Tìm việc sau tốt nghiệp tại Canada: Kinh nghiệm chuẩn bị sơ yếu lý lịch để tăng cơ hội được gọi phỏng vấn

0

Sẵn sàng du học – Bài viết này mình xin phép chia sẻ một phần nhỏ trong kinh nghiệm chuẩn bị sơ yếu lý lịch của mình. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Phần này mình sẽ nói đến mục thông tin cá nhân thường nằm trên top của sơ yếu lý lịch.

ssdh-phong-van-xin-viec1

Hi mọi người,

Cám ơn mọi người đã ủng hộ bài viết trước của mình và đã thấy hữu ích trong quá trình tìm việc. Có nhiều bạn nhắn tin hỏi mình thêm những kinh nghiệm khác như là về sơ yếu lý lịch, nên mình viết tiếp chia sẻ thêm cho những ai quan tâm. Và, cám ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài post này.

Bài viết này mình xin phép chia sẻ một phần nhỏ trong kinh nghiệm chuẩn bị sơ yếu lý lịch của mình. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Phần này mình sẽ nói đến mục THÔNG TIN CÁ NHÂN thường nằm trên top của sơ yếu lý lịch.

Trên top của sơ yếu lý lịch của mình, mình chỉ bao gồm những thông tin sau:

  • Tên
  • Địa chỉ
  • Số điện thoại
  • Email
  • LinkedIn URL

Cụ thể:

#1. Tên (First name, Last Name)

Tên trên sơ yếu lý lịch của mình là Joe Hoang. Mình không sử dụng tên khai sinh với 2 lý do:

Thứ nhất: Nếu bạn có nickname hay một tên nào đó, mà khi bạn bè người thân, thầy cô, đồng nghiệp hay sếp ở chỗ làm thường dùng để gọi bạn, nhắc tới tên đó đều biết bạn là ai (kiểu như danh tính), thì bạn có thể sử dụng tên đó trên sơ yếu lý lịch. Lý do là vì sơ yếu lý lịch cơ bản không phải là một văn bản pháp lý, nên các bạn không nhất thiết sử dụng họ tên thật đầy đủ.

Tuy nhiên, chỉ đến khi nào các bạn điền vào các hồ sơ khác để hoàn tất các thủ tục trong quá trình ứng tuyển công việc hay hoàn thiện hồ sơ nhân viên thì các bạn phải sử dụng họ tên thật. Trong quá trình ứng tuyển công việc, vẫn có các công ty sẽ có phần Preferred Name để các bạn điền nickname hay tên thường gọi vào. Nếu có tên khác ngoài tên pháp lý, phần này bạn nên điền vào. Lý do, trong quá trình tuyển dụng, các HR sẽ kiểm tra tài liệu. Mình lấy ví dụ, nếu thường ngày các bạn sống, đi làm, học tập với một tên nickname, nhưng khi HR kiểm tra tài liệu với tên thật của bạn (trong trường hợp bạn không cung cấp nickname/tên thường gọi), thì người mà các bạn dùng làm tài liệu có thể bị bối rối dẫn đến có thể cung cấp thông tin không chính xác hoặc tệ hơn là xác nhận không biết bạn là ai, dẫn đến HR có thiểu hiểu lầm và đưa đến quyết định tuyển dụng sai.

Thứ 2: Mình chủ đích loại bỏ yếu tố “racial discrimination” (phân biệt chủng tộc). Các bạn có thể nghe thấy lạ, nếu chưa từng nghe đến vấn đề này. Tuy nhiên, các bạn đang ở Canada thì nên chú ý đến vấn đề này, nếu nó có ảnh hưởng đến bạn. Mình học chuyên ngành HR nên trong suốt quá trình học, mình luôn được học và lưu ý về phân biệt chủng tộc (việc phân biệt ứng viên dựa trên nhiều yếu tố). Tên là một trong những gây nên sự phân biệt vì có liên quan đến “race”, có thể sẽ ảnh hưởng quá trình xin việc. Do đó, mục đích chính đó là LOẠI BỎ đi tất cả các yếu tố nào gây nên sự phân biệt thì nên được thực hiện.

Mình đính kèm một bài viết về topic này để các bạn đọc thêm để tham khảo: https://www.cbc.ca/life/culture/what-s-in-a-name-we-talk-to-experts-about-racial-bias-in-hiring-and-how-to-work-to-change-it-1.4822467

Các bạn quan tâm có thể google để tìm hiểu thêm. Cái này nó cũng rất là thú vị.

#2 Địa chỉ

Trên sơ yếu lý lịch của mình, mình để một địa chỉ cụ thể ở Vancouver (trường hợp của mình là mình dùng địa chỉ của bạn mình ở Van), trong khi mình vẫn đang ở Kamloops, một thành phố khác mà mình đang sống.

Mục đích là để cho nhà tuyển dụng thấy bạn đang ở một trạng thái sẵn sàng và dễ dàng chấp nhận đề nghị khi được tuyển.

Ngoài ra, lý do khác mà mình đã tham khảo nhiều bạn bè làm việc trong ngành HR, làm tuyển dụng ở Vancouver cũng như tham khảo kinh nghiệm các bạn đó kiếm việc và quá trình thay đổi từ một thành phố đang sống (Kamloops) sang đến một thành phố đang kiếm việc (Vancouver). Một mẹo hay đó là: các nhà tuyển dụng khi nhìn vào sơ yếu lý lịch sẽ ưu tiên các sơ yếu lý lịch nào đang sinh sống tại địa điểm của công việc đó, ví dụ trường hợp của mình là Vancouver. Các ứng viên của vùng khác hoặc xa hơn sẽ ít được chú ý hơn (mất thời gian ổn định, tìm hiểu thông tin cuộc sống, abc xyz dẫn đến việc phải xem xét nhiều thứ hơn nếu như được nhà tuyển dụng chú ý). Nên tâm lý nhà tuyển dụng vẫn chú ý những ai ở gần hơn. Giống như khi bạn muốn kiếm việc ở Hồ Chí Minh mà bạn lại đang ở Đà Nẵng vậy đó.

Nếu bạn đang trong hoàn cảnh này thì nên xem xét yếu tố này!

#3 Số điện thoại

Thông tin này thấy có vẻ đơn giản nhưng các bạn có thể ghi lại những ý sau:

Số điện thoại của các bạn phải hoạt động. Tức là gọi tới có đổ chuông ngay lần đầu tiên. Mình đã thấy có trường hợp, không biết vì lí do gì (có thể do nhà mạng), mà một số điện thoại khi gọi cuộc đầu tiên thì không kết nối được, phải gọi đến cuộc thứ 2 mới đổ chuông. Nếu có vấn đề này, các bạn cần sửa sớm vì nhà tuyển dụng khi liên lạc với ứng viên, sẽ liên hệ một lúc rất nhiều ứng viên một lúc. Nếu gọi các bạn không được, người ta bỏ qua và gọi ứng viên khác.

Thiết lập hộp thư thoại. Trường hợp các bạn chưa làm thì nên làm sớm. Lí do: nhà tuyền dụng có thể sẽ gọi bạn bất cứ lúc nào, nếu bạn không bị nhỡ cuộc gọi thì có thể người ta sẽ để lại thư thoại cho các bạn (trường hợp bạn được xem là một ứng viên tiềm năng). Các bạn sau đó có thể kiểm tra và gọi lại cho họ. Thời điểm này, do cung vượt cầu (ứng viên thì nhiều như sao trên trời), nên khả năng cao các nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua bạn nếu không liên hệ với bạn được ngay từ lần gọi đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn có hồ sơ tốt thì người ta có thể vẫn để tin nhắn cho bạn trong voicemail để bạn có thể liên hệ lại. Thế nhưng, may mắn có thể không đến lần thứ 2, nên nếu được, thì nên nắm bắt ngay lần đầu.

#4 Email

Các bạn nên cẩn thận tạo một email nhìn cho chuyên nghiệp. Lỗi này các bạn mới ra trường hay mắc. Những ai đi làm rồi thì chắc sẽ có kinh nghiệm hơn. Email dùng cho đi học, liên hệ bạn bè sao cũng được, nhưng email để phục vụ mục đích làm việc nên chỉn chu hơn. Tốt nhất tên email nên chỉ đơn giản gồm first name và last name. Các tạo một email chuyên nghiệp, các bạn có thể google thêm nhé.

#5 LinkedIn URL

Mình luôn đính kèm trang LinkedIn profile của mình vào sơ yếu lý lịch. Có một lưu ý đó là: khi các bạn tạo LinkedIn profile, nó sẽ tự động tạo ra một cái URL (kiểu như tên miền, mình không học IT nên tạm gọi vậy) nhìn không được chuyên nghiệp lắm. Thế nên, các bạn nên đổi cái tên URL bao gồm first name last name. Cách đổi URL của LinkedIn thế nào các bạn lại google hoặc youtube nhé. Có hướng dẫn rất cụ thể và dễ dàng.

Một lưu ý quan trọng nữa là, ngoài URL của LinkedIn ra, các bạn cũng không nên đính kèm các link khác trong sơ yếu lý lịch. Lý do: Nếu các bạn ứng tuyển vào các công ty lớn, khả năng cao các công ty đó sẽ sử dụng Applicant Tracking System (ATS), nôm na gọi là hệ thống lọc sơ yếu lý lịch tự động. Thuật toán của các hệ thống ATS hiện tại sẽ lọc những hồ sơ nào có các link đính kèm trong sơ yếu lý lịch và sẽ coi đó như là có virus và sẽ không cho hồ sơ đó lọt qua hệ thống. Kết quả là, sơ yếu lý lịch của bạn sẽ không đến được với nhà tuyển dụng, cũng như là không được “vào bãi giữ xe” của công ty vậy đó!

Lưu ý quan trọng: Khác với Việt Nam, các thông tin cá nhân như Ngày Tháng Năm Sinh (D.O.B), Quốc Tịch được xem là thông tin cá nhân bảo mật ở Canada. Do đó, các bạn không đính kèm các thông tin này trong sơ yếu lý lịch. Ngoài ra, một yếu tố mà mình có nhắc đến ở trên đó là “Discrimination” (Yếu tố phân biệt), các bạn không nên đính kèm hình ảnh (cái này trong sơ yếu lý lịch tại Việt Nam thường có), không chứa thông tin về quốc tịch hay gốc gác bản thân (origin of country) trên hồ sơ.

Bài viết này mình tạm thời đưa ra những cái lưu ý cho riêng phần THÔNG TIN CÁ NHÂN. Những phần khác, mình có thể viết thêm những bài viết khác cho các phần khác để chia sẻ thêm nếu có thêm thời gian.

Hy vọng các bạn thấy có gì bổ ích hay ho để giúp ích trong quá trình tìm việc của mình.

Good luck! Be patient and Stay Strong!!!

Cá Domino (SSDH) – Theo Joe Hoang

Share.

Leave A Reply