SSDH – Nhiều bạn thắc mắc về cuộc sống thực tế ở Nhật, giá cả thế nào, ăn ở ra sao, quan trọng là công việc làm thêm có thực sự trợ giúp được cho sinh hoạt phí và các chi phí du học khác hay không. Bài viết này sẽ so sánh chi tiết thu nhập và chi phí sinh hoạt ở Nhật. Hy vọng bài viết này sẽ cho các bạn một cái nhìn cụ thể nhất về tính khả thi của việc vừa du học vừa làm tại Nhật.
Đầu tiên, hãy tính toán về thu nhập mà bạn có thể có được từ việc làm thêm ngoài giờ học. Bạn cần phải biết bạn sẽ có thể làm thêm được bao nhiêu thời gian và thu nhập như thế nào.
Để biết được bạn được phép làm việc bao nhiêu giờ đồng hồ trong một tuần thì trước hết cần tìm hiểu về loại visa của bạn vì các quy định về việc làm đều tùy thuộc vào từng loại visa khác nhau. Nếu bạn sang Nhật du học thì loại visa của bạn sẽ là College Student (tạm dịch là Sinh viên). Loại visa này (hay còn gọi là Status of Residence) áp dụng chung cho tất cả các du học sinh, từ sau đại học, đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, và trường tiếng. Với visa loại này, luật pháp Nhật quy định bạn chỉ được làm tối đa 28 tiếng/tuần vào những ngày thường đi học, còn vào những kỳ nghỉ dài ngày của trường (như nghỉ xuân, nghỉ hè) thì bạn được làm tối đa 8 tiếng/ngày, tức là tối đa 56 tiếng/tuần. (Còn nếu visa của bạn là Spouse of Japanese Resident (tạm dịch là Vợ/chồng của công dân Nhật) thì bạn có thể đi làm như một người Nhật bình thường, với thời lượng 8 tiếng/ngày.)
Tiếp đến, hãy tìm hiểu về các kỳ nghỉ mà bạn sẽ có ở Nhật vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến số giờ làm thêm của bạn. Thông thường, mỗi năm các trường đại học ở Nhật có hai kỳ nghỉ dài là nghỉ xuân và nghỉ hè. Nghỉ xuân khoảng từ 18/02 đến 12/04, nghỉ hè thì khoảng từ 08/08 đến 01/10 (thời gian chính xác phụ thuộc vào từng trường). Ngoài ra còn có một đợt nghỉ tết Dương lịch kéo dài khoảng 10 ngày. Còn kì nghỉ Golden Week của người Nhật thì chỉ được nghỉ 1 đến 2 ngày. Như vậy tổng cộng được nghỉ khoảng 4 tháng và trong thời gian 4 tháng này (khoảng 16 tuần), bạn sẽ được làm tối đa 56 tiếng/tuần.
Về thu nhập, thông thường công việc làm thêm ở khu vực Tokyo được trả ít nhất là 850 yên/giờ. Đây là thông tin do JETRO (tạm dịch là Cơ quan phụ trách về thương mại của Nhật với nước ngoài) đăng tải trên website chính thức của họ. Những vùng khác có thể sẽ thấp hơn, tức là khoảng 600-700 yên/giờ, tùy nơi. Thu nhập còn thay đổi tùy thuộc vào giờ làm việc (ban đêm thì được trả nhiều hơn là ban ngày), và, quan trọng hơn cả, là tùy thuộc vào trình độ tiếng Nhật của bạn. Nếu bạn giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật (khoảng tương đương với bằng N2) thì bạn có thể dễ tìm được việc hơn, với mức lương cao hơn. Nếu trình độ của bạn chỉ khoảng N3 thì rất khó tìm được việc làm, nếu may mắn lắm thì mới có thể tìm được những việc như phụ bếp, rửa chén, bưng bê… với mức lương tối thiểu mà thôi.
Như vậy, trong trường hợp có thể nói là tốt đẹp, hoàn hảo nhất thì thu nhập có thể của bạn trong một năm ở Tokyo sẽ là:
- 56 tiếng/tuần x 16 tuần x 850 yên/giờ = 761,600 yên
- 28 tiếng/tuần x 36 tuần x 850 yên/giờ = 856,800 yên
- Tổng thu nhập từ việc làm thêm sẽ vào khoảng 1,618,400 yên/năm, hay 134,867 yên/tháng.
Đấy là trong trường hợp “màu hồng” nhất. Còn trên thực tế, bạn cần phải tính đến những tình huống sau:
Một là, không tìm được việc làm ngay khi mới sang. Thậm chí là đã sang lâu rồi mà vẫn chưa tìm được việc làm. Điều này hết sức bình thường và rất phổ biến. Lý do vì sao? Như đã đề cập ở trên, nếu bạn không nói được tiếng Nhật thì không thể tìm được việc làm ở Nhật, nhất là trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật còn ở mức cao.
Bạn có thể tìm thấy những tạp chí TOWN WORK đăng thông tin tìm việc ở hầu hết các ga tàu điện ở Nhật.
Nhiều bạn có chia sẻ là các trường ở Nhật hứa sẽ giới thiệu việc làm cho bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu đúng thực chất của lời hứa này. Giới thiệu ở đây không có nghĩa là dẫn bạn đến một công ty A, hay quán ăn B nào đấy và nói rằng “Đây là học sinh của chúng tôi, anh chị cho em nó một chân nào đấy trong công ty với nhé!” và thế là họ sẽ phải nhận bạn vào làm. Không phải như vậy. Giới thiệu ở đây sẽ là dán những thông báo tìm việc lên bảng thông báo của trường, hoặc giới thiệu những trang web tìm việc cho bạn, hoặc chỉ cách cho bạn tìm những tờ rơi quảng cáo việc làm ở ga tàu, v.v. Còn lại là bạn sẽ phải tự đọc những thông báo đó, tự mình tìm đến liên hệ, tự nộp đơn, hoặc phỏng vấn xin việc. Bạn sẽ phải tự thân vận động 99%. Hiểu rõ điều này thì bạn sẽ không cảm thấy sốc, không cảm thấy như mình bị bỏ rơi, bị lừa… khi sang đến Nhật.
Vì vậy, bạn nên dự tính và chuẩn bị tinh thần (và tài chính) cho việc bạn sẽ không có việc làm trong một năm đầu tiên. Thậm chí như vậy cũng đã là suy nghĩ tích cực lắm rồi!
Hai là, bạn khó có thể đạt được kết quả tốt trong học tập nếu bạn đi làm để kiếm được số thu nhập nêu trên. Giả sử như bạn sang để học tiếng Nhật ở một trường Nhật ngữ nào đấy, thông thường bạn sẽ phải học cả buổi sáng hoặc chiều. Ví dụ, buổi sáng bạn dậy lúc 6 giờ đi đến trường mất 1 tiếng đồng hồ, học từ 7.30 đến 12.00, nghỉ trưa đến 13.00, đi đến chỗ làm mất gần 1 tiếng đồng hồ, bắt đầu làm từ 14.00 đến 18.00, đi về nhà mất gần 1 tiếng đồng hồ nữa, về đến nhà lúc 19.00, ăn tối, vệ sinh tốc hành thì cũng đến 20.:00, lao vào học ngay đến 23.00 (như rô-bốt ấy!) Và liệu bạn có thể dành trọn 3 tiếng đồng hồ này cho việc học không lại là… cả một vấn đề! Ngoài ra, cũng cần phải cầu nguyện để bạn không bị cảm sổ mũi, nhức đầu, đau vặt gì, có được sức khỏe hoàn hảo để có thể kiếm được thu nhập như vậy từ việc làm thêm!
Bạn lưu ý, nếu bạn đi học trễ hoặc nghỉ học thường xuyên thì nhà trường sẽ báo cáo với Cục Xuất nhập cảnh thì bạn có thể phải về nước trước thời hạn ghi trên visa!
Hầu hết du học sinh tại Nhật đều chọn dạy tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập.
Cuối cùng thì cũng có những khuyến cáo chính thức của Đại sứ quán Nhật về việc vừa học vừa làm ở Nhật. Câu trả lời thẳng thắn luôn là bạn không thể vừa học vừa đi làm kiếm tiền ở Nhật được.
“Xin chân thành cảm ơn Quí vị đã quan tâm đến việc du học tại Nhật Bản. Việc đi du học tại nước ngoài được mọi người kỳ vọng là sẽ được tiếp xúc với môi trường, văn hóa khác, được mở rộng tầm nhìn, được tiếp nhận kiến thức phong phú của môi trường học tập quốc tế. Hơn nữa, hiện nay mối quan hệ Việt Nam, Nhật Bản đang vô cùng tốt đẹp, việc giao lưu trao đổi nhân lực trước hết là lưu học sinh góp phần nâng cao hơn nữa sự gắn bó mật thiết giữa hai nước. Mối quan hệ Nhật Việt được kỳ vọng ngày càng phát triển.
Gần đây, phía Nhật Bản đã và đang xác nhận tại một số trang web của những công ty tư vấn du học trong thành phố Hà Nội thực hiện hướng dẫn giới thiệu du học nước ngoài cho người Việt Nam có đưa thông tin là: Nhờ vừa học vừa làm thêm ở Nhật Bản có thể kiếm được vài chục triệu đồng 1 tháng (tương đương khoảng 1.200 đến 1.500 Đô la Mỹ). Nếu xem những thông tin này có thể nhiều người nghĩ rằng lưu học sinh ai cũng có thể lao động không giới hạn tại nước Nhật. Nhưng đó là nhầm lẫn. Những người nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản, với tư cách lưu trú là: “Lưu học sinh”, sau khi có được sự cho phép hoạt động ngoài tư cách đó sẽ được lao động trong giới hạn thời gian qui định (là tối đa 28 tiếng 1 tuần). Trừ những trường hợp lao động ngoại lệ, sẽ không thể làm việc quá tổng số thời gian trên. Hơn nữa, giả sử mặc dù đã có được sự cho phép hoạt động ngoài tư cách lưu học sinh đi chăng nữa thì lưu học sinh không phải là người được phía tuyển dụng bảo lãnh, nghĩa là khi có được sự cho phép hoạt động ngoài tư cách lưu học sinh, nếu đi làm thêm thì thông thường tiền lương tháng khó có thể lên đến 1.200~1.500 USD/ 1 tháng.
Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị những Quí vị có nguyện vọng du học Nhật Bản sẽ không bị lúng túng trước một số thông tin nhầm lẫn như vậy, trước khi đi du học phải tiếp nhận những thông tin chính xác, khuyến khích Quí vị học tập trong môi trường tốt đẹp.”
Bạn có thể xem thông báo trên tại trang web của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: http://www.vn.emb-japan.go.jp/
Thục Uyên (SSDH) – Theo GKMT