Sẵn sàng du học – Ai cũng biết sinh viên còn phải đi học, không thể đặt việc đi làm thêm lên trên hết nên cũng không thể đòi hỏi quá nhiều, thế nhưng đã là đi làm, dù vị trí nào, cũng cần có những trách nhiệm nhất định. Nếu cứ làm vài bữa rồi nghỉ thì khó có thể thông cảm được.
Từ việc làm bao nhiêu là đủ, có nên làm việc chân tay quá nhiều hay không, làm thêm chẳng đủ đóng tiền học lại mới thấy câu chuyện sinh viên đi làm thêm, đi thực tập đúng là có quá nhiều thứ để nói.
Thế nhưng bấy nhiêu đó chưa phải đã hết. Còn một câu chuyện khác tuy ít được bàn tán nhưng cũng gây tranh cãi không kém về việc nhiều bạn thích thì đi làm, không thích thì nghỉ. Sinh viên đi làm thêm cứ mỗi chỗ được 1, 2 tháng rồi lại nhảy qua việc khác, không có kế hoạch cụ thể cho bản thân, vừa không thu được kỹ năng, kinh nghiệm gì, vừa khiến nhà tuyển dụng đau đầu chuyện nhân sự. Phải chăng vì thế nên rất nhiều nơi yêu cầu sinh viên có cam kết chắc chắn, dù chỉ là một vị trí part-time hoặc cộng tác viên.
Đi làm thêm nhiều, nhưng mỗi nơi được mấy ngày rồi lại thôi
Học Đại học rồi, không thể chỉ đến lớp rồi về, ai cũng có nhu cầu đi làm, đi thực tập, vừa để lấy kinh nghiệm, vừa kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng phần lớn sinh viên lại chẳng có kế hoạch cụ thể gì khi bắt đầu đi làm cả. CV cứ rải khắp nơi, chỗ nào gọi là đi làm, chẳng tìm hiểu kỹ lưỡng. Nếu công việc ổn thì không sao những lỡ bất cứ trục trặc gì diễn ra hay do không tìm hiểu kỹ nên tính chất công việc không giống suy nghĩ ban đầu là sẵn sàng từ bỏ ngay. Đôi khi cũng chẳng cần lý do to tát gì, chỉ vì tìm được một chỗ khác lương cao hơn một chút, gần nhà hơn một chút thì việc đưa ra quyết định thay đổi chỗ làm cũng không phải điều khó khăn.
Có nhiều bạn CV dài lắm, đi làm nhiều nơi lắm những mỗi chỗ được vỏn vẹn một, hai tháng, thậm chí còn chưa qua giai đoạn thử việc đã nhảy sang chỗ mới. Cả một năm có khi chỉ loay hoay với vòng tròn lặp lại: tìm việc, thử việc, bỏ việc mà vẫn không tìm được một nơi để gắn bó lâu dài hơn một chút, đang làm một nơi nhưng tâm lý lúc nào cũng nghĩ đến chuyện tìm chỗ làm khác.
Sinh viên mới đến đã đi khiến bất cứ quản lý nào cũng đau đầu
Hầu hết mọi doanh nghiệp hiện nay đều có những vị trí dành cho các bạn sinh viên. Ai cũng thích làm việc cùng những bạn trẻ năng động và sáng tạo. Thế nhưng đây cũng chính là lực lượng gây ra nhiều điều đau đầu nhất cho những người quản lý.
Tuyển được một người cho là phù hợp vào rồi, phải đào tạo, hướng dẫn rất nhiều mới thành thạo công việc được nhưng chưa cống hiến được gì thì nhiều sinh viên đã vội rời đi vì đủ lý do. Công sức đào tạo coi như bằng không, bản thân sinh viên cũng chẳng thu được kỹ năng gì, thời gian cả hai bị lãng phí, rồi những người tuyển dụng lại phải đi tìm người khác và bắt đầu công việc hướng dẫn lại từ đầu.
Sinh viên càng ngày càng làm được việc hơn nhưng không nhiều bạn có kế hoạch cụ thể cho bản thân khi đi làm thêm, đi thực tập khiến nhiều doanh nghiệp cũng ái ngại. Bản thân sinh viên không bị ảnh hưởng quá nhiều khi thôi một công việc và chuyển sang việc khác, nhưng doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi có người rời đi.
Nhiều người đặt ra câu hỏi có phải do sinh viên được quá nhiều ưu ái và thoải mái khi đi làm thêm trong khi áp lực tài chính chưa thực sự là mối lo nên vẫn hời hợt, làm cũng được, không làm cũng không sao, không thích thì nghỉ.
Ai cũng biết sinh viên còn phải đi học, không thể đặt việc đi làm thêm lên trên hết nên cũng không thể đòi hỏi quá nhiều, thế nhưng đã là đi làm, dù vị trí nào, cũng cần có những trách nhiệm nhất định. Nếu cứ làm vài bữa rồi nghỉ thì khó có thể thông cảm được.
Sinh viên nói gì?
Không phủ nhận chuyện đi làm theo cảm hứng, nhiều bạn cho biết chỉ đi làm để được trải nghiệm nên bản thân cũng không thực sự nghiêm túc, nếu thấy có điều gì không phù hợp thì có thể rời bỏ mà không mất quá nhiều công suy nghĩ.
Một số khác thì giải thích rằng nếu không phù hợp thì không thể nói đến chuyện làm việc lâu dài được, nếu sau những trải nghiệm thời gian đầu và thấy bản thân không hứng thú thì tốt nhất là nên dừng lại, không nên miễn cưỡng làm chỉ vì sợ mọi người đánh giá, sợ bị chê là suốt ngày nhảy việc hoặc không trách nhiệm,…
Ai cũng muốn bản thân phát triển theo một hướng tốt hơn, có được thu nhập cao hơn, công việc thuận lợi hơn nên cũng khó mà trách khi một ai đó quyết định nghỉ vội vàng để đi đến một chỗ khác.
Một số khác thì cho rằng trải nghiệm mới là điều quan trọng, vì vẫn là sinh viên, vẫn còn nhiều thời gian để thử thách những điều mới nên tại sao lại phải gò bó bản thân như những người đã ra trường và chỉ có duy nhất một việc là đi làm.
Về chuyện đi làm thêm của các bạn sinh viên, ai cũng có quan điểm và lý lẽ của riêng mình nhưng dù làm ở đâu, gắn bó lâu hay không, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức học hỏi và phát triển bản thân chứ không thể cứ "nhìn ngắn" mãi, quanh đi quẩn lại rồi dành hết thanh xuân vẫn chưa thấy bản thân phù hợp với điều gì, 4 năm đại học chỉ để đi thử việc.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14