Sẵn sàng du học – Mang đậm tính nhân văn trong một câu chuyện du hành không gian choáng ngợp, “Ad Astra” nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự kết nối trong khi hướng ống kính đi tìm sự sống ngoài không gian.
(Cảnh báo tiết lộ nội dung, xin độc giả cân nhắc)
Ra mắt lặng lẽ trong tháng 9 giữa hàng tá phim giải trí là một viên ngọc quý đến từ đạo diễn James Gray. Ad Astra (Giải Mã Bí Ẩn Ngân Hà) với sự tham gia của Brad Pitt trong vai chính, là một tác phẩm tuyệt đẹp với tiết tấu chậm rãi, đi tìm câu trả lời về bản ngã của con người.
1. Không đơn thuần là hành trình đi tìm cha
Ad Astra lấy bối cảnh thế giới trong tương lai, khi con người đã xây được những căn cứ kiên cố ngoài không gian trên mặt trăng và sao Hỏa. Những cơn bão điện từ không gian liên tục gây ra thiệt hại nặng nề cho con người. Thiếu tá Roy McBride (Brad Pitt) được Bộ chỉ huy không gian Hoa Kỳ (SpaceCom) cử đi trong một sứ mệnh đặc biệt: đi tới sao Hải Vương tìm kiếm dấu tích của người cha là phi hành gia đã mất tích 16 năm trước, chấm dứt những đợt bão phản vật chất.
Hình ảnh những phi hành gia gặp bi kịch gia đình như mất người thân, ly dị, lừa dối… không còn là chuyện hiếm trên màn ảnh bởi đó là thực tế đời tư của những con người làm nghề này. Đề tài khám phá không gian đi tìm lời giải đáp cho sự đơn độc của con người lại càng phổ biến. Nhưng Ad Astra của James Gray đã tạo ra dấu ấn riêng bằng không khí phim chậm rãi, đậm tính cá nhân thay vì một màn trình diễn choáng ngợp lấy nước mắt như Interstellar hay không khí bí bách ngột ngạt trong First Man.
Ở đó không chỉ là hành trình đi tìm cha của Roy, mà là hành trình của anh đi tìm lời giải đáp cho sự tồn tại của mình, cho mọi sự thống khổ mà cha anh – người sau này đã phủ bóng lên cuộc đời anh dù đã mất tích 16 năm – phải chịu đựng. Roy tiến vào không gian cố gắng tìm lấy câu trả lời cho sự đơn độc, ý nghĩa của cuộc sống để rồi nhận ra đáp án không nằm trong vũ trụ…
2. Diễn xuất đỉnh cao của Brad Pitt
Dấu ấn của Brad Pitt trên màn ảnh năm nay với Once Upon A Time in Hollywood còn chưa kịp phai mờ, anh đã lại khiến khán giả phải kinh ngạc với Ad Astra. Tài tử 56 tuổi nhắc nhở chúng ta rằng anh không chỉ là một gương mặt đẹp trên màn ảnh.
Roy McBride là một quân nhân, phi hành gia với thành tích xuất sắc, dường như không bao giờ tỏ ra lo lắng hay xúc động quá mức, nhịp tim chưa bao giờ quá 80. Nhưng chính đằng sau sự tĩnh lặng như mặt nước đó là cơn bão lòng mà Roy luôn che giấu, sự đơn độc đến cùng tận đã đưa anh vào hành trình xa xôi tới những vì sao.
Từ cách độc thoại chậm rãi, run rẩy cho tới biểu cảm ánh mắt được máy quay ưu ái những góc cận, nam diễn viên đã xuất sắc khắc họa hình ảnh một người đàn ông trống rỗng, dằn vặt bởi sự ích kỷ của mình nhưng không biết làm thế nào để thoát ra. Roy đã bình thản, ngay cả khi cái chết cận kề nhưng lại vỡ tan khi đứng trước câu trả lời lớn nhất của cuộc đời mà anh vẫn luôn tìm kiếm. Sự nhập tâm đến đáng kinh ngạc và khả năng hòa lẫn vào môi trường nghệ thuật của Brad Pitt luôn khiến chúng ta bất ngờ, với Ad Astra cũng không phải là ngoại lệ.
3. Huyền thoại Hoyte van Hoytema và những cảnh quay đắt giá
Từng được ngợi ca với Her, Dunkirk và Interstellar, quay phim người Hà Lan Hoyte van Hoytema tiếp tục đem tới màn trình diễn thị giác ấn tượng trong Ad Astra. Sử dụng phim Kodak 35mm với máy quay kèm lens Panavision, Hoytema đã tạo nên những cảnh phim tuyệt đẹp với màu phim ấn tượng. Có thể thấy khả năng làm chủ ánh sáng khung hình với việc phân bổ nguồn sáng từ Trái Đất ngập tràn ánh nắng, cho tới sao Hỏa mù mịt đỏ quạch và sao Hải Vương xanh tối – nơi xa nhất con người từng đi tới.
Cảnh phim truy đuổi trên mặt trăng với lực hấp dẫn thấp là một trong những chi tiết khó mà nhiều dự án thông thường sẽ lựa chọn quay bằng CGI. Thay vào đó, Hoytema và các cộng sự được biết đã quyết định quay bằng máy quay với ống kính tự chế, nghiên cứu kỹ các chuyển động thực tế trên mặt trăng. Nổi bật giữa vũ trụ rộng lớn và tối tăm là hình ảnh người phi hành gia đơn độc lạc lõng, tạo nên sự tương phản nghệ thuật cho câu chuyện.
Ad Astra mượn hình ảnh vũ trụ để nói về con người, nhưng không đặt chúng ta trong bi kịch chung về sự đơn độc. Cái kết bộ phim như một tia hy vọng thắp lên giữa không gian tăm tối và trống rỗng ngoài kia, rằng cách mà chúng ta kết nối với nhau đã làm nên thứ gọi là con người. Sau cùng mỗi cá nhân vẫn chẳng thể tránh khỏi số phận đơn độc nhưng ý nghĩa cuộc sống thì lại nằm ở trái đất, ở quê nhà, ở người mà chúng ta thương yêu bên cạnh chứ không phải ở đâu xa.
Có thể thấy với Ad Astra, James Gray đã có một bước tiến lớn kể từ các tác phẩm trước đây của anh như We Own the Night hay The Lost City of Z. Tiết tấu chậm của phim có lẽ sẽ không dành cho những tín đồ giật gân, kinh dị không gian. Thế nhưng với những ai kiên nhẫn, hành trình giải mã giải ngân hà sẽ là một liều thuốc cho tâm hồn với thông điệp đẹp đẽ và giản dị.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14