Từ nhiều năm qua, sinh viên nước ngoài đã lên tiếng phàn nàn về một số điều bất cập khi họ du học ở Úc. Trong số những điều phàn nàn có việc các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục lấy học phí quá đáng đồng thời cung cấp dịch vụ không đạt tiêu chuẩn.
Cũng cần nhắc lại rằng tại Úc có những cơ quan chuyên trách bao gồm các nhà điều tra (ombudsman) chuyên giúp những người gặp vấn đề với các doanh nghiệp hoặc các cơ quan chính quyền.
Trong số các cơ quan này, có nhiều cơ quan điều tra khác nhau hoạt động trên nhiều lĩnh vực hoặc các cơ quan chính quyền khác nhau.
Với việc thành lập OSO (Overseas Student Ombudsman), Úc đã thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho các sinh viên quốc tế ở Úc.
OSO giữ nhiệm vụ điều tra những phàn nàn do sinh viên nước ngoài hoặc gia đình hay bạn bè của họ nêu lên. Những phàn nàn hoặc khiếu nại này chỉ liên quan tới các cơ sở tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ giáo dục hoặc huấn luyện.
Riêng những phàn nàn liên quan tới cơ sở giáo dục công thì do cơ quan chuyên biệt khác tại từng tiểu bang đảm nhiệm.
Ông Allan Asher, người đứng đầu OSO, cho biết nguyên tắc căn bản của cơ quan này là tính độc lập và vô tư, không thiên vị bất cứ bên nào.
Ngoài ra, người nêu lên phàn nàn hoặc yêu cầu OSO điều tra không phải trả bất kỳ phí tổn nào vì OSO cung cấp dịch vụ của mình miễn phí.
Trước khi nêu vấn đề với OSO, sinh viên phải nêu vấn đề với cơ sở giáo dục họ đang theo học. Chỉ sau khi không thỏa mãn với cách giải quyết do những cơ sở này, sinh viên mới được đưa vấn đề lên OSO.
Sau khi thực hiện các cuộc điều tra để tìm hiểu về những lời phàn nàn của sinh viên nước ngoài, OSO sẽ có thể thực hiện nhiều biện pháp đối với các cơ sở này.
Một số biện pháp là yêu cầu cơ sở giáo dục phải nói lời xin lỗi. Sau đó tiến hành thay đổi, cải tiến hoặc cứu xét lại một quyết định hay chính sách đã ban hành.
Ngoài ra OSO cũng có thể yêu cầu cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục phải cung cấp thêm tin tức, bồi hoàn các khoản tiền.
Thậm chí, OSO có thể thực hiện thêm các hành động và biện pháp khác, kể cả đưa vấn đề ra trước pháp luật.
Hoạt động ở trong lẫn ngoài nước Úc
OSO cũng sẽ làm việc với các chính phủ nước ngoài, chẳng hạn như với chính phủ Ấn Độ và Malaysia.
Những chính phủ nước ngoài có thể giúp sinh viên bằng cách cung cấp các thông tin chính xác và công bằng liên quan đến lĩnh vực du học.
Đồng thời, các chính phủ cũng tìm hiểu những nhà cung cấp hoặc quảng cáo dịch vụ giáo dục. Mục đích của việc này nhằm ngăn chặn những việc làm không chính đáng ngay từ ban đầu.
Việc OSO được thành lập cũng có mục đích giúp phục hồi, làm sáng tỏ và nâng cao uy tín của hệ thống cung cấp giáo dục Úc đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt tại khu vực Châu Á.
Một khi phụ huynh cha mẹ tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… thấy con cái họ trở về và học hỏi được những tinh hoa của giáo dục Úc thì lúc đó mục tiêu giáo dục của Úc được xem như thành công. Ông Asher hy vọng OSO sẽ góp tay vào sự thành công này.