Định cư Canada bằng con đường du học

0

Sẵn sàng du học – Bắt đầu du học thạc sĩ tại Đại học British Columbia năm 42 tuổi, năm 44 tuổi anh Nguyễn Đăng Anh Thi và cả gia đình đủ điều kiện định cư tại Canada.

Anh Anh Thi đã chia sẻ kinh nghiệm tự tìm trường và làm thủ tục định cư.

Từng làm tư vấn tại nhiều tổ chức quốc tế như IFC, Deloitte Consulting, SNV, GIZ…, tôi có rất nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm phát triển các dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Với nền tảng là kỹ sư công nghệ Hóa học và thạc sĩ Công nghệ Môi trường, tôi bước vào lĩnh vực năng lượng khá suôn sẻ.

Nhưng tôi tự thấy không nên hài lòng với bản thân theo cách vừa làm vừa học. Tôi muốn trang bị kiến thức vững vàng về năng lượng sạch trong môi trường học thuật. Đó là sự chuẩn bị cho bản thân để không bị lạc hậu trong bối cảnh cả thế giới đang chuyển đổi qua những loại hình năng lượng sạch.

Liệu một người trên 40 tuổi như tôi trở lại giảng đường sau 15 năm có khác thường không? Tôi tự nhủ, miễn là mình có ý chí, những thách thức rồi sẽ qua. Nghĩ là làm, tôi dành cả tuần "cày bừa" trên mạng tìm khóa học, từ châu Á đến châu Âu, sang châu Úc và rồi Bắc Mỹ. Sau cùng, khóa học làm tôi ưng ý nhất là thạc sĩ Quản lý Công nghệ, ngành Công nghệ Năng lượng sạch thuộc Đại học British Columbia (UBC) ở Vancouver, Canada.

Khóa học gồm 70% thời lượng về chuyên môn kỹ thuật, 30% về quản trị dự án và quản trị doanh nghiệp, được thiết kế đúng những gì tôi đang tìm kiếm, phù hợp với những người đã đi làm, muốn củng cố và phát triển kiến thức. Chương trình khá nặng khi trường cố gói gọn trong một năm với ba học kỳ liên tục, nhưng tôi vẫn tự tin mình sẽ làm được. Đặc biệt, theo xếp hạng của Time Higher Education, UBC liên tục thuộc nhóm 40 trường hàng đầu thế giới và thứ hai tại Canada nên tôi càng quyết tâm trở thành sinh viên của trường.

Tôi tìm hiểu để nộp hồ sơ xin nhập học. Sau khoảng 3 tháng, tôi nhận được thông báo trúng tuyển của trường. Trong thời gian ấy, tôi phát hiện ra Canada cho phép người đi học mang theo cả gia đình, thậm chí con cái du học sinh còn được học bậc phổ thông miễn phí như thường trú nhân và công dân Canada. Vì điểm đặc biệt hấp dẫn này, tôi bàn với bà xã và quyết định cả gia đình cùng đi. Tôi tự tìm hiểu toàn bộ thủ tục và tự nộp đơn. Sau gần hai tháng, cả gia đình tôi bốn người được duyệt giấy phép du học và làm việc cùng một lúc.

Đại học British Columbia (UBC) trong băng tuyết. Ảnh: Anh Thi

Đại học British Columbia (UBC) trong băng tuyết. Ảnh: Anh Thi

Từ câu chuyện của mình, tôi cho rằng người trên 40 tuổi hoàn toàn có thể du học tại Canada và học xong có nộp hồ sơ diện xét duyệt nhanh (Express Entry). Như tôi bắt đầu học thạc sĩ một năm tại British Columbia (BC) năm 42 tuổi, nộp hồ sơ Express Entry năm 43 tuổi và nhận thẻ định cư (PR) năm 44 tuổi. Tính ra từ lúc bắt đầu học đến khi cầm thẻ PR cả gia đình chưa đến 3 năm mà vẫn thấy hơi lâu.

Lý do là hồ sơ của tôi ghi nhận lịch sử thay đổi việc làm gần cả chục công ty, vợ tôi làm ngành du lịch lại có lịch sử đi lại gần 30 nước nên thời gian xác minh tương đối kéo dài. Những bạn có hồ sơ đơn giản và chuẩn bị kỹ càng có lẽ chỉ cần 2 năm kể từ ngày đặt chân đến BC là có thể nhận PR.

Tôi đang nói đến chương trình đề cử tỉnh bang của BC (BCPNP) dành cho sinh viên quốc tế học từ thạc sĩ trở lên. Học xong, bạn nộp hồ sơ xin thư đề cử của tỉnh bang, tiếp đến là nộp hồ sơ xin PR lên liên bang (IRCC). Yêu cầu cơ bản của chương trình: tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tiến sĩ một trong các ngành khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng hoặc sức khỏe trong vòng 3 năm trở lại.

Cụ thể, các ngành học gồm: nông nghiệp, sinh học, y sinh học, vật lý, máy tính – công nghệ thông tin – truyền thông, khoa học – công nghệ, toán – thống kê, bảo tồn tài nguyên, và khoa học sức khỏe. Một số ngành học này có liên quan đến ngành kinh tế nên các bạn có bằng đại học về kinh tế – tài chính vẫn có thể tham gia. Hiện có 9 trường cung cấp các chương trình đào tạo được duyệt tham gia BCPNP, gồm UBC, BCIT, SFU, UVic, Royal Roads, UNBC, Thompson Rivers (7 trường công), Trinity và NYIT (2 trường tư).

Lưu ý bạn không cầni có thư mời làm việc (job offer) để được cấp thư đề cử của tỉnh bang. Đây là ưu thế vượt trội của con đường này, khi bạn mới ra trường thì việc có ngay một job offer không dễ, nhất là tại BC, khi bạn muốn nộp hồ sơ lên IRCC càng sớm càng tốt. Thêm một điểm hấp dẫn, có thư đề cử tỉnh bang, bạn có thể mua nhà mà không phải đóng 20% thuế người nước ngoài (foreign buyers).

Bạn có hai lựa chọn ở tỉnh bang và lựa chọn này sẽ quyết định con đường bạn nộp hồ sơ lên liên bang. Thứ nhất là nộp hồ sơ qua bưu điện (paper-based). Đây là cách truyền thống, thời gian xét duyệt hồ sơ khá lâu (15-19 tháng) nhưng đổi lại yêu cầu tiếng Anh không cao, chỉ là CLB 4 trở lên (IELTS Listening 4.5, Reading 3.5, Writing 4.0, Speaking 4.0). Khi bạn đã học thạc sĩ tại Canada thì yêu cầu đó coi như không đáng kể.

Thứ hai là xét duyệt nhanh (Express Entry) từ tỉnh bang lên liên bang. Cách này yêu cầu bạn phải thỏa điều kiện về Express Entry của liên bang, nếu không thì tỉnh bang sẽ từ chối. Điều kiện về Express Entry của liên bang thì mời các bạn xem trong IRCC.

Tôi nộp hồ sơ dạng xét duyệt nhanh lên BC. Sau đúng 30 tiếng đồng hồ, tôi đã nhận được thư đề cử của tỉnh bang. Có thư đề cử này, tôi được 600 điểm trong hồ sơ Express Entry và nghiễm nhiên được mời nộp hồ sơ lên IRCC. Nói thêm, điểm Express Entry của tôi lúc đang ở Việt Nam chưa đến 400 nên tôi phải đi con đường này. Những bạn đạt điểm Express Entry khoảng 470 trở lên thì nộp thẳng lên IRCC cho khỏe, khỏi cần qua con đường đề cử tỉnh bang như tôi.

Tôi đã hướng dẫn hai gia đình đi theo cách này thành công bước đầu. Một chị lớn hơn tôi vài tuổi học MBA ở Australia xong bay qua học tiếp tại UBC, giờ học xong, đi làm và đã có đề cử tỉnh bang, đang nộp hồ sơ lên liên bang. Một bạn khác học xong MBA ở Mỹ nhưng cơ hội ở lại Mỹ hạn chế nên qua học tiếp ở UBC. Hai bạn này đều mang theo cả gia đình 4 người cùng đi.

Cách định cư này tốn chất xám, đòi hỏi sự chịu khó và kiên trì, nhưng bù lại có lợi thế hội nhập và khả năng có việc làm cao khi ra trường. Cách này còn có ưu điểm là vợ/chồng đi theo được cấp giấy phép làm việc (open work permit), con học phổ thông trường công miễn phí như thường trú nhân và công dân Canada.

Vậy thách thức lớn nhất của con đường du học này là gì? Theo tôi, đó là làm sao thuyết phục được khoa/trường nhận bạn vào học, đây là năng lực của bản thân bạn. Mỗi trường, mỗi ngành đều có yêu cầu riêng, tiếng Anh tối thiểu IELTS Academic 6.5. Quay lại giảng đường sau khoảng 15 năm đi làm là điều không hề dễ dàng cho bất cứ ai. Dĩ nhiên, chẳng có con đường nào chỉ toàn trải hoa hồng cho bạn bước đi. Một khi bạn nhận được thư mời nhập học của trường (admission letter) và được cấp giấy phép du học (study permit), coi như bạn đã chạm một tay vào tấm thẻ PR.

Tôi tự tìm hiểu và làm tất cả hồ sơ nhập học cũng như toàn bộ hồ sơ open work permit, visitor record và study permit cho các thành viên của gia đình lúc đang ở Việt Nam. Quá trình xin visa/permit khoảng 2-3 tháng, nhưng bước xin nhập học trước đó tốn vài tháng nữa. Nói chung, nếu xác định đi thì cần ít nhất một năm để chuẩn bị tinh thần và các thủ tục giấy tờ.

Định cư nước ngoài là một trong những chuyện hệ trọng nhất trong đời. Khi bạn đã muốn ra đi và muốn đi Canada thì học thạc sĩ tại BC để định cư như tôi là một lựa chọn. Các tỉnh bang khác ngoài BC cũng có những chương trình tương tự cho du học sinh thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng các quy định để được đề cử có thể khác với BC.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply