Sẵn sàng du học – Các trường đại học Trung Quốc đang dẫn đầu xếp hạng của khu vực châu Á trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu của Times Higher Education (THE) vừa công bố ngày 26/9, mặc dù danh sách top 10 vẫn do các trường đại học danh tiếng ở Anh và Mỹ nắm giữ. Với sự nhảy vọt của ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), châu Á lần đầu tiên có trường lọp top 22.
Bảng xếp hạng năm 2019 của Times Higher Education (THE) tiếp tục vinh danh Đại học Oxford, năm thứ 3 liên tiếp ngôi trường danh tiếng của Anh giữ vị trí số 1 bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2019.
Đại học Cambridge vẫn xếp vị trí thứ 2 như năm ngoái. Đại học Stanford của Mỹ duy trì vị trí thứ ba.
Trong top 10 đại học tốt nhất thế giới do THE công bố, Mỹ áp đảo với 7 đại học: Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California, Đại học Harvard, Đại học Princeton và Đại học Chicago… Đại học Yale có bước nhảy vọt từ vị trí 12 lên 8.
Mỹ vẫn áp đảo về số lượng đại diện trong toàn bảng xếp hạng THE. Xét theo danh sách đầy đủ của bảng xếp hạng (1.258 đại học), Mỹ cũng có nhiều đại diện nhất với tổng cộng 172 trường.
Ngoài 2 trường thống trị vị trí quán quân và á quân, trường còn lại của Anh lọt top 10 là Đại học Hoàng gia London, ở vị trí thứ 9.
Tuy giữ vững hai vị trí cao nhất nhưng Anh quốc lại bị Nhật Bản soán mất danh hiệu quốc gia có số đại diện nhiều thứ hai trong bảng xếp hạng. Anh "chỉ có" 98 trường góp mặt, trong khi Nhật Bản là 103. Ngoài ra, top 200 có đến 29 đại diện từ Anh, nhưng 21 trong số đó giữ nguyên hoặc tụt hạng.
Singapore không còn dẫn đầu ở châu Á
Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã nhảy vọt 8 bậc để xếp vị trí 22, "vượt mặt" Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để trở thành đại học châu Á có thứ hạng cao nhất.
Sự tăng trưởng lớn nhất trong top 30 cũng giúp Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) vượt Đại học Bắc Kinh lần đầu tiên trong lịch sử bảng xếp hạng đại học THE và châu Á có đại học lọt top 22. Trong khi đó, NUS tụt hạng 1 bậc từ 22 xuống 23.
Đây là lần đầu tiên một trường đại học của Trung Quốc đứng đầu châu Á trong bảng xếp hạng thế giới – THE, kể từ năm 2011.
Đại học Quốc gia Singapore dẫn đầu xếp hạng châu Á từ năm 2016 đến năm 2018, trong khi Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã giữ vị trí số 1 châu Á từ năm 2011 đến năm 2015.
Trong những năm qua, Đại học Thanh Hoa đã cải thiện đáng kể về hệ số trích dẫn nghiên cứu khoa học với tham vọng khẳng định chất lượng tầm quốc tế.
Ông Yang Bin, Phó chủ tịch về các vấn đề quốc tế tại ĐH Thanh Hoa cho hay: “Những nỗ lực trong các năm gần đây của nhà trường để tăng cường quốc tế hóa và nâng cao chất lượng hệ thống giảng dạy và nghiên cứu đã giúp nâng cao danh tiếng và uy tín toàn cầu của Thanh Hoa”.
Giáo sư Simon Marginson (Đại học Oxford) kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học toàn cầu đều "không ngạc nhiên" trước sự tiến bộ của Tsinghua.
“Các đại học của Trung Quốc, đặc biệt là Đại học Thanh Hoa đang tăng trưởng nhanh, dịch chuyển tốt hơn về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật vật lý”, Giáo sư Simon Marginson nhận định.
Ông nhấn mạnh thêm rằng: “Nếu ĐH Thanh Hoa mạnh đến mức này, hãy tưởng tượng nó sẽ ở đâu trong bảng xếp hạng toàn cầu 5 năm tới, với sự gia tăng các chỉ số nghiên cứu qua dự án Double World-Class và sự hỗ trợ nguồn lực từ các doanh nghiệp Trung Quốc để đẩy mạnh nghiên cứu.
Ngôi trường của Trung Quốc đang ở giai đoạn mà nhiều nhà nghiên cứu khoa học vật lý tốt nhất thế giới muốn “đầu quân” làm việc, giống như họ từng thấy MIT, Berkeley hay Cambridge là điểm đến nghiên cứu khoa học tuyệt vời vậy”.
Đại học Thanh Hoa không phải là cái tên của Trung Quốc trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu năm 2019. Đại học Chiết Giang đã leo lên từ vị trí 101 lên 76 trong năm nay, nhờ sự cải thiện về các chỉ số giảng dạy, chất lượng và khối lượng nghiên cứu khoa học, thu nhập ngành và tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học.
Trong khi đó, Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam (SUSTech) lần đầu tiên lọt nhóm 301-350. Ngôi trường nằm ở Thâm Quyến – nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc – mới chỉ tròn 7 tuổi, được thành lập với mục tiêu nhanh chóng trở thành một trường đại học đẳng cấp thế giới.
Tựu chung, 72 trường đại học Trung Quốc góp mặt mặt trong bảng đại học toàn cầu năm nay (năm ngoái là 63 trường). Trong đó, có 7 trường đại học Trung Quốc nằm trong top 200 có bước tiến về xếp hạng; một trường xếp hạng thấp hơn cũng đã đạt được tiến bộ. Sự gia tăng của các đại học Trung Quốc phần lớn là nhờ cải thiện chỉ số trích dẫn nghiên cứu khoa học.
Số liệu cũng cho thấy điểm số về xếp hạng chất lượng giảng dạy trung bình của 10 trường đại học hàng đầu Trung Quốc hiện nay ngang bằng với các trường đại học tốt nhất ở Anh và Đức, trong khi điểm số xếp hạng nghiên cứu trung bình của Trung Quốc trong nhóm này cao hơn các trường ở cả Pháp và Úc.
Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, Trung Quốc đang vượt qua mọi trường quốc gia ở châu Á và tiến gần hơn về phía Mỹ trên bảng xếp hạng đại học toàn cầu.
Cá Domino (SSDH) – Theo Times Higher Education