Sẵn sàng du học – Có sao nói vậy, nếu các bạn thấy thích thì nói thích, ghét thì nói ghét và điều quan trọng là phải có ý kiến về vấn đề đó và sử dụng những từ nối liên kết ý lại cho liền mạch là được.
1/ Nói một cách ngẫu hứng – Be spontaneous
Một điều mà khiến rất nhiều thí sinh lo lắng là không có ý tưởng để nói và sắp xếp chúng như thế nào cho hợp lý, đặc biệt là với những câu hỏi mà bản thân thí sinh chưa từng gặp hay nghĩ tới. Và theo mình thì chính sự lo lắng này có thể cản trở độ lưu loát của các bạn. Mình thường nghe mọi người nói là khi thi thì phải nói có kết cấu, cấu trúc gì đó như một bài luận hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc bạn trả lời câu hỏi một cách máy móc, hệ thống sẽ bị người chấm thi phát hiện ra dễ dàng. Họ sẽ thay đổi cấu trúc câu hỏi để xem khả năng thực sự của bạn. Khi thi mình nghĩ đơn thuần đây chỉ là một buổi nói chuyện bình thường thôi. Mình nghĩ gì thì nói đó, không nhất thiết phải chuẩn bị bất cứ điều gì. Thật ra bài thi nói này chỉ là để xem khả năng diễn đạt ý tưởng của các bạn bằng tiếng Anh ở mức nào chứ không có kiểm tra kiến thức, nhận thức hay quan điểm chính trị gì gì đâu nên các bạn không phải lo sợ. Có sao nói vậy, nếu các bạn thấy thích thì nói thích, ghét thì nói ghét và điều quan trọng là phải có ý kiến về vấn đề đó và sử dụng những từ nối liên kết ý lại cho liền mạch là được.
2/ Hãy kể chuyện – Tell stories
Thật ra nhiều khi gặp câu hỏi không biết có cái gì để nói thì thôi ngồi kể câu chuyện cuộc đời của mình cũng được. Kể chuyện là một trong những phương pháp tốt nhất để tạo cảm hứng cho người nghe và lôi cuốn người ta vào bài nói của mình. Nên các bạn hãy cố gắng liên hệ tới câu chuyện hoặc kinh nghiệm bản thân của mình về chủ đề được đề cập. Nhiều khi thấy giống như mình lạc đề cả chục lần nhưng miễn sao có nói là có điểm vì có nói thì người ta mới biết khả năng diễn đạt mình tới đâu.
3/ Sử dụng triệt để ngôn ngữ phi ngôn từ – Utilize your non-verbal language
Ngôn ngữ hình thể như tư thế ngồi thẳng lưng, vai mở rộng, miệng cười, mắt rạng rỡ, giao tiếp bằng mắt, cử chỉ tay… là những điều không nằm trong tiêu chí chấm điểm. Tuy nhiên toàn bộ những yếu tố trên ảnh hưởng gần như 80% sự tin và tinh thần của các bạn và vì vậy quyết định chất lượng của bài nói của các bạn. Đối diện với những kỳ thi thì cơ thể ta luôn phản ứng lại bằng việc tiết ra các hormones gây căng thẳng khiến tim đập nhanh và máu lưu thông nhanh hơn, vì vậy tư thế co rúm hay việc điều khiển cử chỉ không thoải mái sẽ khiến máu khó lưu thông và càng làm các bạn căng thẳng hơn.
Ngoài ra, giọng nói, ngữ điệu lên xuống, nhanh chậm cũng là một trong những tiêu chí ở phần phát âm trong bài thi nói nên nhất thiết phải biết điều khiển giọng nói của mình một cách sinh động nhanh chậm, lên xuống theo cảm xúc để đạt số điểm tốt nhất. Thật ra thì điều chỉnh giọng rất quan trọng vì trong bài thi của mình thì mình đã bị giám khảo ngắt ngan 2 lần nên những lần sau này mình quan sát rất kỹ cử chỉ của ổng khi mình đang nói để biết khi nào ổng định ngắt mình thì mình tăng âm lượng giọng của mình lên để ổng khỏi ngắt! Lời khuyên là các bạn đừng hy vọng là giám khảo sẽ vui vẻ, lắng nghe các bạn đồ. Không có đâu nhé vì người ta cũng nghe cả buổi đầy tai rồi nên rất mệt, các bạn nên chủ động tạo không khí và cứ mạnh mình thì mình nói thôi chứ đừng để thái độ nghiêm nghị của giám khảo làm ảnh hưởng tâm lý.
4/ Sử dụng thành ngữ ngẫu hứng, linh hoạt – Say indiomatic language spontaneously and flexibly
Việc sử dụng thành ngữ hoặc so sánh, ẩn dụ trong văn nói một cách tự nhiên, linh hoạt và sáng tạo thể hiện sự thành thạo của các bạn trong việc sử dụng một ngôn ngữ. Nhưng không vì thế mà các bạn học thuộc một đống thành ngữ vào mà không áp dụng nó một cách chính xác và tự nhiên sẽ khiến cho bài nói trở nên không liên quan và mất điểm. Nên hãy tập sử dụng idioms đơn giản trong khi tập luyện nói tiếng Anh hằng ngày để trở nên thuần thuật hơn nhé. Ví dụ: khi giám khảo hỏi mình ở part 3 về sự khác nhau giữ tìm hiểu về một đất nước qua sách báo hay đến trực tiếp nơi đó thì mình trả lời bằng cách áp dụng các idioms như sau: “Having an exchange scholarship to travel to Korea is an “ONCE IN A LIFE TIME” opportunity for me to explore the country “IN THE FLESH”, unlike reading about it in the book or watching Korean drama which are “WAY” different from the real experience!
5/ Dùng từ những từ bạn thông thạo – Use the words which work for you
Mình thường nghe người ta nói nên sử dụng nhiều từ mang tính học thuật hàn lâm khi thi IELTS. Điều này đúng và rất cần thiết nếu các bạn muốn đạt một kết quả hoàn hảo. Tuy nhiên nếu các bạn không có thói quen hoặc sự chuẩn bị cẩn thận về vốn từ vựng học thuật thì việc sử dụng trở nên rất mạo hiểm vì có nguy cơ các bạn sẽ sử dụng sai hoặc phát âm không đúng do từ lạ so với thông thường. Ở những trường hợp này thì các bạn nên đơn giản hóa bằng cách sử dụng những từ vựng quen thuộc đối với mình nếu các bạn muốn bảo toàn số điểm ở các tiêu chí khác như phát âm, độ lưu loát hay độ chính xác.
6/ Đoán trước những gì giám khảo sẽ hỏi và trả lời luôn – Anticipate the questions and answer them before the examiner asks.
Thường thì kèm theo một câu hỏi chính thì sẽ có những câu hỏi phụ xoay quanh chủ đề cụ thể. Nếu các bạn nhanh trí đoán trước được câu hỏi tiếp theo thì hãy trả lời ngay luôn cho liền mạch mà không cần đợi giám khảo hỏi để tăng độ lưu loát của mình và phát triển ý để thể hiện hết khả năng của mình nhé!
Khánh Ngọc (SSDH)