Sẵn sàng du học – Chưa tin tưởng đại học trong nước, người Việt cho con đi du học tăng. Điều này đòi hỏi cần hình thành, đầu tư cho trường đại học chất lượng cao.
Số lượng sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt 87%
Trong 2 năm nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH báo cáo và công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Số liệu báo cáo từ các trường cho thấy, sau 1 năm tốt nghiệp ĐH, số sinh viên có việc làm đạt 86-87%.
Đây là con số được PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (ĐH) diễn ra sáng 2/10 tại Hà Nội.
Theo bà Kim Phụng, việc phân luồng đại học (ĐH) trong những năm vừa qua khá tốt. Số lượng học sinh đỗ đăng ký vào các trường ĐH xấp xỉ khoảng 40%, năm cao nhất là 42% so với số lượng học sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia. Năm 2018, số lượng học sinh đỗ đăng ký vào ĐH là 37% số lượng học sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia.
Con số 200.000 cử nhân thất nghiệp là tính số lượng lao động chưa có việc làm ở thời điểm điều tra năm 2017 trong tổng số người đang ở đội tuổi lao động có trình độ ĐH. Nếu như tính 200.000 cử nhân trên hơn 5 triệu lao động có trình độ ĐH thì tỷ lệ này chỉ chiếm 4%.
Người dân chưa tin tưởng giáo dục ĐH trong nước
Tuy nhiên, khi góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội lại bày tỏ băn khoăn về chất lượng hoạt động của các trường ĐH.
Đó là ở trên thế giới đã quốc tế hóa ĐH, các trường ĐH đã thu hút được nhiều sinh viên ở nước ngoài đến học. Còn ở Việt Nam vẫn là địa phương hóa ĐH, tỉnh nào cũng phải thành lập 1 trường ĐH nhưng có trường rất ít người đăng ký học.
Nhiều ý kiến cho rằng, so với tỷ lệ dân số thì số lượng trường ĐH ở nước ta vẫn còn ít nên đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là phải có bao nhiêu trường thì không hề đơn giản. Chúng ta phải nhìn nền tảng dân trí chung đang ở mức nào, nền kinh tế của nước ta sử dụng được bao nhiêu cử nhân ĐH.
Với con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp và quốc tế hóa nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp đòi hỏi chúng ta phải xem xét, nghiên cứu lại quy mô và chất lượng giáo dục ĐH.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, trong Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH phải đề cập đến vấn đề kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Bởi như hiện nay, nhiều trường muốn đảm bảo việc làm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nên tuyển sinh với số lượng lớn nhưng lại là sự tốn kém xã hội.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện nay tình trạng người dân cho con đi du học nước ngoài tăng là do họ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục ĐH ở trong nước. Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH cần quan tâm đến việc hình thành, đầu tư cho trường ĐH chất lượng cao nhằm thu hút sinh viên từ các nước trên thế giới đến nước ta học tập cũng như giảm thiểu số lượng học sinh, sinh viên ở trong nước ra nước ngoài học tập.
Cấp chứng chỉ, văn bằng còn lỏng lẻo
Đề cập chất lượng đào tạo và văn bằng ĐH, Luật gia Đỗ Minh Sơn, Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng, việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo là cần thiết phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bên cạnh hình thức đào tạo chính quy thì dự thảo Luật cũng quy định các hình thức khác để đào tạo và cấp bằng trình độ giáo dục đại học gồm vừa làm vừa học và học từ xa.
Trong hình thức đào tạo từ xa đã bao gồm các hình thức như học trực tuyến, học qua thư tín hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các hình thức tự học, tự học có hướng dẫn trên thực tế cũng đã được sử dụng đan xen với các hình thức đào tạo khác.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo( khoản 25 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 49, Điều 50) là vấn đề cần phải được quy định rõ hơn, đầy đủ hơn. Bởi vì chất lượng đào tạo liên quan chặt chẽ tới cả nguời dạy và người học cũng như việc tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng thời gian qua còn nhiều lỏng lẻo, tình trạng “học giả bằng thật” còn tràn lan.
Thái Hải (SSDH) – Theo VOV.VN