Việt Nam: Điểm 10 môn tiếng Anh kì thi tốt nghiệp THPT 2021 tăng vọt. Vì sao?

0

SSDH – Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá điểm trung bình tăng nhẹ so với năm 2020, kết quả thi có độ phân hóa tốt, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các trường tốp cao làm cơ sở để tuyển sinh.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 tại TP.HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 tại TP.HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 26/7 đã công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Cả nước có 24.555 điểm 10

Kết quả công bố cho biết giáo dục công dân là môn thi có số lượng thí sinh (TS) đạt điểm 10 nhiều nhất với hơn 18.680 TS. Các môn khác có số lượng TS đạt điểm 10 gồm: toán 52 TS, vật lý 14 TS, hóa 149 TS, sinh học 582 TS, địa lý 227 TS, lịch sử 266 TS. Là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi, môn ngữ văn năm nay có 3 TS đạt điểm 10 (năm 2020 có 2 thí sinh).

Môn Tiếng Anh năm nay có số điểm 10 tăng vọt so với các năm trước, với 4.582 TS (năm 2020 chỉ có 225 TS). Điểm thi trung bình của môn thi này là 5,84 điểm. Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các môn khác, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay rất kỳ lạ, khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng tích điểm là 4-5 điểm, đỉnh thứ 2 khoảng 7-8 điểm.

Về hiện tượng phổ điểm môn tiếng Anh khác lạ so với mọi năm với 2 đỉnh chóp gây xôn xao dư luận, chiều 26/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã có giải đáp với báo chí. Theo ông Trinh, Bộ GD-ĐT đã phân tích chi tiết phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn. “Phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi tiếng Anh của một số tỉnh, thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau” – ông Trinh nói.

Cũng theo ông Trinh, qua phân tích cho thấy đề thi môn Tiếng Anh năm nay phản ánh khách quan kết quả học tập của TS, cũng như điều kiện dạy học của các nhà trường, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Thực tế, số học sinh dùng điểm thi môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường ĐH khá nhiều, trong đó có cả trường tốp cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều học sinh đạt kết quả cao môn ngoại ngữ trong kỳ thi năm nay.

Dồi dào nguồn tuyển, điểm chuẩn sẽ tăng

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, kết quả thi năm nay có độ phân hóa tốt, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục ĐH, kể cả các trường tốp cao làm cơ sở để tuyển sinh.

Từ kết quả thi, nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn xét tuyển sẽ tăng, đặc biệt nhóm ngành công nghệ thông tin. ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin – Truyền thông thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhận định khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) điểm chuẩn tăng không nhiều hoặc thậm chí không tăng. Trong đó, ngành công nghệ sinh học dự báo tăng nhiều nhất, từ 0,5 – 1,0 điểm. Với khối ngành V (toán, CNTT, kỹ thuật công nghệ, chế biến, xây dựng, kiến trúc, nông lâm, thủy sản, thú y), dự báo điểm chuẩn tăng nhiều hơn, mức ít nhất 1-2 điểm, trong đó đặc biệt nhóm ngành CNTT tăng từ 1 – 2 điểm do số lượng TS đăng ký nhiều nhất. Ở khối ngành VI (khối ngành sức khỏe) sẽ có điểm chuẩn không tăng hoặc tăng rất ít. Những TS năm nay thi có điểm tiếng Anh khá cao sẽ thuận lợi trong việc xét tuyển so với các tổ hợp có môn tiếng Anh như A01, B08, D07…

ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng cho biết 2 tổ hợp môn chủ đạo của trường này là D01, C00 đều có phổ điểm cao hơn so với năm 2020, vì thế điểm chuẩn sẽ vẫn cao ở các ngành vốn có sức hút mạnh đối với TS như: Truyền thông, báo chí, du lịch, tâm lý học, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Nhật, Hàn Quốc học…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng với phổ điểm mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, điểm trúng tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng, mức dao động từ 0,5-1,5 điểm, tùy ngành đối với các ngành có điểm chuẩn từ 23-26 (năm 2020). Với các ngành có điểm trên 26 sẽ không tăng, do đó TS muốn xét bằng phương thức này cần cân nhắc điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng hợp lý để có khả năng trúng tuyển ngay từ đợt 1 vào các ngành, trường yêu thích và phù hợp với năng lực.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP/HCM (HUTECH), nhận định mặc dù năm nay các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chiếm tổng chỉ tiêu lớn nên có thể dự đoán các trường ĐH đa phần sẽ có mức điểm chuẩn khoảng 18-20 điểm. Trong đó, các môn thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên có phổ điểm cao hơn so với khoa học xã hội nên điểm chuẩn khối A có thể nhỉnh hơn một chút so với khối C, D1. Điểm chuẩn một số trường như ĐH Y Dược, ĐH Ngoại thương, các trường thuộc khối quân đội – công an vẫn giữ ở mức cao và có thể có những ngành chạm trần, mặc dù số ngành này không nhiều.

Ông Mai Văn Trinh cho biết năm nay Bộ GD-ĐT tiếp tục đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với điểm học bạ lớp 12 của TS. Kết quả đối sánh cho thấy vẫn có sự chênh lệch. Tuy nhiên, so với năm 2020 sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp. Ở một số môn của một số địa phương, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học của các địa phương đã có tiến bộ.

SSDH (theo Kenh 14)

Share.

Leave A Reply