Sẵn sàng du học – A-level (Advance level) tức là chương trình tốt nghiệp lớp 13 hay còn gọi là tú tài Anh. Khi viết về GCSE và A-level mình nhớ lại thời xưa của mẹ và các cậu học chương trình của Pháp.
Thời đó sẽ có hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông gọi là Tú tài I và Tú tài II, tên kỳ thi lấy theo tiếng Pháp của chữ Baccalauréat Première Partie và Deuxième Partie. Văn bằng Tú tài I có thể dùng để tuyển nhân sự cho Học viện Cảnh sát Quốc gia, hoặc Trường Cao đẳng Công chánh. Văn bằng Tú tài II khó hơn dành cho việc xét tuyển vào đại học. Chương trình phổ thông của Anh cũng hơn giống chương trình của thời Pháp thuộc. Chương trình này khác biệt khá nhiều so với chương trình phổ thông tại Mỹ và một số nước trên thế giới. Tuy nhiên người Anh họ vẫn áp dụng hệ thống hơi cỗ lỗ sĩ này vì nó vẫn hoạt động tốt, và hệ thống giáo dục ở Anh vẫn được đánh giá cao trên thế giới.
Cái tên A-level được ra đời năm 1951, riêng chương trình học thì không phải từ 70 năm trước đâu nhé, khoảng 3 đến 5 năm là chương trình mỗi môn được cập nhật để kiến thức luôn theo kịp với thay đổi của xã hội, khoa học và công nghệ. Chương trình A-level được thiết kế riêng cho những ai có nhu cầu học đại học. Những ai học nghề, học các chương trình ứng dụng, âm nhạc, hoặc thể thao thì không nhất thiết phải học A-level. Chương trình này mang tính học thuật cao sinh viên chỉ học 3 môn trong hai năm học, thường là sẽ học ở Sixth Form College hoặc Further Education College để tách biệt khỏi môi trường phổ thông. Người ta thiết kế chương trình ban đầu chỉ cho phép khoảng 10% sinh viên đạt được điểm A và khoảng 30% sẽ bị đánh rớt. Sàng lọc A-level khá gắt gao để chọn được sinh viên có chất lượng, tự giác, và có ý thức kỷ luật cao trong học tập.
Vậy thì nên học những môn A-level nào? Mấy chục năm trước đây người ta rất coi trọng một số môn khoa học tự nhiên và xã hội cơ bản còn gọi là facilitating subjects. Các môn đó bao gồm:
– Toán và toán nâng cao- Maths and Further Maths
– Lý – Physics
– Hoá – Chemistry
– Sinh – Biology
– Tiếng Anh – English
– Lịch sử – History
– Địa lý – Geography
– Ngoại ngữ – Modern Languages như tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha. Ngoài ra cổ ngữ- Ancient Languages như tiếng Latin, tiếng Hy Lạp cổ cũng được coi trọng.
Ví dụ một người hồi xưa học ba môn Toán, Sinh, Địa Lý mà đạt điểm cao thì có thể học bác sĩ. Hoặc có thể học Vật lý, tiếng Latin, Lịch sử có thể học kỹ sư hoặc Luật, Kinh tế, Tài chính, Kịch nghệ và nhiều ngành khác nữa. Thật ra họ có lý do để coi trọng các môn này. Các môn khoa học tự nhiên dùng để đánh giá khả năng tư duy logic. Người học giỏi các môn khoa học xã hội thì rất có lợi cho quá trình nghiên cứu. Học ở Anh người ta bắt đọc và tự học nhiều, bởi vậy họ dùng từ Read để chỉ chuyện đi học đại học thay cho từ Study. ‘He's reading Maths at Oxford’ nghĩa là cậu ấy học ngành Toán học ở Oxford. Ngoài ra người Anh cũng rất coi trọng môn Lịch sử. Môn Lịch sử vẫn là một môn A-level rất phổ biến. Một người có bằng cử nhân Lịch sử có thể xin vào hãng luật để được đào tạo thành luật sư, có thể xin vào các vị trí Marketing, quản lý. Mình còn có quen người bạn hiện là CFO cho một tập đoàn sản xuất vũ khí thuộc British Aerospace, trước đây ông ấy cũng học Lịch sử, sau đó được PWC đào tạo ngành kế toán kiểm toán.
Trên đây là nói chuyện thời xưa, cách đây khoảng hai mươi năm, dưới thời thủ tướng Tony Blair có nhiều cải cách trong giáo dục và việc học. Người ta chia A-level thành hai năm riêng biệt gọi là AS và A2. Học hết năm thứ nhất sẽ thi AS, hết năm thứ hai sẽ thi A2. Sinh viên có thể chọn học 4-5 môn, thậm chí 6 môn AS, qua năm A2 có thể bỏ bớt vài môn. AS kết quả nếu không tốt có thể thi lại và được tính điểm UCAS trong quá trình nộp đơn vào đại học. Ngoài ra người ta cũng thêm một số môn học giống các trường bên Mỹ như môn General Studies, Critical Thinking. Những thay đổi này làm cho chương trình A-level có phần dễ hơn và tăng số lượng người trẻ tuổi muốn học đại học. Tuy nhiên sau mười mấy năm thử nghiệm dạy kiểu này người ta cho rằng chất lượng A-level bị đi xuống, có quá nhiều sinh viên đạt được điểm A và điểm A*. Kỳ thì năm 2018 đã chính thức áp dụng công thức thời xưa, học hai năm mới thi một lần và chỉ khuyến khích học 3 môn. Đồng thời các trường đại học chính thức không công nhận các môn chung chung như Critical thinking và General Studies. Số lượng sinh viên học A-level có giảm sút một chút nhưng chất lượng chắc là cải thiện hơn.
Còn STEM là gì? Học A-level có còn hợp thời với các ngành STEM không? STEM là chữ viết tắt của Science, Technology, Engineering, Mathematics. STEM cũng là một trào lưu xuất phát từ Mỹ do thiếu nguồn lao động có trình độ trong các nghành khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thật ra đây là sự thiếu hụt toàn cầu vì học các ngành này tương đối khó nên ít người học. Ở Anh người ta cũng khuyến khích và cho nhiều học bổng cho nghành STEM, cũng như nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Russell Group là tập hợp 24 trường đại học có tiềm lực nghiên cứu và mạnh về tài chính nhất của nước Anh, trước đây tuyển sinh dựa trên điểm A-level các facilitating subjects. Hiện nay người ta đã chính thức bỏ việc ưu tiên các môn này. Tuy nhiên với các ngành STEM thì việc học các môn khoa học cơ bản trong hai năm A-level vẫn là thế mạnh cho các bạn sinh viên.
Bài này mình viết hơi dài dòng nhưng hy vọng sẽ có ích cho các bậc phụ huynh và các bạn sinh viên. A-level tương đối khó học ngay cả với các sinh viên người Mỹ hoặc Úc sang Anh học A-level cũng gặp không ít khó khăn. Đây là sự chuẩn bị khá bài bản cho các bạn muốn học đại học tại Anh.
Khánh Ngọc (SSDH)