Chàng kỹ sư Việt hiện thực “giấc mơ Mỹ” trong thời kì khủng hoảng dầu khí

0

Sẵn sàng du học –  Anh Trần Đăng Khoa vẫn nhớ như in thời điểm tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư Dầu khí tại Đại học Houston (Mỹ) vào tháng 05/2015 – đúng thời điểm khủng hoảng giá dầu trầm trọng. Rất nhiều công ty dầu khí của Mỹ sa thải nhân viên, đó là một cú sốc lớn đối với các sinh viên quốc tế học ngành này muốn bám trụ lại xứ sở cờ hoa…

Dự định du học của Trần Đăng Khoa (sinh năm 1986, quê Bến Tre) được định hình vào đầu năm 3 khi anh đang theo học ngành Toán – Tin tại trường Khoa học Tự nhiên. Khoa học thêm tiếng Anh trong thời gian đó.

Công việc chuẩn bị như chọn trường, xin I-20, phỏng vấn xin visa được chuẩn bị vào năm cuối đại học và du học Mỹ khi anh lấy xong bằng cử nhân ở Việt Nam.

Dự định đầu tiên khi sang Mỹ của Khoa là sẽ học chương trình tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (ESL) 1-2 mùa và ứng tuyển chương trình thạc sĩ ngành Khoa học máy tính.

Nhưng sau thời gian sang ở thành phố Houston, Texas (Mỹ), 8X Việt có hứng thú với ngành dầu khí. Và cũng vì nó rất khác biệt với ngành Khoa đã học ở Việt Nam nên anh quyết định học lại bằng Kỹ sư Dầu khí tại trường Univeristy of Houston.

Dù Khoa có học thêm tiếng Anh ở Việt Nam nhưng khi qua Mỹ, điểm yếu về giao tiếp với tiếng Anh bộc lộ rất rõ ràng. Anh đã gần như rất khó để nghe, hiểu và truyền đạt trong cuộc sống hàng ngày.

Do hạn chế về ngôn ngữ, nên anh giải quyết bằng cách đọc thêm sách trước khi đến lớp (ít nhất là đối với với những môn khó). Việc làm này giúp cho anh theo kịp bài giảng của thầy và quan trọng hơn là dám tham gia phát biểu, thảo luận tương tác với bài giảng của thấy. Việc này tạo cho du học sinh Việt cảm giác rất vui và tự tin.

Bên cạnh đó, anh còn chủ động thành lập nhóm để học cho mỗi lớp. Anh cũng xung phong làm trưởng nhóm cho vài dự án.

Kỹ sư Trần Đăng Khoa tốt nghiệp cử nhân loại giỏi ngành Kỹ sư Dầu khí và thạc sĩ loại ưu ngành Kỹ sư Cơ khí tại trường University of Houston, Mỹ.

Kỹ sư Trần Đăng Khoa tốt nghiệp cử nhân loại giỏi ngành Kỹ sư Dầu khí và thạc sĩ loại ưu ngành Kỹ sư Cơ khí tại trường University of Houston, Mỹ.

Khoa tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư Dầu khí loại Giỏi tại đại học Mỹ vào tháng 05/2015, đúng thời điểm khủng hoảng giá dầu.

“Đó là một cú sốc lớn đối với sinh viên dầu khí tốt nghiệp năm đó như anh. Rất nhiều công ty dầu khí của Mỹ sa thải nhân viên. Nổi bật nhất là khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại những nước GDP phụ thuộc vào khai thác và bán dầu thô như Venezuela”, anh nhớ lại.

Về phần mình, Khoa cố gắng tìm được một công việc part-time trong một công ty nhỏ cũng làm về dầu khí trong thời kỳ thị trường suy thoái. Tuy nhiên, do không có nhiều dự án hấp dẫn nên công việc không thật sự gây hứng thú với chàng trai Việt. Nhận định tình hình không thể khá lên trong 2-3 năm, anh được giúp đỡ và quay lại trường để học Thạc sĩ.

Khó khăn nhưng không nản lòng từ bỏ con đường đã chọn. Anh quyết tâm chọn ngành học là kỹ sư cơ khí cho bậc thạc sĩ với suy nghĩ anh vẫn có thể tiếp tục làm ngành Dầu khí tại Mỹ hoặc có nhiều hướng đi hơn với tấm bằng cơ khí, bên cạnh đó, anh còn có thể tận dụng khả năng tư duy toán và lập trình đã có ở Việt Nam.

Sau 1 năm học, Khoa tìm được công việc internship (thực tập) ở một công ty của Pháp tại Mỹ cũng trong lĩnh vực Dầu và khí gas. Anh làm trong nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D).

8X được giao dự án về phát triển tự động hóa với PLC (Programmable Logic Controller – thiết bị điều khiển có thể được lập trình để thực hiện các thuật toán logic nhằm điều khiển các thiết bị khác thông qua một ngôn ngữ lập trình) dòng WaGo.

Đây là một thử thách không nhỏ vì Khoa không rành về lĩnh vực làm trình tự động hóa và anh được toàn quyền tìm 1 phần mềm thích hợp để làm việc.

Qua nghiên cứu, anh tìm được một phần mềm dùng nhiều ở châu Âu, đặc biệt là Đức. Tuy nhiên, không ai trong công ty có kinh nghiệm làm việc với nó. Khoa phải tự tìm tài liệu và tự học. Trong quá trình đó, anh làm quen được những kỹ sư người Đức và nói chuyện với họ qua skype.

“Anh học được rất nhiều từ họ, những con người tài năng, nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ. Anh hoàn thành dự án được giao trước thời hạn. Một tháng còn lại anh được giao thêm những nghiên cứu tìm thuật toán cho những đơn vị xử lý (Computing Unit) khác”, Khoa chia sẻ.

Nỗ lực không mệt mỏi và hết mình với công việc, vị trí thực tập này mở ra cho chàng trai Việt cơ hội có công việc như ý khi ra trường. Anh được người phụ trách dự án trong công ty Voith tìm thấy trên trang xã hội việc làm chuyên nghiệp Linked.

“Ông ấy thấy hồ sơ và kinh nghiệm của anh thích hợp với dự án nên mời anh phỏng vấn vào vị trí công ty đang tuyển. Và đó là cơ duyên để anh đến và làm việc với Voith cho đến bây giờ”, Khoa kể.

Hiện tại, Trần Đăng Khoa đang làm Kỹ sư Phát triển tự động hóa, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển ở công ty Voith Digital Solutions (trụ sở bang North Carolina, Mỹ).

Chuẩn bị tâm lý vững vàng và hướng nghiệp sớm

Nhìn lại “giấc mơ Mỹ” đã hoàn thành của mình, Khoa mỉm cười tâm sự: “Anh đã phải làm việc chăm chỉ để xây dựng resume (sơ yếu lý lịch) và tìm việc làm trong thời kì suy thoái của ngành dầu khí. Anh đã rất lo lắng. Nhưng trước đó, anh hiểu mình chưa chuẩn bị đủ cho việc tìm việc làm”.

Theo kỹ sư Việt tại Mỹ vấn đề hướng nghiệp du học là cái ít được quan tâm thời gian ban đầu nhưng lại là cái quan trọng nhất. Bản thân anh cũng mắc sai lầm này do không nhìn nhận được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho tìm việc từ sớm.

Tìm việc ở Mỹ đòi hỏi ứng viên phải có nhiều thứ phải chuẩn bị như sơ yếu lý lịch, kỹ năng tìm việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn và còn cả kỹ năng thương lượng nữa. Mỗi một vấn đề đó anh có thể viết ra 1 -2 trang A4.

Nhìn nhận vấn đề bản thân còn thiếu sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã có kết quả tốt hơn sau khi tốt nghiệp thạc sĩ.

Chia sẻ về kỹ năng cần có khi làm việc ở tập đoàn quốc tế, Khoa cho hay: “Khi đi làm thì là tổng hợp những thứ ở trên; bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giả quyết vấn đề và quan trọng là kỹ năng hỏi. Anh đặt nó riêng ra khỏi kỹ năng giao tiếp vì đặt đúng câu hỏi và đúng người cũng rất quan trọng.

Trong một công ty dạng tập đoàn như Voith, hầu như luôn có người có thể giúp mình tìm ra câu trả lời cho vấn đề. Tuy nhiên, nếu không hỏi thì không ai biết mình cần gì đâu”.

Khoa tâm sự, cuộc sống hiện tại của anh ổn, chưa thể nói là hài lòng nhưng ít nhất anh cũng không phải chật vật. Phần nào anh cũng đã quen với nếp sống và văn hóa ở Mỹ.

Nhắn gửi đến các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ học tập và làm việc tại Mỹ, chàng kỹ sư người Việt chia sẻ: “Theo anh, tất cả nằm ở sự chuẩn bị về mặt tâm lý. Kiến thức có thể học về lâu về dài. Nhưng tâm lý vững vàng là nền tảng quan trọng nhất.

Một trong những văn hóa anh học ở Mỹ là “open mind”, anh nghĩ nó đơn giản là mở rộng khả năng tiếp nhận những điều mới (gồm tất cả những hành động như kết bạn, giao tiếp, chủ động, thảo luận…).

Gia đình Khoa chụp hình ở Time Square, New York.

Gia đình Khoa chụp hình ở Time Square, New York.

Ngoài ra, theo anh Khoa, tinh thần "lá lành đùm lá rách" là hành trang nên mang theo. Ở đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là vấn đề tinh thần, có bạn là có niềm vui.

Trước mắt, kỹ sư 8X muốn tập trung cho công việc để tạo chỗ đứng vững mạnh. Anh cũng làm một kênh chuyên về tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm du học và sống ở Mỹ.

Thông qua đó anh sẽ giúp các bạn mới sang có cái nhiều cụ thể hơn về những điều các bạn sẽ đối mặt và sẽ không cần phải mất nhiều thời gian như anh.

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri

Share.

Leave A Reply