coi như sinh ra trong một gia đình tốt, có điều kiện học hành, nhưng nếu bạn không cố gắng thì cũng không chắc đã có quả ăn. Giống như phú ông có đầy ruộng nhưng con trai không biết quản lý các hộ làm nông thì cũng thành chết đói. Còn với thời vận, nếu cơ hội đến mà bản thân không có năng lực thì muốn làm cũng chẳng được. Cái này giống như ai cũng biết buôn đất rất giàu, nhưng không phải ai thấy thời cơ cũng xây được đủ uy tín và hiểu rõ rủi ro (hay nói cách khác là có năng lực) để vay tiền mua đất.
Thực sự, sinh ra mệnh tốt mà không trau dồi bản sự thì:
  • Thời vận đến nhiều khi tự nhiên không cố cũng giàu và cũng thành công
  • Thế nhưng vận là biến đổi bên ngoài xã hội. Ai biết mai chiến tranh hay thế nào? Nếu không có năng lực, trường hợp xấu xảy ra, kể cả mệnh tốt chắc gì đã đương đầu được.
Nếu sinh ra mệnh không tốt mà trau dồi năng lực thì:
  • Nếu vận tốt đến, tự dưng bạn sẽ có đất dụng võ. Mình nói chuyện với một phụ huynh trong nhóm này và ảnh kể ảnh từng chỉ học trung cấp nhưng lúc đó kĩ năng vi tính văn phòng mới nổi, ảnh học được nên bắt đầu đi làm thư kí, rồi học lại đại học, rồi mở công ty, nổi lên từ đó
  • Thế nhưng cũng có những người vận không đến được, trí thức thất thời mà giỏi cuối triều Nguyễn Việt Nam nhiều vô kể. Như ba mình giỏi cả đời, thế mà mãi 10 năm cuối sự nghiệp mới chuyển sang được đúng biên chế của công ty cần kĩ năng của ba. Vậy nên ba thất thểu và hay mượn rượu giải sầu suốt mấy chục năm.
  • Vậy nên xét cho cùng, nghèo vượt khó mà không có vận cũng còn mệt lắm đấy. Dù sao thì cũng nên cố để vận đến thì mình còn có cái mà tận dụng phải không?
Nói chung, mình thích cái tư tưởng mệnh thời vận này là vì nó chỉ ra rằng dù mệnh thế nào (sướng hay khó) thì cũng phải cố gắng tăng bản sự (kĩ năng, năng lực), thì mới chắc chắn rằng đời mình có một đích đến tốt đẹp hơn bởi vì không ai biết vận (sự biến đổi trong xã hội, quốc gia) sẽ diễn tiến thế nào.
Hơn nữa, rất nhiều người sẽ phủ nhận thành công của mình là do có phần nào đó xuất phát điểm cao hơn người và may mắn. Mình thì không cho rằng vậy:
  • Mình mệnh tốt … nên sức khỏe tốt, ba mẹ quan tâm học hành.
  • Nhưng năm đó vận xấu năm 17 tuổi … cả nước khủng hoảng tài chính ảnh hưởng gia đình. Lúc đó năng lực mình chưa đủ cao nên không xoay chuyển được tình thế để tiếp tục đi du học.
  • Thế rồi khi năng lực đủ cao, vận lại đến … mình nhiều sếp to quý, viết thư giới thiệu rất rõ ràng và tình cảm. Mình cũng đủ năng lực để thi và phỏng vấn. Thế là mình đi.
  • Ngay cả khi mình xin Tiến sĩ cũng một phần do vận. Năm mình nộp đơn không quá nhiều bạn giỏi mà mình lại có thư của giáo nổi tiếng biết mình trực tiếp. Chứ nhìn hồ sơ hai năm nay của khoa mình, mình thầm nghĩ: “Ài nếu mình có vào được cũng phải cạnh tranh è cổ hơn hồi đó rất nhiều.
  • Thế nhưng vận lại hông đến, mình đang trục trặc xuất bản khá mệt. Trong khi bạn vào sau một năm thì bài vô lúc báo nó cần nên nộp cái chả cần làm kĩ nó cũng OK luôn. 
  • Cơ mà nếu mình nhìn thấy thế mà không cố nữa thì sau này nếu có báo cần đúng chủ đề của mình, mình cũng đâu có bài để nộp nữa.
Vậy nên, nhìn nhận yếu tố may mắn là để mình biết ơn đời và thắng không kiêu, bại không nản. Còn nếu bạn coi sự cố gắng của bản thân là yếu tố duy nhất thì mình cũng không thấy sao. Chỉ có là nếu sống vậy thì căng thẳng quá. Lúc thành công không sao, nhỡ gặp thất bại, tâm lý này sợ sẽ buồn lâu và khó phục hồi. Cố gắng lên nhưng mà nghĩ thoáng ra mọi người nhé.
SSDH (tác giả Jeny Hoang)
Share.

Leave A Reply