SSDH – Vũ Ngọc Thiên Anh đã nhận được thông báo trúng tuyển từ 12 trường đại học ở Mỹ trong đó nữ sinh giành được học bổng từ 10 trường, giá trị lớn nhất là hơn 4 tỷ đồng.
Ngay từ khi còn nhỏ, Thiên Anh đã có sở thích vẽ tranh, thích những màu sắc và hình khối. Sở thích này đã gắn bó với cô trong suốt quá trình trưởng thành, với sự ủng hộ của gia đình.
“Đam mê mỹ thuật của mình xuất phát từ sở thích vẽ vời hồi nhỏ. Mình đã bắt đầu học vẽ, tô màu khi đi học mẫu giáo. Thời điểm 4 tuổi, mình đã bắt đầu vẽ khá nhiều tranh trên giấy A4. Bên cạnh đó, mình cũng được nhiều người xung quanh khen vẽ đẹp, biết cách nhìn các hình ảnh để bắt chước và chép lại rồi tưởng tượng ra nhiều bức tranh khá thú vị nên mình càng có động lực để duy trì và phát triển sở thích này. Cứ như vậy, mình vẽ từ trường về nhà, rồi đi học thêm các lớp vẽ khác”.
“Nếu hỏi mục tiêu trở thành họa sĩ của mình bắt đầu từ bao giờ thì mình nghĩ đó là vào năm lớp 4. Mình vẫn nhớ khi đó, mình tặng cô chủ nhiệm một bức tranh và cô cảm động vô cùng, cô nói với mình rằng mình hãy trở thành một họa sĩ. Chính từ lúc đó, ước mơ họa sĩ chuyên nghiệp của mình đã được nhen nhóm”, Thiên Anh chia sẻ.
Thiên Anh muốn được thử sức với chất liệu sơn dầu và sơn mài.
Ở thời điểm hiện tại, nữ sinh lớp 12 thấy bản thân còn phải thử nghiệm nhiều hơn, chưa xác định phong cách cụ thể. Thiên Anh đang trong quá trình khám phá, tìm hiểu sâu hơn chính mình. Thiên Anh tin rằng khi đã hiểu bản thân, cô sẽ tìm được chất riêng và một hướng đi đúng đắn. Những bức tranh hiện tại của nữ sinh này thiên về màu sắc nổi bật và trường phái biểu hiện.
“Bình thường mình sáng tác hoàn toàn theo cảm hứng, như là tự nhiên đi đường thấy một hình ảnh nào đó, mình có thể nảy ra ý tưởng ngay hoặc có những lúc cảm hứng đến bất ngờ. Những lúc đó, mình sẽ vẽ phác thảo nguệch ngoạc trong sổ. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều bức tranh mình bị “bí” giữa chừng và vẫn đang tạm dừng lại.
Còn khi luyện tập, một bức tranh của mình sẽ được hoàn thành trong 3 buổi học tại lớp học vẽ, mỗi buổi 2 tiếng. Đề tài mình hay lựa chọn là phong cảnh. Quan sát và vẽ lại, chép lại là cách dễ nhất có thể làm, vừa cải thiện kỹ thuật vẽ, vừa luyện mắt quan sát dựng hình tốt hơn. Bên cạnh đó, chủ đề phong cảnh cũng là chủ đề mình thấy phù hợp với tính cách của bản thân nhất, bởi mình yêu thích sự yên bình, tĩnh lặng”, Thiên Anh chia sẻ thêm về việc luyện vẽ.
Mặc dù nhiều người nói rằng họa sĩ là một nghề bấp bênh và có thể sẽ có thu nhập thấp, nhưng Thiên Anh không để tâm. Nữ sinh vẫn vững bước với đam mê của mình vì cho rằng tương lai không thể nói trước.
Con đường chinh phục đam mê ở môi trường quốc tế
Trong 12 trường đã trúng tuyển, Thiên Anh đang cân nhắc một trường có khoa gốm, khoa thủy tinh – những chuyên ngành hấp dẫn bạn trẻ.
Đến thời điểm hiện tại, Thiên Anh đã nhận được thông báo trúng tuyển từ 12 trường đại học tại Mỹ với 10 học bổng giá trị và bạn trẻ vẫn đang chờ kết quả của những trường còn lại đến cuối tháng 3 này.
Danh sách các trường đại học tại Mỹ mà Thiên Anh trúng tuyển và nhận học bổng. (Ảnh: NVCC)
Cụ thể, Thiên Anh đã nhận được nhiều học bổng giá trị của các trường đại học tại Mỹ như học bổng hơn 4 tỷ đồng từ College of Wooster, Lawrence University và Lewis & Clark College. Học bổng hơn 3 tỷ đồng của DePauw University, Knox College và các học bổng giá trị khác từ những trường: University of Illinois Chicago, University of Kansas…
Chia sẻ bí quyết làm hồ sơ đăng ký, nữ sinh 18 tuổi cho rằng điều quan trọng nhất với ngành mỹ thuật đó là portfolio (hồ sơ năng lực: tóm tắt, thể hiện những sản phẩm cá nhân), bên cạnh đó là những hoạt động ngoại khóa.
“Mình thấy với những ngành, những khoa mình đăng ký, portfolio là phần quan trọng nhất, nó sẽ giúp hội đồng tuyển sinh phân biệt và đánh giá được năng lực của từng người. Chất riêng là điều các thí sinh phải thể hiện rõ nét và đặc sắc qua portfolio và bắt buộc phải do bản thân mỗi người trải nghiệm, tự khám phá chính mình.
Mình chỉ làm một bộ portfolio và nộp cho các trường. Vì đã vẽ từ bé nên mình có rất nhiều tranh và cũng đã được thử sức với nhiều chất liệu tạo ra các sản phẩm khác nhau nên mình sưu tầm, chọn lọc rồi liên kết chúng lại thành một chuỗi tác phẩm theo 4 chủ đề trong vòng một tháng. Chủ đề thứ nhất là thiên nhiên, thứ hai là con người, thứ ba là các chất liệu khác không phải giấy như tượng giấy, đất sét, gỗ… Chủ đề cuối cùng là các tác phẩm vẽ trên máy tính.
Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa cũng là một yếu tố quan trọng. Dù là một người có tính cách hướng nội nhưng may mắn, tại trường mình theo học tổ chức rất nhiều hoạt động phù hợp với từng học sinh khác nhau nên mình có thể tham gia. Ví dụ như đi làm dự án ở Mộc Châu, Sơn La ủng hộ cho các em nhỏ ở đó; ngày lễ hội mình được tham gia sáng tạo các sản phẩm để trang trí, trưng bày; tham gia thêm vài cuộc thi vẽ thiết kế khác để học hỏi”, Thiên Anh chia sẻ.
Một vài trang trong portfolio của Thiên Anh.
Đối với nữ sinh lớp 12, điều khó khăn nhất khi đăng ký tuyển sinh tại các trường đại học của Mỹ là việc chọn ngành. Tuy được nhận vào nhiều trường top cao trong thành phố, nhưng Thiên Anh lại không quá mặn mà với những trường về nghệ thuật chỉ có phần vẽ, thiết kế trên máy.
Bạn trẻ chỉ hướng tới những trường có ngành Fine Art – ngành học sâu về vẽ tay, về lịch sử mỹ thuật và Studio Art – ngành học có nhiều chất liệu khác nhau tạo ra sản phẩm hiện hữu như tranh, tượng, gốm, thủy tinh, điêu khắc… trưng bày được trong triển lãm, studio. Đây đều là hai ngành thiên về thực hành sáng tạo thủ công.
Ở tuổi 18, Thiên Anh còn 5 tháng để chuẩn bị và học cách sống tự lập tại một đất nước khác.
“Mình còn 5 tháng để mình học cách sống tự lập hơn và mình tin bản thân có thể học được điều đó. Mình biết rằng bên cạnh mình luôn có gia đình, bạn bè và mọi người giúp đỡ nên cũng không lo lắng quá nhiều. Bình thường mình cũng khá rụt rè và hay ngại nhưng mình đang cố gắng chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất, đôi khi phải thử những điều thật mới mẻ, đặt bản thân vào những hoàn cảnh chưa từng có để trưởng thành hơn”, Thiên Anh chia sẻ.
Trong năm nay, Thiên Anh sẽ cố gắng hoàn thành 3 mục tiêu chính đã đặt ra để cải thiện bản thân đó là hoàn thiện các tác phẩm còn dang dở, học thêm một ngôn ngữ mới và quan trọng nhất là học tập để tốt nghiệp với điểm số tương đối trước khi sang Mỹ.
SSDH (theo Dantri)