Sẵn sàng du học – Sau những đợt các bạn du học sinh Pháp quyết định về Việt Nam thì những bạn ở lại chắc hẳn cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho mình.Vậy các bạn nên làm gì và nước Pháp đã có động thái tích cực gì để đối phó với Covid-19, các bạn cùng theo dõi nhé!
Tình hình tại Pháp
Ngày 13/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch Covid-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, nỗ lực của toàn xã hội cũng đem đến một số thành công, như số giường hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi so với trước, hợp tác tốt trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh, mạng lưới giáo dục trực tuyến hoạt động hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần hỗ trợ giữa người dân, đưa trở về nước hàng chục ngàn công dân Pháp bị mắc kẹt ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát.
Tổng thống Macron cũng thông báo việc xét nghiệm trên diện rộng sẽ được thực hiện trong những tuần tới, nhất là đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và người có sức khỏe yếu. Kể từ 11/5, Pháp sẽ có thể điều trị cho tất cả những người có triệu chứng nhiễm virus.
Tới ngày 13/4, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.967 người ở Pháp, bao gồm 9.588 ca tử vong tại các bệnh viện – tăng 335 trường hợp trong 24 giờ qua, và 5.379 ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội – tăng 239 trường hợp.
Sau hàng loạt những quyết định đóng cửa trường học và các nhà hàng, quán cà phê, quán bar, tất cả những hoạt động không cần thiết,… chính phủ Pháp quyết định đóng cửa với Châu Âu và thi hành cách ly trên toàn quốc. Người dân muốn ra đường phải cầm theo giấy cam kết và chỉ cho phép những hoạt động cần thiết được quy định trong danh sách như đi chợ, đi khám bệnh, đi gửi con…
Khi nào Pháp mới bước ra khỏi tình hình phong tỏa?
1. Lệnh phong toả kéo dài tới 11/5, tuy nhiên, người bệnh mãn tính và người già được khuyên tự cách ly kể cả sau ngày 11/05, ít nhất là trong thời gian đầu sau hết phong toả.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tổng thống yêu cầu rằng các quy định được đưa ra từ đầu lệnh phong toả vẫn cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chính phủ sẽ không thêm các lệnh cấm liên quan đến sinh hoạt trong ngày, nhưng người dân vẫn phải tự ý thức thực hiện các phương pháp phòng tránh: giữ khoảng cách (2m) và rửa tay thường xuyên. Các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nên tiếp tục trao đổi với bác sĩ riêng để theo dõi sát sao tình hình sức khoẻ bản thân.
2. Các trường học mở lại dần dần từ 11/5 nhưng các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục không tổ chức lên lớp cho tới hè.
Từ 11/5, các trường học, mẫu giáo, trung học sẽ dần mở cửa trở lại nhưng các sinh viên sẽ không tới lớp cho tới hè. Chính phủ sẽ sớm đưa ra các chỉ thị liên quan đến các vấn đề tái tổ chức cần thiết, đặc biệt là các kì kiểm tra và các bài thi.
3. Các cơ sở công cộng không cần thiết bị đóng cửa
Tất cả các cở sở công cộng không cần thiết như quán ăn, cà phê, khách sạn, rạp hát và bảo tàng vẫn tiếp tục bị đóng cửa trong khi các lễ hội và sự kiện lớn sẽ bị lùi tới ít nhất giữa tháng 7. Mỗi tuần, các nhà chức trách sẽ xem xét và điều chỉnh tuỳ theo tình hình diễn biến của đại dịch.
4. Xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện bệnh từ 11/5 và áp dụng đeo khẩu trang ngoài cộng đồng.
Rất nhiều bộ xét nghiệm kit đang được gấp rút chuẩn bị để tiến hành xét nghiệm diện lớn. Trong vài tuần tới, mỗi người dân có biểu hiện bệnh đều sẽ được xét nghiệm, bắt đầu từ người già và những người bệnh yếu. Cũng từ 11/05, chính phủ và các thành phố phải đảm bảo cho mỗi người dân sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là các ngành nghề phải tiếp xúc nhiều và trong các tình trạng đặc biệt: ví dụ như bắt buộc hoá việc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Việc phân phát khẩu trang được thực hiện và chịu trách nhiệm bởi các lãnh đạo thành phố.
5. Để thoát khỏi tình trạng phong tỏa, Pháp cần phải đáp ứng 3 điều kiện dưới đây :
– Tình hình trong các bệnh viện ổn định trở lại và có thể đón tiếp những bệnh nhân mới, ưu tiên cho những ca nhiễm nghiêm trọng. Hiện giờ Pháp chưa đáp ứng được điều kiện này.
– Số bệnh nhân (ca bị nhiễm) giảm xuống. Chúng ta cần nhận thấy sự giảm bớt ca bị nhiễm thật ý nghĩa mới cho phép ra khỏi hoàn cảnh hiện tại được để tránh sự quay trở lại của bệnh dịch này.
– Có kế hoạch chiến lược 'hậu phong tỏa'.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa thêm lời khuyên như sau:
– Mọi người vẫn nên giữ biện pháp cách ly xã hội,
– Bảo đảm các bệnh viện và cơ quan y tê có đủ khả năng để tiếp nhận được những ca nhiễm mới ở những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh dịch này.
– Có những cách thức cách ly được thực hiện cho những người bị nhiễm và người thân của họ.
– Biện pháp bảo vệ cho những người có sức khỏe yếu và những người dễ bị nhiễm do hoàn cảnh sống của họ như tù nhân hoặc dân nhập cư. Pháp cũng cần phải nghĩ đến chính sách giám sát biên giới
Hội Đồng Khoa Học cũng khuyên rằng Nhà Nước Pháp cần lập ra những công cụ kỹ thuật số mới (outils numériques) để tăng cường sự giám sát liên quan đến bệnh dịch một cách hiểu quả hơn. Cộng thêm lời khuyên được nêu trên, Hội Đồng Khoa Học còn nhấn mạnh rằng mọi người cần phải đeo khẩu trang và Nhà Nước Pháp cần đảm bảo rằng số lượng gel rửa tay khô và khẩu trang có sẵn cho toàn bộ nhân viên bệnh viện và những người dễ tiếp xúc với bệnh dịch Covid-19 này rồi đến toàn dân nước Pháp, như ở Châu Á.
Thẻ tạm trú của người nước ngoài tại Pháp được tự động gia hạn thêm 3 tháng
Ngày hôm nay, 16/3, Sở cảnh sát Paris đã ra thông báo: chính thức tạm ngưng tất cả các hoạt động trực tiếp chỗ vô thời hạn, cho đến khi có lệnh mới. Người dân vẫn có thể khai báo, thực hiện các thủ tục trên mạng, hoặc gọi tổng đài khẩn cấp số 17.
Ngoài ra, Sở cảnh sát nước Pháp cũng vừa ra thông báo liên quan đến việc làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài: Các thẻ tạm trú sắp tới hết hạn sẽ được tự động gia hạn thêm 3 tháng trong lãnh thổ Pháp, không khuyến khích việc xuất cảnh đi nước khác (bao gồm giấy xin tị nạn, giấy chờ tái cấp,…), bắt đầu từ ngày thứ hai 16/03. Việc này hỗ trợ tạm ổn định phần nào tình hình và cuộc sống của người nước ngoài tại Pháp trong giai đoạn dịch khó khăn.
Lưu ý, cuối thông báo cũng có ghi rõ: “Không khuyến khích người nước ngoài có titre đã hết hạn rời khỏi Pháp trong giai đoạn gia hạn này vì sẽ gặp khó khăn khi quay lại”.
Lời khuyên du học sinh Việt chọn ở lại
– Giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên, hạn chế đông người, tích trữ đồ ăn (một cách vừa phải), rèn luyện sức khoẻ.
– Có vài việc cần nhắc kỹ là thường xuyên liên lạc với người thân để tránh buồn chán, giữ gìn tinh thần ổn định bằng cách tập yoga hoặc thiền. Cần phải nhớ kĩ các dấu hiệu bệnh và số điện thoại liên lạc khẩn cấp của chỗ mọi người ở. Thủ sẵn paracetamol và nhiệt kế trong trường hợp cần thiết.
– Còn thêm một lời kêu gọi nữa: Từ bỏ những cái bắt tay và bisou-bisou – những nụ hôn truyền thống trên má như cử chỉ chào hỏi mà thay vào đó bằng cách chào hỏi gián tiếp.
Chia sẻ của các bạn du học sinh chọn ở lại Pháp
Admin Du học Pháp: “Tui thề với mấy ông, trải nghiệm mấy ngày này nó còn siêu thú vị hơn ấy chứ. Khi mà mình không phải bị quay cuồng với cuộc sống, tự nhiên ông trời cho mình sống chậm lại để xem thời gian mình sử dụng có hợp lí không. Lúc mà bận rộn, nhiều lúc ta quên đi bố mẹ bên kia đầu dây, tự nhiên giờ lại cảm thấy luôn luôn cần sự chia sẻ. Mọi khi mình ăn xài phung phí, tự nhiên giờ phải eo hẹp 1 tí, biết tích góp tiết kiệm hơn, biết phân bố hợp lí 'nguồn tài nguyên'… Nên tui thấy, trong mọi tình huống, nếu cứ nghĩ tích cực thì cảm thấy nhiều khi nghiệp đó nhưng duyên đó. Và trong mùa này thường mình rất lười, nhưng “kỳ nghỉ” này lại có động lực rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Không biết mấy ông đã mua đồ dự trữ đủ chưa, nhớ đeo khẩu trang ra đường, đi ít thôi, để thời gian ngồi nhà. Mạnh mẽ lên mấy ông ạ, mình phải sống qua thời khắc này thì mới có cái kể cho con cháu nghe, mà thực ra mình cũng chả ra thực địa, không sứt đầu mẻ trán hay chuyện kinh dị gì cả. Mấy khi được thời gian yên bình yên vậy, tận hưởng đi!”
Bùi Khánh Mỹ An: “Một trải nghiệm không thể nào quên trong đời. Quãng thời gian thử thách ý chí và sự kỷ luật của bản thân. Quãng thời gian để sống chậm lại, suy nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Quãng thời gian không chỉ để cho trái đất nghỉ ngơi, mà mình cũng nghỉ ngơi, và làm những điều mà bình thường mình luôn nói "khi nào có thời gian thì sẽ làm". Mọi chuyện nặng nề hay vui vẻ, đều là do tinh thần của chúng ta quyết định cả. Lạc quan và mạnh mẽ lên các bạn ơi!”
Diên Phạm: “Mình chọn ở lại, Nếu chọn Pháp là đất nước mình học tập và sinh sống, thì cũng coi Pháp như 1 mái nhà, hưởng trợ cấp từ Pháp mà còn không phải đóng thuế. xong đến khi có dịch thì lại trở Về Việt Nam đó là điều không hợp với mình”
Nhi Huỳnh Vũ: "Nghĩ tích cực thì thật ra cái con virus đáng ghét này nó không làm diệt vong thế giới được đâu, nó chỉ nhốt chúng ta vài tuần, vài tháng trong nhà để nhắc chúng ta sống chậm lại, đọc nốt quyển sách yêu thích mà chưa có thời gian đọc xong, coi nốt bộ phim lên list từ năm ngoái mà chưa xem được, viết nốt vài dòng sâu sắc gửi cho ba mẹ, cho bạn bè, cho người thương hay cho chính bản thân mình, mà cuộc sống bận rộn cuốn ta đi tận đâu chẳng có dịp ngồi suy ngẫm lại. Và gửi những bạn chọn ở lại như mình, nước Pháp hay bất kỳ nơi nào trên thế giới đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, rồi mọi thứ sẽ sớm quay lại cuộc sống thường nhật, một vài người trong chúng ta có thể sẽ mất đi những cơ hội hay một điều gì đó quý báu nhưng rồi chúng ta sẽ học cách chấp nhận, sẽ lớn lên, sẽ sống đủ đầy hơn, yêu thương nhiều hơn, sâu sắc với từng phút giây hơn. Và chúng ta sẽ ổn. Hãy tận hưởng khoảng thời gian “quý báu” này nhé!"
Tóm lại: Nếu nghĩ theo hướng tích cực, thì thời gian cách ly tại Pháp chính là thời gian thử thách ý chí và sự kỷ luật của những người quyết định ở lại. Sau thời gian này có khi mỗi người lại học được sự điềm tĩnh, mạnh mẽ từ bên trong và chấp nhận đón nhận điều gì xảy ra trong cuộc sống đến Mọi chuyện nặng nề hay vui vẻ, đều là do tinh thần của chúng ta quyết định cả. Lạc quan và mạnh mẽ lên các bạn nhé!
Khánh Ngọc (SSDH)