Cách mạng đại học Mỹ sẽ đi về đâu?

0

Sẵn sàng du học – Chính sách chung của đại học Mỹ và các nhà chiến lược là sử dụng hệ thống hợp tác, kết nối toàn cầu để tìm phương thức giải quyết các vấn nạn giáo dục của Mỹ.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được bài viết "Cách mạng đại học Mỹ sẽ đi về đâu?" của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương hiện là nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Như đến hẹn lại lên, mỗi mùa bầu cử đến, các chính trị gia đang kêu gọi các chính sách cải cách giáo dục, mà với 2020 sắp tới, một điểm mạnh được coi là “cách mạng” trong giáo dục đại học Mỹ đã được khởi xướng từ 2016 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Ba điểm lớn trong đề xuất cách mạng đại học tại Mỹ [1] như sau:

(1) Xóa các khoản nợ của sinh viên.

(2) Miễn phí tiền học.

(3) Nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo quyền lợi của sinh viên khi học và đầu ra có chất lượng đáp ứng thị trường lao động.

Giáo dục đại học Mỹ (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Giáo dục đại học Mỹ (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Điểm lại lịch sử gần đây của đại học Mỹ và giáo dục Mỹ nói chung

Mỹ là đất nước tự hào về lịch sử hơn 300 năm phát triển đại học và giáo dục của mình.  Những đại học hàng đầu thế giới, theo các bảng xếp hạng đa phần trong Top 20 đều là của Mỹ [2]. Nhưng những đại học elite (ưu tú) này chỉ đào tạo số lẻ của khoảng gần 20 triệu sinh viên đại học ở Mỹ [3]. 

Cấu trúc đại học Mỹ có nhiều đặc điểm gắn với lịch sử phát triển đất nước, nhưng rõ nhất là đại học Mỹ phân chia rõ ràng giữa đại học công – đại học tư, với chức năng đại học công, đại học được cấp đất và những đại học dẫn đầu trong từng bang, tập trung phục vụ số đông người học (tỷ lệ nhận vào học), và đại học tư, thuần túy vì lợi nhuận.

Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ thúc đẩy số lượng người vào học đại học thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính dành cho các quân nhân phục viên, những người ở các tầng lớp thu nhập thấp, với mong muốn “phổ cập hóa” giáo dục cấp đại học lên tới 60% dân số Mỹ vào 2025 [4]. 

Đặc biệt, trong những năm tháng của 1960-1970, với những thách thức về sự kiện lịch sử Sputnick (Nga) mà người Mỹ gọi là “khoảnh khắc Sputnick”, Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật và ngân sách tập trung nghiên cứu khoa học kỹ thuật hàng đầu nhằm đảm bảo vị thế dẫn đầu về khoa học công nghệ với Nga và các nước khác trên thế giới.

Xét về tổng quan đại học Mỹ, cho đến nay (2019), chưa có nước nào trên thế giới có ngân sách, số lượng đại học, nhà nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu và số lượng các nghiên cứu sáng tạo được cấp bảo hộ tại Mỹ và trên thế giới lớn như Mỹ [5]. 

Hầu hết các giải thưởng nghiên cứu quốc tế hàng đầu đều có tên các nhà nghiên cứu Mỹ. Và xét dưới góc độ “lãnh đạo” các xu hướng nghiên cứu trên thế giới, Mỹ là một trong số ít các nước tạo được các nền tảng và xu hướng có khả năng tác động trên toàn cầu, dưới cả góc độ thương mại hóa hay vì mục đích phi lợi nhuận, mục đích nhân đạo.

Cho đến nay, mỗi năm khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp cấp 3 ở Mỹ vào học các trường cao đẳng và đại học Mỹ. 

Số học sinh đại học Mỹ hầu như không thay đổi nhiều trong gần 2 thập kỷ qua, chạy từ 17,5 triệu đến 20 triệu sinh viên [6], trong đó khoảng 1,1 triệu là sinh viên quốc tế, cũng là con số đứng đầu thế giới hiện nay về số sinh viên quốc tế đến Mỹ học [7].

Đại học Mỹ, theo khảo sát trong nhiều năm, vẫn là một trong 3 quốc gia có khả năng thu hút sinh viên quốc tế đến học nhiều nhất, được ưa thích nhất, do bởi môi trường học và những nền tảng tiến bộ trong xã hội Mỹ về giáo dục [8].

Tuy nhiên, với tất cả những ưu thế trên đây, nước Mỹ và người Mỹ vẫn đang phải “nhìn lại” những điểm đang trở thành rào cản lớn cho chính họ trong quá trình phát triển tiếp theo và duy trì năng lực cạnh tranh trên toàn cầu, bởi:

(i) Theo đánh giá của cuộc kiểm tra quốc tế về năng lực học tập của học sinh Mỹ ở lớp 4 – 8 (thi PISA) [9], học sinh phổ thông Mỹ đã “xuống hạng” khá nhiều so với các nước khác.

Không phải do Mỹ không nỗ lực phấn đấu (Mỹ là một trong hai nước chi tiền nhiều nhất trong khối OECD dành cho giáo dục phổ thông), mà do các nước khác đã phấn đấu và “đi nhanh” hơn Mỹ, hiệu quả hơn trong cải thiện chất lượng học và dạy ở cấp phổ thông.

(ii) Theo những nghiên cứu về kết quả giáo dục và năng lực lao động của học sinh tốt nghiệp cấp 3 và sau đại học của Mỹ, như tại báo cáo của GALLUP (2016) [10], giáo dục và chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp của Mỹ đang là rào cản lớn cho việc “Mỹ không thể hồi phục tăng trưởng kinh tế toàn diện”. 

Điều này buộc các nhà làm chính sách phải đánh giá và tư duy lại về việc đầu tư vào giáo dục với lao động, tăng trưởng kinh tế.

(iii) Với hơn 100 năm nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, giáo dục các cấp ở Mỹ hiện nay đang phản ánh sự “phân chia” tầng lớp xã hội rõ rệt, không chỉ là rào cản cho tăng trưởng kinh tế nói chung, mà còn trở thành “tác nhân gây bất bình đẳng’ toàn diện trong xã hội [11].

Có nghĩa là, bạn sinh ra là ai, bạn có năng lực, tài năng gì không quan trọng, mà bạn thuộc về gia đình nào, nó sẽ quyết định tương lai của bạn. 

Đây là một chỉ dấu khủng hoảng và mâu thuẫn nền tảng trong xã hội Mỹ, bất bình đẳng từ thu nhập, công việc và vị trí xã hội.

Điều này được làm trầm trọng hơn bởi những chính sách không phù hợp từ các nhà chính trị và các hệ thống lợi ích lũng đoạn chính sách giáo dục công [12].

(iv) Chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong đại học không chỉ phụ thuộc vào miễn tiền học hay xóa nợ tiền vay, nó cũng không chỉ phụ thuộc vào nâng cao “kiểm định” hay “đo lường” tính minh bạch.

Nó đòi hỏi “động lực cá nhân”, “động lực tập thể” đạt được những mục tiêu lớn, nhưng rào cản về ngân sách và chính sách hỗ trợ, không chỉ cho giáo dục đại học, mà từ k-12, đã không đáp ứng được.

Những thách thức của cách mạng đại học Mỹ

Từ những quan sát cá nhân, tôi nghĩ 3 mục tiêu cách mạng đại học Mỹ có những thách thức lớn sau đây:

(i) Giáo dục chưa là ưu tiên thực sự trong an ninh quốc gia Mỹ. Chúng ta có lịch sử hơn 200 năm về việc không coi trọng giáo viên [13].

(ii) Những suy giảm về chất lượng học tập và đào tạo nói chung, đặc biệt là giáo viên trong những ngành khoa học cơ bản, đã dẫn đến thực trạng “phụ thuộc” vào nguồn cung ứng lao động và giáo viên không sinh ra ở Mỹ hay chương trình học online không có hiệu quả [14].

Thực tế của các tập đoàn, công ty phát triển trong hơn 20 năm qua hầu hết do dân nhập cư; các ngành công nghệ cơ bản và mang tính đột phá của Mỹ đều chuyển hoạt động sang các thị trường mới nổi, để làm nghiên cứu R&D và do bởi chất lượng giáo dục, thiếu năng lực cung ứng lao động bậc cao [15]

(iii) Để giải quyết thách thức về chất lượng đào tạo và nghiên cứu, lấy ví dụ về chương trình Strong 100,000 [http://www.100kstrongamericas.org/]; hay Globalization of Education [https://www.youtube.com/results?search_query=globalization+of+higher+education], chính sách chung của đại học Mỹ và các nhà chiến lược, là sử dụng hệ thống hợp tác và kết nối toàn cầu để tìm kiếm phương thức giải quyết các vấn nạn giáo dục của Mỹ và của thế giới, từ k-16, đặc biệt trong vấn đề thiếu hụt giáo viên có chất lượng và năng lực sáng tạo mới [16], có lẽ sẽ có nhiều khó khan.

Bởi đơn giản là đất nước nào cũng có vấn nạn của nó, mặc dù cùng chung chia sẻ, cùng chung vấn đề, có thể tìm kiếm ra nhiều ý tưởng, nhưng cách thức giải quyết vấn đề của từng đại học, từng khu vực, có lẽ sẽ đòi hỏi cách tiếp cận “địa phương”, theo mô hình “vấn nạn toàn cầu, tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương”.

Câu chuyện “scale up” về ý tưởng sáng tạo, như mô hình của Facebook, Uber, hay đâu đó khác nữa, trong giáo dục đại học, trong giáo dục k-12, có lẽ cần thêm rất nhiều thời gian để minh chứng tính hiệu quả.  

Minh chứng đầu tiên về tính không hiệu quả trong “scale up” toàn cầu của giáo dục chính là mô hình của học trực tuyến (online learning) và học theo chương trình được cá nhân hóa (personalized learning). 

Giáo dục là câu chuyện của đào tạo con người, nó không chỉ gồm tri thức, nó gồm rất nhiều yếu tố khác nhau mà những công nghệ giáo dục chỉ là công cụ hỗ trợ đôi phần, thậm chí tiền đầu tư công nghệ giáo dục đó đã không chứng minh tính hiệu quả đối với chất lượng dạy và học, ít nhất trong 7 năm qua tại Mỹ [17].

Những hoạt động marketing về AI và machine learning có thể thay thế giáo viên và tạo những cách mạng về giáo dục toàn cầu, có lẽ cũng là con đường còn xa.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.insidehighered.com/news/2019/02/14/democratic-contenders-higher-ed-positions-go-well-beyond-free-college; https://www.help.senate.gov/hearings/reauthorizing-the-higher-education-act-strengthening-accountability-to-protect-students-and-taxpayers

[2] Tra cứu trên những bảng xếp hạng đại học toàn cầu; THE; US News World Universities; QS, và những bảng xếp hạng khác

[3] https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=98

[4] Financing a College education. How it works; How it’s changing, Jacqueline King (ACE), 1999; Higher Education in America, Derek Bok, 2015; https://www.in.gov/che/files/IN_-_A_Stronger_Nation.pdf; https://www.luminafoundation.org/lumina-goal

[5] https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=66; https://data.oecd.org/eduresource/education-spending.htm; https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=75; https://www.theguardian.com/us-news/2018/sep/07/us-education-spending-finland-south-korea; https://ourworldindata.org/financing-education; https://www.globalinnovationindex.org/analysis-indicator; https://www.globalinnovationindex.org/gii-2018-report; http://www.theglobalipcenter.com/wp-content/uploads/2017/02/GIPC_IP_Index_2017_Report.pdf

[6] https://www.iie.org/Research-and-Insights/Open-Doors/Data/International-Students/Enrollment; https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=98

[7] https://www.iie.org/Research-and-Insights/Open-Doors/Data/International-Students/Enrollment

[8] https://www.mastersportal.com/articles/2608/top-9-countries-with-the-highest-investments-in-university-education.html; https://www.nafsa.org/Policy_and_Advocacy/Policy_Resources/Policy_Trends_and_Data/NAFSA_International_Student_Economic_Value_Tool/

[9] https://www.pewresearch.org/fact-tank/2017/02/15/u-s-students-internationally-math-science/;  https://data.oecd.org/eduresource/education-spending.htm; https://www.aei.org/publication/after-20-years-of-reform-are-americas-schools-better-off/;

[10] Gallup Report 2016 No Recovery: An Analysis of Long-Term U.S. Productivity Decline; https://news.gallup.com/reports/198776/no-recovery-analysis-long-term-productivity-decline.aspx; http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/mot-vai-suy-nghi-ve-tiep-can-cai-cach-gd-k-16-cua-my-nhin-tu-bao-cao-cua-gallup.html

[11] The Rise and Fall of American Growth: The U.S. Standard of Living Since the Civil War, Robert Gordon, 2016

[12] The Death and Life of the Great American School System: How Testing and Choice Are Undermining Education (2010); Reign of Error: The Hoax of the Privatization Movement and the Danger to America’s Public Schools (2014) – Diana Ravitch; Higher Education in America (2015); Universities in the Marketplace: Commercialization of Higher education (2004) – Derek Bok; Financing American higher education in the era of Globalization (2012_ – W. Zummeta & D. Breneman]

[13] Anti-intellectualism in American life, Richard Holfstedler, 1963

[14] https://learningpolicyinstitute.org/product/understanding-teacher-shortages-interactive; https://www.insidehighered.com/news/2013/07/12/new-report-shows-dependence-us-graduate-programs-foreign-students; https://www.pgpf.org/blog/2018/06/the-foreign-born-labor-force-of-the-united-states; https://www.forbes.com/sites/stuartanderson/2013/07/15/international-students-are-70-of-ee-grad-students-in-u-s/#29099492673e; The world is flat + Thank you for being late, Thomas Friedman (phần viết về khủng hoảng giáo dục và tại sao các tập đoàn toàn cầu của Mỹ đã “bỏ rơi” nền giáo dục Mỹ!);

[15] https://www.insidehighered.com/news/2013/07/12/new-report-shows-dependence-us-graduate-programs-foreign-students; https://www.brookings.edu/blog/the-avenue/2017/12/04/almost-half-of-fortune-500-companies-were-founded-by-american-immigrants-or-their-children/; https://www.forbes.com/sites/stuartanderson/2013/07/15/international-students-are-70-of-ee-grad-students-in-u-s/#29099492673e

[16] http://www.teachersforefa.unesco.org/v2/index.php/fr/newss-2/item/490-global-teacher-shortage-threatens-education-2030; http://www.oecd.org/innovation/research/oecdreportwarnsofgrowingriskofteachershortagesinoecdcountries.htm; https://learningpolicyinstitute.org/product/understanding-teacher-shortages-interactive;

[17] http://www.gssaweb.org/wp-content/uploads/2015/04/Impact-of-Student-Choice-and-Personalized-Learning-1.pdf; https://www.edsurge.com/news/2018-01-21-personalized-learning-is-a-problem-of-privilege; https://theconversation.com/the-failure-of-udacity-lessons-on-quality-for-future-moocs-20416; https://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2018;  https://credo.stanford.edu/pdfs/OnlineCharterStudyFinal2015.pdf

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Giáo Dục

Share.

Leave A Reply