SSDH – Vừa học vừa làm hiện là lựa chọn của nhiều bạn sinh viên du học Úc trong năm 2017. Nó sẽ giúp bạn trang trải chi phí sinh hoạt và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Tìm hiểu qua cẩm nang du học Úc vừa học vừa làm sau đây.
Những lý do để du học sinh Úc vừa học vừa làm
- Trang trải chi phí du học Úc: Đó là lý do đầu tiên của mọi sinh viên du học Úc, nhất là với những bạn gia đình không có điều kiện chu cấp cho toàn bộ khóa học. Có 1 sự thật rằng tiền lương của Úc là tương đối cao. Mức lương cho 1 sinh viên toàn thời gian sẽ giúp trang trải 1 phần học phí hoặc chi phí sinh hoạt. Bạn cũng có thể làm việc bán thời gian và chọn một vị trí kinh nghiệm trong lĩnh vực, ngành học của mình hoặc để làm quen và hòa nhập tốt hơn với lối sống của Úc.
- Muốn có một số tiền để có thể tận hưởng trong thời gian ở Úc: Một số sinh viên du học Úc không đặt nặng vấn đề tài chính (nhà có tiềm lực, đi theo chương trình học bổng toàn phần,…) vẫn mong muốn đi làm thêm để có thêm một khoản tiền chi tiêu thoải mái hơn cho cuộc sống bên này.
- Trải nghiệm cho nghề nghiệp tương lai: Du học sinh vừa học vừa làm còn để tìm kiếm một công việc liên quan đến lĩnh vực mà mình đang học để tích lũy kinh nghiệm và có được công việc tốt sau khi tốt nghiệp.
Tóm lại, du học Úc với những người có tiền đi tự túc hay đi theo các chương trình học bổng du học Úc, người học chỉ lo học, học sao cho có được kết quả tốt nhất. Tuy vậy không phải ai đi cũng có được kết quả học tập tốt được. Trở lại với những người đi du học Úc diện vừa học vừa làm, điều kiện học tập và cuộc sống của họ sẽ khác nhau rất nhiều. Thường thường họ chọn học những chương trình có học phí thấp nhất, chỗ ở rẻ nhất, chi tiêu tiết kiệm nhất… Song hành với đó là tìm được nhiều việc làm nhất, cố gắng làm sao để đạt được mức thu nhập cao nhất, họ sẵn sàng làm những việc làm nặng nhọc nhất…
Quy định thời gian làm việc đối với visa du học Úc
Ở Úc, bạn sẽ được phép làm việc bán thời gian ngay khi nhập học với thời gian tối đa là 20 giờ/tuần. Những người đi làm sẽ có hồ sơ và mã số thuế do sở Thuế vụ Úc cấp để quản lý. Thường thì trung bình, sinh viên làm thêm có thể kiếm 6 – 15 AUD/giờ. Nếu bạn làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, tiền công được trả cao hơn. Trung bình thu nhập khoảng 800 – 1.500 AUD/tháng. Đối với thạc sĩ hoặc tiến sĩ, làm gia sư cho sinh viên trẻ hơn cùng ngành sẽ kiếm được khoảng 40 AUD/giờ.
Thời điểm nào thích hợp để làm thêm khi du học Úc?
Để giảm bớt áp lực về kinh tế không ít các bạn du học sinh Úc chọn các công việc làm thêm ngoài giờ học. Tuy nhiên, khi làm thêm các bạn cần cân nhắc về vấn đề thời gian để tránh ảnh hưởng đến thời gian dành cho việc học.
Lựa chọn thời điểm đi làm thêm phù hợp với, khả năng, tình trạng sức khoẻ, thời gian biểu của mình để không ảnh hưởng đến việc học tập, tránh tình trạng mệt mỏi stress, mau chán nản.
Thông thường, thời điểm lý tưởng các bạn du học sinh Úc thường lựa chọn để bắt đầu đi làm thêm là vào các kỳ nghỉ như nghỉ giữa kỳ, nghỉ lễ ngắn ngày hoặc nghỉ hè. Làm thêm trong các kỳ nghỉ là cách tốt nhất để kiếm tiền mà không gây ảnh hưởng nhiều tới việc học tập ở trên lớp. Khung thời gian rảnh của bạn hoàn toàn thoải mái. Bạn không phải đến lớp thường xuyên cũng như “ngập chìm” trong hàng đống bài vở và deadline.
Bên cạnh đó, bạn cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn khi trở về nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn có bài tập cần hoàn thành hay bài kiểm tra vào cuối kỳ nghỉ, tốt nhất bạn nên bố trí thời gian phù hợp để tập trung ôn sau giờ làm. Không nên quá chú tâm vào việc kiếm tiền mà xao lãng bài vở trên lớp.
Những lời khuyên quan trọng để du học Úc vừa học vừa làm
-
Ngoại ngữ là vấn đề cần chú ý nhất
Để được trúng tuyển đi du học Úc thường những du học sinh đều có kỹ năng tiếng Anh không xuất sắc thì cũng ở trình độ cơ bản. Với trình độ này, chỉ đủ cho bạn giao tiếp với người bản xứ. Trình độ tiếng càng tốt thì càng có nhiều cơ hội đến với bạn bởi lẽ thời gian hòa nhập với cuộc sống ở địa phương sẽ nhanh hơn. Tiếng Anh tốt bạn dễ dàng giao lưu và tìm kiếm việc làm. Thử nghĩ đơn giản từ một ví dụ ngay ở Việt Nam, bạn từ quê ra phố, dù cùng nói tiếng Việt nhưng bạn vẫn phải có một thời gian nhất định để hòa nhập, giao lưu và đón nhận những cơ hội.
Một ví dụ cụ thể là Hồng Anh được bố mẹ đưa sang Australia du học. Từ Việt Nam sang nơi đất khách quê người, Hồng Anh quyết định tìm cho mình một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Và công việc cô chọn là làm nhân viên cho một cửa hàng tạp hóa ở Sydney. Theo quy định của Chính phủ nước này, mức lương tối thiểu cho một người làm được phải là 15 AUD/giờ. Tuy nhiên, do chưa thành thạo tiếng Anh nên chủ cửa hàng chỉ trả lương bằng một nửa so với quy định mà Chính phủ Australia đưa ra, nghĩa là Hồng Anh lúc đó chỉ được trả 8 AUD cho một giờ bán hàng.
Vì thế, bạn phải quyết tâm học tiếng Anh thật tốt thì mọi vấn đề khác mới có thể làm tiếp, ngoại ngữ là chìa khóa quan trọng số 1.
-
Nên chọn công việc liên quan đến nghề nghiệp sau này
Khi còn ở Việt Nam nếu bạn đã qua đào tạo (nghề, cao đẳng, đại học) thì đi du học Úc vừa học vừa làm nên tìm cách nâng cao tay nghề, tìm việc liên quan đến nghề mà mình đã được đào tạo. Quá khó kiếm việc cho nghề của bạn thì mới nghĩ đến chuyện chuyển sang nghề khác. Nếu ở Việt Nam bạn chưa có nghề gì, thì khi đi du học Úc, bạn nên kiếm một nghề để học. có tay nghề thì chẳng thể có thu nhập cao gì dù bạn ở bất cứ nơi đâu. Chỉ chấp nhận làm những công việc chân tay, nặng nhọc ở giai đoạn khởi đầu, bạn hãy nhớ lấy điều đó.
Ở giai đoạn làm các công việc chân tay, hãy cố gắng tận dụng mọi cơ hội việc làm, đừng nề hà bất cứ việc gì do nhà trường, bạn bè giới thiệu. Những công ty tư vấn du học uy tín họ thường hỗ trợ cung cấp thông tin việc làm cho du học sinh trong suốt thời gian đi du học. Họ có văn phòng đại diện và người Việt Nam thường trú để trợ giúp và tư vấn.
Tuy nhiên để chủ động và tìm được những công việc phù hợp thì nên mở rộng quan hệ, tìm đến cộng đồng người Việt tại trường hay thành phố nơi bạn đang sống. Bạn phải làm thật nhiều việc, kể cả tăng ca, ngoài giờ thì mới kiếm được nhiều tiền để trang trải chi phí học tập hay tiết kiệm cá nhân. Khi nghe tư vấn cố gắng hỏi nhiều thông tin về việc làm thêm, giờ làm thêm tại nơi bạn đến. Hỏi xem nơi bạn đến có giới hạn hay hỗ trợ gì cho khi bạn tìm việc làm không? Đi du học Úc – vừa học vừa làm thì đi làm thêm sẽ luôn song hành với bạn.
-
Giữ vững quyết tâm và không được gục ngã
Đầu tiên, khi gặp khó khăn thì đừng kêu ca phàn nàn mà hãy nghĩ cách để xử lý vấn đề cho tốt nhất. Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện vi phạm pháp luật, bạn sẽ mất tất cả. Nhiều năm nay trước đây chủ yếu những người có tiền sẽ cho con đi du học Úc tự túc (không có học bổng), thì nay có nhiều người mong muốn đi du học Úc để lao động ngoài giờ kiếm tiền (vừa học vừa làm). Đây là động cơ rất tuyệt vời, nhưng chỉ phù hợp với những người có bản lĩnh, quyết tâm cao và giầu nghị lực. Bạn phải dám đương đầu với những khó khăn, nặng nhọc trong công việc thì mới có thu nhập khủng được.
Thực tế thì việc làm thêm không thiếu, chỉ sợ bạn không đủ khả năng (trình độ tiếng, sức khỏe, tay nghề). Dù là công việc chân tay nhưng những ông chủ luôn muốn chọn những người giao tiếp được với họ, nhanh nhẹn, thật thà và có sức khỏe. Nếu sinh hoạt có thiếu ăn hay thiếu ngủ thì hãy coi đó như chuyện bình thường, còn nếu thiếu việc, thiếu học thì bạn phải tích cực lo và cố gắng học cho tốt, làm cho nhiều.
Bạn phải biết trước rằng, đi du học, vừa học vừa làm sẽ có nhiều khó khăn. Nếu nó đến bạn sẵn sàng đón nhận và vượt qua nó bằng bản lĩnh và trí tuệ. Tuyệt đối đừng vi phạm pháp luật, bạn sẽ về nước vĩnh viễn mà toàn bộ lộ trình học tập sẽ dừng lại.
Các lưu ý đáng nhớ khi vừa học vừa làm trên đất Úc
- Những công việc mà sinh viên lựa chọn sẽ tùy thuộc vào cấp độ học tập. Tức là sinh viên đại học thường làm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ 1 vài ngày trong tuần. Trong khi đó thì sinh viên sau dại học có nhiều khả năng để đảm nhiệm vai trò cơ sở hoặc liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đang theo đuổi và văn bằng của họ. Phổ biến là những công việc như thực tập, trợ giảng… như 1 phần trong chương trình học tập, nghiên cứu.
- Tại tất cả các trường đại học Úc, trong hệ thống giáo dục ở mỗi bang, thành phố của Úc đều có những bộ phận gọi là “orientation”, “chaplain” giúp đỡ sinh viên khi gặp khó khăn trong đời sống, học hành, thậm chí sinh hoạt, kể cả yêu đương, học phí… tìm đến giãi bày tâm sự và để được tư vấn.
- Sẽ tốt hơn nếu như bạn tìm việc làm thêm trong lĩnh vực, chuyên ngành mình đang theo học. Bởi khá nhiều sinh viên có xu hướng làm việc trong các ngành như bán lẻ hoặc khách sạn, trong đó chủ yếu là bán thời gian. Những công việc này rất có lợi cho bạn trong việc thực hành ngôn ngữ tiếng Anh, đồng thời tìm hiểu thêm về văn hóa Úc thông qua giao tiếp, tương tác với người sử dụng lao động, đồng nghiệp…
- Là một sinh viên quốc tế, bạn sẽ có quyền làm việc cơ bản nếu bạn chọn làm việc ở Úc. Có nghĩa là bạn có quyền để kiếm được ít nhất một mức lương tối thiểu từ một công việc, thời gian nghỉ tiêu chuẩn, quyền lợi và môi trường làm việc an toàn.
- Bạn cũng có thể nhận vị trí thực tập có lương hoặc không lương cũng như công việc tình nguyện. Công việc tình nguyện hoặc công việc không lương sẽ không được tính vào 40 giờ nếu nó được coi là có lợi ích cho cộng đồng. Bất kỳ loại hình khác của công việc không được trả lương, tức là thực tập chuyên nghiệp sẽ tính vào dung lượng 2 tuần của bạn.
Thái Hải (SSDH) – Theo Kenhtuyensinh