Nhật Bản dốc toàn lực đối phó Covid-19 để Olympic diễn ra

0

Sẵn sàng du học – Trước những lo lắng về việc Olympic Tokyo 2020 sẽ không thể diễn ra vì sự bùng phát của dịch Covid-19, Nhật Bản đang hành động mạnh mẽ để đảm bảo tất cả sẽ đi đúng lộ trình.

Sáng thứ năm vừa qua, con đường dẫn tới Trường tiểu học Hakata (thành phố Fukuoka, Nhật Bản) vẫn tấp nập học sinh. Đám học sinh lớp 5 hào hứng nói về buổi lễ Sotsugyoushiki (lễ tốt nghiệp của học sinh lớp 6). Đây là một buổi lễ quan trọng đánh dấu một bước trưởng thành của học sinh tiểu học, đồng thời cũng là buổi diễn tập dành cho các học sinh lớp 5.

Ở cấp cao hơn, nhiều sinh viên Việt Nam đang rộn ràng trong các buổi thử áo dài. Một số em mời bố mẹ, họ hàng sang Nhật Bản dự lễ tốt nghiệp. Bầu không khí lễ hội bao trùm các giảng đường, bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới.

Dịch Covid-19 đang đe dọa sự kiện thể thao lớn nhất năm 2020. Ảnh: AP.

Dịch Covid-19 đang đe dọa sự kiện thể thao lớn nhất năm 2020. Ảnh: AP.

Từ lệnh đóng cửa bất ngờ

Thế rồi chỉ sau một buổi chiều, tất cả đều phải dừng lại. Sau khi tỉnh Hokkaido đóng cửa 1.600 trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và phổ thông trung học (PTTH), quy mô của quyết định này có hiệu lực tới toàn nước Nhật Bản.

Tất cả đều ngỡ ngàng. Các giáo viên trường Hakata đón nhận thông tin như một cú sốc. Một giáo viên lớp 3 đã bật khóc ngay trước mặt học sinh khi đọc thông báo về một lễ nghỉ kéo dài tới 1 tháng, bắt đầu từ thứ 2 tuần tới. Nhiều học sinh cũng sụt sùi nước mắt. Ở Nhật là nơi chúng ta cảm nhận rõ khẩu hiệu “mỗi ngày đi học là một ngày vui”.

Ngay cả ở những cấp độ cao hơn, thông tin Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu các trường tiểu học, THCS và THPT cho học sinh nghỉ học từ ngày 2/3 đến đầu tháng 4 cũng là một bất ngờ lớn. Đây là quyết định được nhiều cấp lãnh đạo Nhật miêu tả “có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động xã hội”.

Bất chấp những ý kiến trái chiều và sự bất tiện có thể sinh ra khi học sinh không thể đến trường, Nhật Bản vẫn quyết hành động một cách mạnh mẽ để ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Vài ngày trước khi lệnh đóng cửa tất cả trường học được ban bố, Nhật Bản thật sự đã cảm thấy lạnh gáy sau khi đại diện của Ủy ban Olympic thế giới (IOC), ông Dick Pound, đề cập tới khả năng hủy Olympic Tokyo 2020. Ông Dick Pound nhấn mạnh IOC sẽ đánh giá triển vọng của kỳ thế vận hội lần này vào cuối tháng 5.

Bầu không khí càng trở nên u ám hơn sau khi trang Forbes đưa tin khẳng định Nhật Bản hoàn toàn không có kế hoạch B cho trường hợp Olympic không thể diễn ra vì dịch Covid-19 đang đe dọa cả thế giới.

Chính phủ Nhật đã đầu tư số tiền lên tới 9,77 tỷ USD cho Olympic - cao gấp 7 lần con số dự kiến ban đầu. Ảnh: Getty Image.

Chính phủ Nhật đã đầu tư số tiền lên tới 9,77 tỷ USD cho Olympic – cao gấp 7 lần con số dự kiến ban đầu. Ảnh: Getty Image.

Số liệu từ trang Mainichi cho biết thêm: chính phủ Nhật đã đầu tư số tiền lên tới 9,77 tỷ USD cho Olympic, cao gấp 7 lần con số dự kiến ban đầu. Số tiền khổng lồ này mang theo vô vàn những cơ hội đổi đời cho người dân Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung. Ở thủ đô Tokyo, người Nhật thậm chí đang nỗ lực biến những địa điểm vô danh, vắng người qua lại thành những điểm du lịch thông qua phim ảnh. Đó sẽ là nơi chật kín khách du lịch vào dịp Olympic.

Tuy nhiên, việc mất Olympic sẽ là một mất mát không đơn giản được đo đếm bằng số tiền đầu tư. Những sản phẩm công nghệ được đầu tư nhiều triệu USD phục vụ cho Olympic sẽ được người Nhật giới thiệu; những con người tâm huyết đang ngày đêm chuẩn bị cho kỳ thế vận hội; những sản phẩm ăn theo Olympic và trên hết là niềm tự hào của người Nhật đều sẽ tan biến nếu ngày hội thể thao mùa hè năm nay không thể diễn ra.

Quyết tâm của Nhật Bản

Chúng ta cần biết thêm điều này: Năm 2015, đã có rất nhiều thành phố lớn trên thế giới như Boston, Munich, Oslo, Stockholm từ chối đăng cai Olympic. Nó sẽ tạo ra một gánh nặng lớn về kinh tế. Người Nhật Bản ý thức được rủi ro này, nhưng vẫn quyết định sẽ trở thành nước chủ nhà cho Olympic 2020 vì họ ấp ủ những kế hoạch mà thế giới không lường trước.

Phải sống ở Nhật mới biết, người Nhật Bản không có nhu cầu biết về tất cả sự kiện lớn liên quan đến thể thao. World Cup là một ví dụ. Ngay cả khi đội tuyển Nhật vào vòng knock-out World Cup, không phải tất cả đều quan tâm. Đến cả môn thể thao quốc dân ở Nhật Bản là bóng chày cũng có thể là những khoảng trắng về kiến thức của người dân xứ sở hoa anh đào.

Tokyo đã sẵn sàng chào đón Olympic 2020. Ảnh: Olympic.org.

Tokyo đã sẵn sàng chào đón Olympic 2020. Ảnh: Olympic.org.

Tuy nhiên, Olympic thì khác. Gần như tất cả người Nhật Bản đều biết và nói về nó. Người dân thành phố Fukuoka hẹn nhau sẽ cùng xem ngọn đuốc Olympic ghé thăm nơi này vào ngày 12/5. Bằng mọi giá, Olympic phải ở lại với nước Nhật.

Người Nhật Bản chấp nhận sự tuyên chiến. Năm 2016, Olympic Rio vẫn diễn ra trong bối cảnh virus Zika hoành hành ở Brazil. Người Nhật Bản muốn nói với thế giới nếu thế giới làm được, Nhật Bản cũng làm được. Và nếu thế giới không làm được, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia đầu tiên làm được.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Zing News

Share.

Leave A Reply