Sẵn sàng du học – Những tuần đầu du học Úc, các bạn du học sinh Việt luôn bỡ ngỡ không biết sẽ phải làm gì, đi đâu và làm quen với môi trường nhu thế nào? Chính bởi vậy, với bài viết này hãy cùng Sẵn sàng du học trải nghiệm thật thú vị những tuần đầu du học Úc nhé!
Tuần lễ định hướng (Orientation Week)
Các trường đại học tại Úc đều tổ chức Tuần lễ định hướng (O-Week) nhằm chào đón các tân sinh viên tham gia vào cộng đồng sinh viên của trường. Chương trình này thường diễn ra vào một tuần trước tuần đầu tiên của học kì, nhằm cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích các bạn sinh viên mới. Bên cạnh việc tham gia các buổi giới thiệu của các khoa cũng như những buổi hướng dẫn sử dụng các dịch vụ tiện ích của trường, bạn đừng bỏ lỡ 3 hoạt động này.
Tìm cho mình người hướng dẫn học tập (mentor)
Mentor Scheme là một chương trình hỗ trợ của hầu hết các trường đại học tại Úc nhằm giúp đỡ những sinh viên mới nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới. Mentor có thể là những sinh viên khoá trên, những người đã có kinh nghiệm, những cựu sinh viên sẽ giúp bạn thích nghi với phương pháp học tập cũng như các quy định về học thuật tại trường.
Tìm hiểu trước vị trí những nơi quan trọng
Vị trí lớp học, thư viện, phòng y tế, lối thoát hiểm là những nơi quan trọng bạn cần xác định trước khi bắt đầu vào học. Khi tham gia O-Week, bạn nên mang theo cả thời khoá biểu của mình, để biết vị trí lớp học của mình nằm ở toà nhà nào, tầng mấy, thời gian đi bộ từ trạm xe bus đến lớp học.
Đăng kí tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm
O-Week là thời điểm các câu lạc bộ, hội nhóm sinh viên trường tổ chức giới thiệu và tuyển thành viên mới với nhiều ưu đãi. Tham gia các hội nhóm là cơ hội tuyệt vời để giao lưu, kết bạn với nhiều bạn sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới.
Tuần thứ 1:
Tham gia các buổi hội thảo, chia sẻ kĩ năng học thuật
Có rất nhiều chương trình hội thảo, chia sẻ các kĩ năng trong học tập được tổ chức vào những tuần đầu tiên của học kì. Đề tài của các buổi học này rất phong phú, ví dụ như cách ghi chú hiệu quả, thói quen của những sinh viên xuất sắc, làm thế nào để viết các bài luận hiệu quả, hướng dẫn cách phân tích và viết bài để đạt điểm cao cho các dạng đề bài khác nhau, làm thế nào để tìm kiếm và sắp xếp các tài liệu cần phải đọc một cách hiệu quả,…
Tuần thứ 2:
Tham gia hoạt động giao lưu trò chuyện để thực hành tiếng Anh và gặp gỡ, kết bạn
Các chương trình cafe trò chuyện hằng tuần, các buổi giao lưu hội nhóm là cơ hội để các tân sinh viên gặp gỡ, kết bạn. Đồng thời, đây là cơ hội để nâng cao kĩ năng tiếng Anh của mình thông qua giao tiếp với người dân bản xứ cũng như bạn bè quốc tế.
Tìm kiếm những không gian thích hợp để làm bài, đọc sách…
Có rất nhiều khu vực học tập tại các trường đại học, bạn có thể học trong thư viện, học tạo lớp họp, phòng máy tính của trường, quán cafe hoặc thậm chí ngay tại bãi cỏ trong sân trường. Ngoài ra, thư viện các trường đều có những phong học tập cá nhân (quiet rooms), là những phòng yên tĩnh để bạn có thể tập trung học tập một mình. Để sử dụng những phòng này, bạn cần phải đăng kí trước theo qui định riêng của từng trường.
Tìm hiểu các dịch vụ hỗ trợ
Các trường đại học có rất nhiều chương trình hỗ trợ dành cho sinh viên, ví dụ như hỗ trợ về việc làm, nhà ở, chăm sóc sức khoẻ, tâm lí, việc đi lại của các sinh viên khuyết tật…
Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu các tiện ích được cung cấp để giúp việc học hành tiện lợi và hiệu quả hơn. Bạn có thể mượn máy tính của trường, thậm chí máy tính xách tay, ổ sạc máy tính, máy ảnh và chân máy,… để phục vụ cho việc học tập của mình. Thêm vào đó, hầu như các trường đều hỗ trợ IT miễn phí cho sinh viên, như cài đặt Microsoft Office có bản quyền, tự sử dụng máy photocopy, in và scan…
Tuần thứ 3:
Tham gia các chương trình hội chợ việc làm
Không bao giờ là quá sớm là để lên kế hoạch cho nghề nghiệp tương lai của mình. Vì vậy, các bạn tân sinh viên được khuyến khích tham gia các ngày hội việc làm được tổ chức khá thường xuyên cho sinh viên toàn trường, hoặc đặc biệt hướng đến sinh viên một khoa. Lợi ích của việc này là giúp bạn có thể biết được cơ hội, triển vọng nghề nghiệp ngành mình học sau khi ra trường, tìm hiểu các nhà tuyển dụng tìm kiếm gì ở các ứng viên. Do đó, bạn sẽ có thể lên kế hoạch phát triển các kĩ năng, kiến thức cần thiết cho công việc tương lai.
Tuần thứ 4:
Census Date là lưu ý lớn nhất của bạn trong tuần này
Census Date là ngày cuối cùng mà sinh viên đưa ra quyết định có tiếp tục theo học môn mà mình đã đăng kí hay không. Tại Úc, bạn có thời gian để học thử các môn để tìm hiểu kĩ về môn học như nội dung, mục đích, yêu cầu về môn học và bài luận, bài kiểm tra. Nếu thấy không thích hợp, bạn hoàn toàn có thể xin rút môn và đăng kí học môn khác, với điều kiện phải trước ngày Census Date. Tuy nhiên, lời khuyên là bạn nên gặp các chuyên viên tư vấn của nhà trường để trao đổi cặn kẽ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Khánh Ngọc (SSDH)