Sẵn sàng du học – Lưu Phong Trường (sinh năm 1994) từng là Đoàn viên tiêu biểu của Đoàn Khoa Kinh tế thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Anh cũng đóng góp nhiều sáng kiến để làm phong phú thêm hoạt động đoàn thể trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và học thuật. Sau khi đi du học ở Mỹ, mặc dù thời gian hạn hẹp, anh vẫn tranh thủ trao đổi và xây dựng nhóm học tập cộng đồng với bạn bè trong nước và quốc tế.
Xông xáo và sáng tạo trong các hoạt động cộng đồng
Nhiều giảng viên và sinh viên Trường ĐH Cần Thơ nhớ đến anh, vì ngoài việc năng nổ trong các hoạt động đoàn thể, Lưu Phong Trường là một trong số ít những sinh viên ưu tú, hoàn thành toàn bộ học trình chỉ trong vòng ba năm (2012 – 2015) và thực hiện xuất sắc đề tài luận văn tốt nghiệp về cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau khi bị áp thuế chống bán phá giá.
Tháng 2/2015, Trường và một người bạn cùng khoá cùng thành lập nhóm “Một nghệ thuật sống” – lấy theo tên quyển sách của tác giả Thu Giang/ Nguyễn Duy Cần. Nội dung sinh hoạt của nhóm liên quan đến các chủ đề về lịch sử, xã hội, và triết học phương Đông. Đây là một trong những nhóm học tập tự nguyện khá hiếm hoi ở thành phố Cần Thơ thời điểm đó, thu hút đông đảo sinh viên, học sinh, giảng viên, nhà báo, văn sĩ… tham gia. Nhóm hoạt động mỗi tuần một buổi, thực hiện nhiều chủ đề trao đổi thiết thực gắn liền với cuộc sống thường nhật của giới trẻ như “bạn sử dụng mạng xã hội như thế nào”, “cách quản lý thời gian như thế nào”, “học tiếng Anh như thế nào”, “ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp”, “làm sao để quản trị cảm xúc” và các vấn đề văn – sử – triết phương Đông.
Bên cạnh đó, Lưu Phong Trường còn tham gia vào hội văn hóa Triều Châu để nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị ẩm thực, ngôn ngữ, và âm nhạc riêng biệt. Cuối năm 2015, anh tốt nghiệp ĐH và đi Mỹ du học, tuy nhiên, anh vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc điều hành sinh hoạt của các hội nhóm thông qua những nền tảng công nghệ 4.0 như Skype, Facebook, Zalo…
Đi du học nhưng vẫn dành thời gian phát triển các hoạt động
Cuối năm 2015, Lưu Phong Trường sang Mỹ học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Illinois State University. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, Trường nhận ra chương trình đào tạo quá hàn lâm, không phù hợp. Qua năm sau, Trường chuyển hẳn sang Cao đẳng cộng đồng Heartland và đăng ký học chương trình ngắn hạn về quản trị doanh nghiệp nhỏ để hiểu sâu thêm cách thức vận hành một doanh nghiệp ở Mỹ.
Sau đó, Trường tiếp tục theo học Thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin và nhận công việc trợ giảng ở trường. “Lúc này, tại Việt Nam, bạn bè cũ mỗi người có một định hướng riêng, công việc riêng, bên cạnh đó, một số bạn đã lập gia đình. Các chương trình hội nhóm không thể duy trì hoạt động thường xuyên như trước nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm cách liên hệ và dành hẳn ngày cuối tuần để chia sẻ trực tuyến với họ về môi trường văn hóa và cuộc sống trên đất Mỹ, thông qua những câu chuyện do bản thân mình tự trải nghiệm mỗi ngày”, Lưu Phong Trường cho biết.
Anh Trường còn tự bỏ tiền mua một tên miền website để các thành viên trong những câu lạc bộ và hội nhóm sinh hoạt trước đây cùng tham gia sáng tác văn học, chia sẻ kinh nghiệm sống, thảo luận các vấn đề liên quan đến giới trẻ. Diễn đàn này thu hút được nhiều sinh viên, du học sinh quốc tế, doanh nhân, nhà báo, nhà khởi nghiệp trẻ.
Để mở rộng nội dung và tăng cường lượt tương tác tiếp cận, Trường còn liên kết và cộng tác viết bài trên nền tảng Spiderum – một nền tảng chia sẻ kiến thức cho người Việt đang “nổi như cồn”, do một nhóm du học sinh tại Hà Nội sáng lập và điều hành. Cuối năm 2019, bài viết của Trường cũng được đưa vào tác phẩm “Dăm ba cái tuổi trẻ”, một quyển sách của Spderum đang gây tiếng vang lớn đối với giới trẻ trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Lưu Phong Trường còn mong muốn lan tỏa nhiều giá trị và phát triển các kỹ năng cho bạn bè trong nước bằng những cách làm đơn giản, tiện dụng nhưng hiệu quả. Điển hình như việc sử dụng Facebook để chia sẻ về bí quyết học tiếng Anh và cùng học tiếng Anh trực tuyến.
Gầy dựng lại hoạt động phong trào cho du học sinh quốc tế
Khi Lưu Phong Trường về Cao đẳng cộng đồng Heartland, Hội Du học sinh quốc tế hoạt động rất hạn chế và sức ảnh hưởng không đáng kể. Sau một năm tham gia phát triển và gầy dựng, từ hai thành viên ban đầu, hội đã có trên 50 thành viên. Các hoạt động gặp gỡ trao đổi được tổ chức thường kỳ thông qua nhiều dự án như “Global cafe”, “Conversation partners” nhằm kết nối một bạn người Mỹ với một du học sinh quốc tế để trao đổi tiếng Anh, văn hóa, và học thuật.
Năm 2018, Lưu Phong Trường chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên trường. Việc đầu tiên mà Trường làm ở cương vị mới là đề xuất với lãnh đạo nhà trường mở một không gian làm việc chung cho sinh viên (Co-working Space). Liên tiếp hai năm 2017 và 2018, các dự án kinh doanh và dự án cộng đồng do Trường tham gia thực hiện đều đạt giải nhất toàn bang.
Sau khi tốt nghiệp, Trường có nguyện vọng trở về Việt Nam mở dự án công nghệ về lĩnh vực y tế. Lợi thế mà Trường có là người em trai đang học ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam và một số bạn bè đang theo học, làm việc trong lĩnh vực công nghệ sẵn sàng hợp tác với anh.
Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ