‘Mưu hèn, kế bẩn’ của các đại học top đầu Trung Quốc trong cuộc chiến giành giật thủ khoa

0

Sẵn sàng du học – Nhiều trường của Trung Quốc không ít lần tìm cách hạ bệ, bôi xấu đối thủ để giành giật thủ khoa.

Sau khi kết quả thi Cao khảo được công bố vào tháng 6, các trường đại học của Trung Quốc lại quay cuồng trong cuộc chiến giành giật thí sinh ưu tú. 

Các trường top đầu như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phục Đán hay Triết Giang cũng không nằm ngoài cuộc đua "đổ máu" này. Họ "khủng bố" điện thoại các thí sinh điểm số thuộc top cao nhất trong kỳ thi hoặc phụ huynh các em, liên lạc với giáo viên trung học hay thậm chí là nhân viên hành chính mà các "con mồi" theo học. 

Không ít trường mời gọi các tân sinh viên tới thăm khuôn viên, ký túc xá để tận mắt chứng kiến điều kiện học tập không thể tốt hơn mà các em sẽ được tiếp nhận trong những năm tháng ngồi trên giảng đường. 

Cổng vào của Đại học Bắc Kinh. (Ảnh: AP) 

Cổng vào của Đại học Bắc Kinh. (Ảnh: AP) 

Tuy nhiên, theo NYT, cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất diễn ra giữa 2 đại học hàng đầu của Trung Quốc là Thanh Hoa và Bắc Kinh. Thanh Hoa hiện xếp vị trí 16 trong danh sách các trường tốt nhất thế giới, Bắc Kinh kém 6 bậc.

Song song với việc đánh bóng tên tuổi với các thí sinh, 2 ngôi trường này không ít lần tìm cách hạ bệ, bôi xấu đối thủ. 

Ví dụ không thể "sinh động" hơn là cuộc khẩu chiến giữa 2 bên trong đợt tuyển sinh năm 2015 mà nhiều người đùa rằng có thể ghi chép lại vào sách giáo khoa lịch sử giáo dục của Trung Quốc. 

Nhóm tuyển sinh của Bắc Kinh là những người nổ súng khơi mào khi đăng tải chỉ trích "một ngôi trường nào đó" lên tài khoản xã hội của trường: "Nhóm tuyển sinh của trường nào đó gọi điện cho các thí sinh trong top 10 và nói rằng Bắc Kinh dối trá và không để họ học tập theo chuyên ngành mong muốn.

Trước tiên phải nói rằng lời hứa của chúng tôi luôn đáng tin cậy. Không đời nào có chuyện sinh viên không được chọn chuyên ngành mình mong muốn. Thứ 2, theo kinh nghiệm chúng tôi đúc rút suốt 5 năm qua, chính ngôi trường nào đó mới thường xuyên nuốt lời. Làm ơn tránh xa các tân sinh viên của Bắc Kinh". 

Thanh Hoa lập tức đáp trả: "Ơi hỡi người anh em, các anh có thể tâng bốc Đại học Bắc Kinh, nhưng đừng xé rào các quy định và dùng tiền dụ dỗ các sinh viên. Các anh không sợ ảnh hưởng xấu tới lũ trẻ sao?". 

Bắc Kinh ngay sau đó ám chỉ đối thủ dùng khoản học bổng hào phóng để chiêu mộ 2 thí sinh có điểm số cao nhất trong các kỳ thi cao khảo trước đó và nhắn nhủ: "Người anh em à, trong 5 năm qua, các anh dùng rất nhiều tiền để chiêu mộ Tang và Guo. Cực chẳng đã chúng tôi mới mang câu chuyện này ra nói lại. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi sẽ không trao cơ hội cho bắt cứ ai cố gắng moi tiền dựa trên điểm số họ". 

Hai trường nhanh tay xóa bỏ các dòng tranh luận này nhưng cộng đồng mạng khi đó nhanh tay chụp lại và thi thoảng vẫn đem ra bình luận mỗi kỳ cao khảo về. 

"Với loại hình giáo dục này, liệu quốc gia chúng ta còn hy vọng gì không?", một dân mạng Phúc Kiến bình luận. 

ĐH Thanh Hoa là một trong những ĐH đầu tiên ở Trung Quốc mở rộng việc phát hiện đạo văn tới các bài tập hàng ngày

ĐH Thanh Hoa là một trong những ĐH đầu tiên ở Trung Quốc mở rộng việc phát hiện đạo văn tới các bài tập hàng ngày

Đối với các trường đại học Trung Quốc, mục tiêu trong các kỳ tuyển sinh của họ là chiêu mộ càng nhiều anh tài càng tốt để nâng cao điểm chuẩn của các khoa, ngành, qua đó nâng tầm uy tín của trường. 

Trong trường hợp trường này chiêu mộ được các thí sinh có điểm số cao nhất, các trường còn lại sẽ buộc phải hạ điểm. 

"Một khi điểm chuẩn của bạn thấp hơn đối thủ, bạn sẽ thua một nửa trong cuộc chiến tuyển sinh. Đây là điều mà chúng tôi gọi là thiên đường và mặt đất chỉ cách nhau một tấc", bà Shangguan Caiwei, cây viết trên tờ Haiwai Net bình luận. 

Bà Caiwei cũng nêu một số mánh khóe mà mỗi trường thường sử dụng để hạ thấp uy tín của đối thủ. Như trường hợp của Thanh Hoa, họ mời các tân sinh viên tới trường, cắt đứt sinh hoạt của các em với thế giới bên ngoài. Trong 3 giờ tuyển sinh cuối cùng, họ vờ là sinh viên gọi tới tất cả các trung tâm tuyển dụng của Đại học Bắc Kinh để đảm bảo các đường dây luôn bận. 

Ngay cả khi sinh viên điền nguyện vọng như trong trường hợp của Liu Liuyan tới từ Quảng Đông, Thanh Hoa vẫn gọi điện tới thuyết phục em này thay đổi quyết định, sau 3 ngày bị đại học Bắc Kinh "khủng bố điện thoại". 

Trước thực trạng cạnh tranh không lành mạnh này, Bộ giáo dục Trung Quốc phải ban hành một quy tắc cho các trường đại học khi chiêu mộ tân sinh viên. Theo đó các trường không được dùng tiền thưởng ở mức cao để mời chào hay hứa hẹn sẽ để sinh viên chuyển ngành đăng kỳ sau khi nhập học.

Nhưng mới đây, Triết Giang, trường đại học thuộc top 5 của Trung Quốc đã phá rào quy định này. Một đại diện tuyển sinh của trường ngang nhiên lên truyền hình địa phương quảng cáo chương trình hỗ trợ lên tới 500.000 NDT (gần 1,8 tỷ đồng) cho các sinh viên thuộc top 100 của trường và 200.000 NDT (hơn 675 triệu đồng) cho 100 người còn lại trong top 200. 

Không lâu sau đó, Triết Giang bị tuýt còi và buộc phải hủy bỏ các chương trình này. 

Cạnh tranh khi sinh viên mới nhập học khốc liệt là vậy, cuộc chiến giành giật các sinh viên ra trường cũng chẳng kém hơn là bao. Trong bối cảnh nhiều sinh viên tìm cách trụ lại tại các thành phố trọng điểm của Trung Quốc như Thượng Hải hay Bắc Kinh, các thành phố nhỏ hơn cũng tìm cách cung cấp hàng loạt các ưu đãi như hỗ trợ tiền mua nhà, sinh hoạt phí, ưu tiên làm hộ khẩu để thu hút nhân tài. 

Cuộc đua này tuy thầm lặng nhưng cũng khốc liệt đến độ Thứ trưởng Bộ giáo dục Trung Quốc Du Zhanyuan từng đánh tiếng cảnh báo về việc giành giật nhân tài ở các trường đại học tại các vùng kém phát triển ở đất nước. 

Thái Hải (SSDH) – Theo VTC

Share.

Leave A Reply