SSDH – Dù mới 19 tuổi nhưng Thùy Anh này đã làm trưởng ban tổ chức 1 cuộc hội thảo du học dành cho các bạn học sinh, sinh viên Hà Nội.
Vừa tròn 19 tuổi nhưng cô bạn du học sinh Tôn Nữ Thùy Anh đã sở hữu một bản thành tích học tập và ngoại khóa vô cùng ấn tượng tại Mỹ. Vừa qua cô bạn này còn là trưởng ban tổ chức của một hội thảo về du học dành cho các bạn học sinh, sinh viên tại Hà Nội.
Họ tên: Tôn Nữ Thùy Anh Ngày sinh: 12/08/1994 Sở thích: Hội họa, nhiếp ảnh, hoạt động cộng đồng Sinh viên năm 2 Đại học Bard College, bang New York (Mỹ) Thành tích: – Giải thưởng Quỹ hoạt động vì cộng đồng của trường Bard College. – Giải Nhì cuộc thi Ảnh ISO của trường Bard College. – Trưởng Ban tổ chức Hội thảo Du học VietAbroader 2013 tại Hà Nội. – Đồng sáng lập và Chủ tịch Triển lãm Ảnh Chase Ha Noi. – Đồng Chủ tịch Cộng đồng học sinh Việt Nam tại trường Bard College. |
Cùng trò chuyện với Thùy Anh nhé!
Cô bạn Tôn Nữ Thùy Anh
Chào Thùy Anh, bạn đi học xa nhà đã lâu chưa?
Mình đi du học từ giữa năm lớp 10 (tức là cách đây gần 4 năm). Hiện tại, mình đang theo học theo diện học bổng của Đại học Bard College (Mỹ).
Chuyên ngành bạn đang học là gì vậy?
Mình học ngành Toán với mong ước sau này có thể thử sức trong lĩnh vực tài chính. Toán học giúp mình phát triển kỹ năng phân tích và hiểu vấn đề một cách logic. Chính các kỹ năng này đã hỗ trợ mình nhiều trong những lần tổ chức sự kiện.
Bạn bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng từ lúc nào?
Hồi cấp 3 mình học ở Canada. Ở đó, nhà trường thường quy định mỗi học sinh phải tham gia ít nhất 100 giờ hoạt động tình nguyện thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Do vậy, mình đã đăng ký dạy môn Toán và các môn khoa học cho trẻ em ở khu vực xung quanh trường.
Khi hòa mình vào những hoạt động này, mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, được nghe những câu chuyện của họ, từ đó mở rộng vốn sống.
Nghe nói bạn từng là trưởng ban tổ chức một chương trình hội thảo tại Hà Nội. Chắc hẳn phải có lí do đặc biệt khiến bạn tham gia chương trình đó?
Là một du học sinh, mình nhận thấy việc du học ở Việt Nam đang dần thành một trào lưu. Nhưng không phải bạn nào cũng hiểu rõ mục đích của việc đi du học. Bên cạnh đó, những thông tin trên mạng hay do các trung tâm tư vấn không hẳn đều đáng tin cậy. Vì thế, mình đã trình bày ý tưởng tạo nên một Hội thảo Du học với chủ đề “Tại sao chọn du học Mỹ” (nguồn thông tin do chính các cựu du học sinh cung cấp) với tổ chức này. Và rất may mắn, mình vượt qua 300 ứng viên, lọt vào top 3 người được phỏng vấn. Cuối cùng, mình được chỉ định làm Trưởng Ban tổ chức cho Hội thảo du học tại Hà Nội.
Bạn còn là một nhiếp ảnh gia có tiếng trong giới du học sinh và bạn đã có cuộc triển lãm ảnh rất thu hút mang tên Chase Ha Noi?
Mình học vẽ từ năm 3 tuổi và đã giành một giải bạc quốc tế. Mình từng tổ chức hai triển lãm mỹ thuật với lớp học vẽ của mình. Có một hôm mình vô tình xem ảnh các bạn học sinh Việt Nam đăng trên mạng, thế là mình nảy ra ý định mở triển lãm trưng bày ảnh của các bạn.
Thùy Anh (ngồi thứ nhất bên phải) và các bạn trong chương trình hội thảo du học
Bạn định duy trì triển lãm ảnh thế này dài dài chứ?
Bản thân mình và những bạn thành viên cốt lõi chắc sẽ không thể theo sát Chase Ha Noi mãi được. Do đó, chúng mình muốn truyền lại kinh nghiệm cho các thành viên trẻ hơn. Hy vọng mai này các em có thể tự đứng ra tổ chức một Chase Ha Noi hoàn toàn mới.
Tóm tắt ngắn gọn tính cách của bạn, sẽ là…?
Mình là một người cẩn thận, có trách nhiệm và may mắn. Tuy nhiên, mình cũng tin rằng – như nhà triết học Seneca có nói: “Sự may mắn được tạo nên khi sự chuẩn bị gặp cơ hội”.
Bạn có dự định về nước làm việc sau khi học xong?
Mình nhớ những con đường đông đúc, nhớ ánh đèn đêm bàng bạc của Hà Nội. Nhớ mùi vị của bún chả, nem chua rán, trà sữa trân châu… Những việc quay về Việt Nam thực sự mình chưa có câu trả lời. Mình chỉ dám chắc một điều rằng dù mình làm gì, mình đều mong muốn tạo nên những thay đổi tích cực trong xã hội xung quanh và một lòng dõi theo quê nhà – nơi mình sinh ra và lớn lên.
Cảm ơn bạn, chúc bạn luôn giữ cho mình một trái tim nồng nhiệt như vậy!
Một số hình ảnh của Thùy Anh:
Thục Uyên (SSDH) – Theo Tiin