Sẵn sàng du học – Khi giới chuyên môn bắt đầu hạn chế các website “sản xuất bài luận”, sinh viên ngày càng gặp nhiều áp lực để viết những bài viết được xếp thứ hạng cao. Tuy nhiên, thật ra một bài luận được đánh giá tốt không đến nỗi phức tạp như bạn nghĩ. Hãy tham khảo một số mẹo nhỏ để nâng cấp bài luận của mình nhé!
Đục lỗ
Mục tiêu của một bài luận là để kiểm tra khả năng tư duy phản biện của bạn về một vấn đề, chứ không phải “nhai lại” những tài liệu bạn đã đọc được. Nếu cứ lặp lại quan điểm của người khác, bạn sẽ không bao giờ có được số điểm cao của người chấm.
Bạn cần nâng cao khả năng tư duy của mình, nghĩa là không chỉ là hiểu và nhớ, mà còn phân tích và tổng hợp lại ý tưởng từ các nguồn khác nhau, và rồi đánh giá chúng một cách phản biện. Việc đánh giá phản biện thật ra rất đơn giản, đó chính là việc bạn “đục lỗ” bài viết của tác giả và phân tích trên những phần mà tác giả làm chưa hoàn hảo. Đó là sự khác biệt giữa bài luận điểm 60 và 70.
Phản biện lại chính lí lẽ của bạn
Một khi bạn đã dùng con mắt “phê bình” để đánh giá bài viết của người khác thì hãy cũng làm tương tự với lí lẽ của chính mình. Điều này có vẻ như đi ngược lại với những điều bạn từng được dạy về viết bài luận học thuật, nhưng đây lại là cách để xây dựng luận điểm.
Bạn không nên nói với người chấm một mặt của lí luận và bảo vệ nó từ đầu đến cuối, mà bạn cần chỉ ra những luận điểm phản đối mạnh mẽ nhất đối với quan điểm bạn nêu ra là gì. Hãy viết ra và đáp lại chúng, từ đó bạn có thể biết được những lỗ hổng trong lập luận của mình. Mọi lí lẽ đều có giới hạn của nó, việc bạn dám thử và khám phá chúng sẽ được người chấm đánh giá rất cao.
Có nên sử dụng Wikipedia
Việc khai thác Wikipedia trong nghiên cứu luôn là một vấn đề gây tranh cãi trong giới học thuật, với rất nhiều trong số đó khuyên bạn nên tránh xa sử dụng trang web này khi viết luận.
Trong khi đó, những người khác lại cho rằng nếu không dùng thì bạn sẽ không biết được tác giả của tài liệu là ai, quan điểm và thiên hướng của ông ta là gì. Tuy nhiên, trang web sẽ rất hữu ích khi bạn muốn hiểu rõ về một chủ đề hoặc tìm kiếm một số thông tin rải rác không quá quan trọng. Vì vậy, chúng tôi khuyên rằng đây nên là sự lựa chọn cuối cùng của bạn khi bạn không còn các nguồn khác thay thế.
Chú trọng vào danh sách đọc
Danh sách đọc có lẽ vừa là một rào cản nhưng lại là trợ thủ đắc lực cho bạn. Đó sẽ là thứ đầu tiên bạn nhờ đến để được chỉ dẫn, tuy nhiên lại không phải là danh sách những thứ bạn phải làm. Có nghĩa rằng nếu một cuốn sách được nằm trong danh sách này thì bạn cũng không bắt buộc phải “hấp thụ” toàn bộ nó.
Chuyên gia khuyên bạn chỉ nên đọc phần mở đầu, kết luận và một số chương liên quan, không hơn, bởi bạn sẽ chẳng thể tiếp thu hết được kiến thức khi cày qua 300 trang sách.
Bạn cũng nên tập hợp thông tin bạn thu nhận được một cách có hệ thống. Ví dụ, bạn có thể sử dụng một chiếc hộp để cất tất cả những thứ nhỏ nhặt như một con số, một câu nói hay, danh ngôn,… để bạn không bao giờ làm mất chúng.
Đừng chỉ giới hạn tại danh sách đọc
Hãy tìm kiếm những câu trích dẫn có trong tài liệu tại Google Scholar – dịch vụ tìm kiếm miễn phí đánh chỉ mục toàn văn các bài luận có tính học thuật trong các nội dung đã xuất bản, rồi đọc phần tóm tắt để quyết định xem liệu bạn có nên đọc tài liệu này không. Đồng thời bạn có thể đọc các tài liệu khác về chủ đề bạn đang viết cũng trên Google Scholar, chúng sẽ rất hữu ích.
Và cuối cùng chính là mở bài
Một mẹo quen thuộc đó là chúng ta nên viết mở bài cuối cùng, tuy nhiên, không phải ai cũng làm chủ được nghệ thuật viết mở bài thật ấn tượng. Bạn nên giới thiệu những thứ bạn sẽ viết, một cách đầy đủ và ngắn ngọn, đủ khoảng trong 100 từ.
Người dịch: Hải Yến (SSDH)