Sẵn sàng du học – Các kỹ năng mềm đóng vai trò then chốt quyết định công việc, tương lai của bạn có thành công hay không. Rèn luyện và nâng cao các kỹ năng mềm cũng chính là cách bạn nâng cao bậc thang thành công của chính mình.
Sinh viên đến trường, ngoài việc học, cần phải trang bị cho bản thân 1 loạt kỹ năng mềm khác để khi rời khỏi ghế nhà trường có thể tự tin bước vào đời. Học giỏi là điều thiết yếu nhưng những kỹ năng như làm thương hiệu cá nhân, nói trước đám đông, thuyết phục người khác, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng mở rộng mối quan hệ… cũng vô cùng cần thiết.
1. Làm thương hiệu cá nhân
Thương hiệu cá nhân lần đầu tiên được đề cập năm 1997 khi Tom Peters – tác giả bài viết "The Brand Called You" trên tạp chí Fast Company. Ông nói về cách mọi người đều là một thương hiệu và đều có một cơ hội để nổi bật, không chỉ riêng gì các sản phẩm của các công ty lớn với ngân sách marketing khủng.
Nói một cách đơn giản, xây dựng thương hiệu cá nhân chính là trả lời câu hỏi: Bạn muốn trở thành 1 người như thế nào và Bạn muốn người khác nghĩ gì về bạn?
Làm thương hiệu cá nhân nghĩa là làm cho bạn trở nên độc đáo, có nét riêng, không bị hòa lẫn với những người xung quanh. Bạn có thể xây dựng hình tượng 1 người hài hước, 1 người chăm hoạt động xã hội, 1 người có quan hệ rộng, 1 người đam mê kinh doanh…
Bạn nên vận dụng hết tất cả những gì bản thân mình có, những gì mạnh nhất, những gì tốt nhất, những gì độc đáo nhất để khi tất cả mọi người nhắc đến bạn là họ hình dung ra 1 hình tượng rõ nét.
2. Kỹ năng nói trước đám đông
Chúng ta luôn sợ, luôn ngại, không tự tin khi nói, trình bày trước nhiều người. Đây là "căn bệnh" mà tất cả mọi người đều gặp phải. Để có thể diễn thuyết 1 cách trôi chảy, mạch lạc, rõ ràng trước đám đông không hề dễ.
Việc này đòi hỏi 1 quá trình luyện tập lâu dài nếu từ khi sinh ra bạn không có sẵn máu "tự tin" trong người. Bắt đầu từ việc chăm đứng dậy phát biểu, chăm thể hiện quan điểm riêng khi làm việc nhóm, dám đứng dậy bày tỏ ý kiến của bản thân với cấp trên, với thầy cô…
Khi phải nói, thuyết trình trước đám đông, trước lớp, trước trường… hãy chuẩn bị thật kỹ nội dung để giảm việc sợ sệt. Bên cạnh đó, hãy luôn coi những người ngồi dưới là bạn, là những người đang thực sự muốn lắng nghe bạn. Hãy đặt mình vào vị trí của họ, xem họ cần gì, muốn nghe gì, muốn xem gì…
Body language cũng là 1 yếu tố cần thiết. Bạn bên tỏ ra thân thiện bằng cách cử chỉ tay, đi lại trên sân khấu, ánh mắt nhìn quanh khán phòng, đừng nhìn vào 1 người nhất định nào cả, hãy bao quát cả khán phòng.
Luôn tươi cười. Một nụ cười thật tươi trước mỗi buổi thuyết trình sẽ giúp bạn lấy lại sự tự tin cũng như nhận được thiện cảm rất lớn từ đám đông.
3. Kỹ năng lãnh đạo
Không nhất thiết là những ai có đam mê, ham muốn làm lãnh đạo mới cần đến kỹ năng lãnh đạo. Kỹ năng lãnh đạo áp dụng được rất nhiều vào học tập, công việc, cuộc sống của mỗi người. Khi bản thân có tố chất lãnh đạo nghĩa là lúc họ có trong tay Kỹ năng ra quyết định; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Tư duy chiến lược; Thấu hiểu chính mình và thấu hiểu đối phương; Kỹ năng giao việc; Kỹ năng tạo động lực…
Khi nào bạn biết nhận trách nhiệm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc bởi đó cũng là lúc bạn bắt đầu vươn lên vị trí của nhà lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo luôn là những cá nhân mạnh mẽ và có khả năng giải quyết các vấn đề theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, họ luôn biết rằng chỉ có làm việc theo nhóm mới là “chìa khóa” thành công. Các nhà lãnh đạo coi mình là một thành viên trong nhóm chứ không chỉ là người ra mệnh lệnh. Lãnh đạo là một loại quyền lực đòi hỏi sự hợp tác chứ không phải đấu tranh.
Sinh viên học kỹ năng lãnh đạo đầu tiên từ làm việc nhóm. Lãnh đạo được 1 nhóm nhỏ thành công trước, bạn sẽ nhận ra mình có tố chất lãnh đạo 1 tập thể lớn hay không?
Tất cả chúng ta nên biết rằng, tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm. Phải làm sao để người khác nể mình chứ không phải sợ mình.
Nếu hành động của bạn thôi thúc người khác ước mơ nhiều hơn, học tập nhiều hơn, hành động nhiều hơn, và trở nên tốt đẹp hơn, bạn chính là một nhà lãnh đạo thật sự.
4. Kỹ năng đàm phán
Hầu như tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ đều có thể thương lượng.
Khi bạn không có “quyền” để ra lệnh cho ai đó, bạn phải khôn khéo sử dụng những thủ thuật tâm lý để thuyết phục họ nghe theo lời bạn. Bạn hãy tự đặt mình vào vai một người diễn thuyết, còn người nghe sẽ là khán giả của bạn.
Muốn đàm phán thành công phải chiếm được niềm tin của người khác. Hãy để đối phương thấy rằng tại sao họ phải lắng nghe bạn, tại sao họ nên bắt tay với bạn. Mọi cuộc đàm phán đều dựa trên 1 nguyên lý nhất định: Cả 2 bên cùng có lợi.
Một người có kỹ năng đàm phán giỏi là người biết cách lắng nghe. Lắng nghe có hiệu quả giúp phát hiện được mục đích, yêu cầu của đối phương và những thông tin này sẽ mang đến kết quả đàm phán thành công nhất.
Cho dù vấn đề đang tranh luận là gì, cũng đừng tự biến mình thành kẻ không chịu lắng nghe. Thực sự lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của người khác, sẽ tạo ra đủ sự tin tưởng và an toàn để bắt đầu đối thoại thay vì đối đầu.
Giọng điệu và hành vi cử chỉ cũng đóng một vai trò quyết định. Tùy từng đối tượng mà bạn điều chỉnh thái độ, giọng điệu của mình cho hợp lý.
5. Kỹ năng networking
Không phải nghi ngờ gì nữa, kỹ năng mở rộng mối quan hệ đang ngày càng đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp, phát triển bản thân. Chỉ số kỹ năng tạo dựng quan hệ (Networking IQ) là kỹ năng mềm quan trọng nhất chiếm tới 75% khả năng thành công của một người làm việc chuyên nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia event và tìm kiếm các mối quan hệ. Networking nghĩa là bạn phải tự chủ động kết nối với những người bạn thấy hợp, bạn thấy họ giỏi và có thể support được cho bạn rất nhiều thứ.
Sinh viên rèn luyện Networking IQ như thế nào? Hãy bắt đầu từ việc kết nối với thầy cô, với bạn bè trong lớp, trong trường. Việc tham gia các tổ chức phi lợi nhuận, các hoạt động xã hội cũng là cơ hội rất lớn giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ của mình.
Số lượng người bạn quen biết không quan trọng bằng chất lượng của các mối quan hệ. Để làm được điều đó bạn cần xác định mình sẽ là ai trong tương lai, sẽ làm ở lĩnh vực gì để từ đó biết được mình cần có những mối quan hệ như thế nào. Đây gọi là networking có định hướng.
Một khái niệm trong Networking bạn cần biết là Superconnector – những người kết nối mọi người lại với nhau. Hãy tự biến mình thành Superconnector thay vì chờ người khác chủ động giới thiệu cho mình.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14