Sẵn sàng du học – Nếu dịch COVID-19 không bùng phát, giờ này Xu Mingxi đang có mặt tại Đại học New York. Nhưng hiện cậu đang bị cách ly tại nhà ở tâm dịch Vũ Hán. Mà cho dù có được rời khỏi nhà thì sinh viên 22 tuổi này cũng không thể đến trường tiếp tục việc học vì Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với công dân Trung Quốc. Trường đề nghị Xu học tại nhà nhưng cậu cho rằng không xứng đáng để trả 62.000 USD/năm cho việc học từ xa nên quyết định hoãn một học kỳ, tức phải chấp nhận tốt nghiệp trễ 6 tháng.
Tại Bắc Kinh, cách Vũ Hán hơn 1.000 cây số, Alex (không phải tên thật) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cô đã ở nhà hai tuần nay vì lệnh bán phong tỏa và đang lo lắng việc không thể bay tới Sydney vào cuối tháng này để đi học. Úc đã ban hành lệnh hạn chế đi lại từ ngày 1-2 và Alex có thể phải hoãn một học kỳ tại Đại học Sydney, nơi cô trả hơn 30.000 USD tiền học phí mỗi năm.
Các đại học thất thu
Ước tính có khoảng 900.000 sinh viên đại học Trung Quốc du học vào năm 2017, trong đó hơn phân nửa đến Mỹ và Úc, đóng góp hàng tỉ USD cho các nền kinh tế này. Không rõ có bao nhiêu trong số 360.000 du học sinh Trung Quốc tại Mỹ đang ở bên ngoài xứ cờ hoa khi lệnh cấm đi lại tạm thời được ban hành ngày 31-1, nhưng tại Úc có tới 56% sinh viên Trung Quốc (tức khoảng 107.000 người) đang ở bên ngoài xứ chuột túi khi lệnh cấm có hiệu lực.
Được biết, sinh viên Trung Quốc đóng góp xấp xỉ 15 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ năm 2018.
Còn tại Úc, trên 23% doanh thu đại học đến từ sinh viên quốc tế, mà trong đó sinh viên Trung Quốc chiếm tới hơn 38%. Trong năm tài chính 2018-2019, sinh viên nước ngoài mang lại cho kinh tế Úc 25 tỉ USD.
Thế nên theo ước tính của giáo sư Andrew Norton tại Đại học Quốc gia Úc, trong ngắn hạn, nước này sẽ tổn thất khoảng 2 tỉ USD bởi hầu hết sinh viên Trung Quốc phải hoãn học 3 hoặc 6 tháng vì dịch COVID-19.
Không riêng gì Mỹ hay Úc, các đại học Hàn Quốc cũng lo ngại thất thu bởi có tới 70.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại xứ kim chi.
Tâm lý kỳ thị gia tăng
David- một sinh viên 24 tuổi đang theo học tại Đại học Sydney- cho biết cảm thấy "hoàn toàn bị bỏ rơi" khi Chính phủ Úc không cho cậu nhập cảnh dù đã tới nơi. "Tôi là người đóng thuế. Tôi thực hiện nhiệm vụ của mình trong xã hội. Tôi từng hiến máu. Nhưng sau tất cả những gì tôi đã làm, họ xem tôi không phải là một phần của xã hội", David bức xúc. Cậu hiện đang tự cách ly ở nhà tại tỉnh Quảng Đông và không dám tiết lộ tên thật do lo ngại sẽ bị ảnh hưởng trong việc xin visa vào Úc sau này.
Dịch COVID-19 bùng phát ở thời điểm du học sinh Trung Quốc bị nhìn với ánh mắt dè chừng tại Mỹ và Úc. Họ bị cáo buộc đánh cắp các bí mật của Mỹ để làm giảm ảnh hưởng của Washington, đặc biệt trong thương chiến Mỹ-Trung. Còn tại Úc, các chính trị gia gần đây liên tục nêu quan ngại việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên các trường đại học.
Hiện đang mắc kẹt ở quê nhà nhưng Alex lo ngại khi trở lại Úc cô có thể bị phân biệt đối xử bởi không ít người ở đó có suy nghĩ Trung Quốc phải trả giá cho dịch bệnh. "Có những làn sóng thù ghét (trên mạng xã hội). Tôi cảm thấy bị hiểu lầm, bị chối bỏ", Alex bày tỏ.
David thì cho rằng tâm lý ác cảm đối với sinh viên Trung Quốc tại Úc có thể khiến họ tìm quốc gia khác để du học, bởi ngoài chất lượng giáo dục thì thái độ đón tiếp và sự ổn định xã hội cũng rất quan trọng.
Đó là chưa kể chất lượng đại học Trung Quốc ngày càng được nâng cao nên các bậc phụ huynh có thể để con em học tại quê nhà, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến tiền bạc của họ không còn dư dả như trước.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Cần Thơ