Nộp đơn các trường đại học quốc tế ở Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

0

SSDH – Bạn đã lên cấp ba hoặc học lớp 11, 12 và có ý định học tập tại các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam. Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi hồ sơ nộp đơn các trường này cần chuẩn bị những gì nhé.

Xin chào mọi người, mình là Phạm Minh Đức, sinh 2k4 và hiện đang học tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (CNN). Trong kì Early Admission của trường đại học VinUni vừa rồi, mình đã may mắn trúng tuyển chương trình Medical Doctor với mức học bổng khá cao.
Bài viết này nhằm mục đích chia sẻ cho các bạn có ý định chuẩn bị hồ sơ để apply các trường đại học quốc tế ở Việt Nam trong thời gian tới, hay kể cả các bạn đã/đang trong quá trình apply du học nhưng vẫn muốn mở rộng cơ hội cho bản thân mình. Mong rằng thông qua bài viết mọi người sẽ có thể có sự chuẩn bị tốt hơn cho các kì apply sắp tới.
Các trường Đại học Quốc tế tại Việt Nam những năm gần đây thu hút được đông đảo học sinh quan tâm và có mong muốn nộp hồ sơ. Có thể kể đến những cái tên như: ĐH VinUni, ĐH RMIT, BUV hay Swinburne.
Đặc biệt hơn nữa, các trường ĐH Quốc tế tại Việt Nam mỗi năm đều có rất nhiều suất học bổng dành cho các sinh viên xuất sắc. Điển hình như cách thức chiêu mộ nhân tài từ VinUni, nếu bạn có một bộ hồ sơ toàn diện thuyết phục được hội đồng tuyển sinh, cơ hội nhận được học bổng 80 – 100% luôn rộng mở với bạn.
Nếu bạn là người đang chuẩn bị cho quá trình du học của mình, thì bạn có thể thấy việc chuẩn bị để apply cho các trường đại học quốc tế ở VN có rất nhiều điểm tương đồng với việc chuẩn bị hồ sơ du học và bạn hoàn toàn có thể tận dụng những điểm tương đồng đó để có cho mình nhiều phương án hơn trong việc nộp hồ sơ. Tùy từng ngôi trường, tùy từng gói học bổng sẽ có những yêu cầu khác nhau nhưng nhìn chung bạn cần chuẩn bị một vài yếu tố sau (một số yếu tố là không bắt buộc)
  • Điểm GPA
  • Điểm các chứng chỉ IELTS và SAT
  • Giải thưởng (nếu có)
  • Bài luận
  • Hoạt động ngoại khóa
  • Thư giới thiệu.

ĐẠT ĐIỂM GPA CAO

Điểm trung bình (GPA – Grade Point Average) là yêu cầu đầu vào của hầu hết các trường đại học quốc tế khi xét duyệt học bổng. Đại học BUV yêu cầu điểm trung bình năm lớp 12 tối thiểu từ 7,5 trở lên. Đại học RMIT yêu cầu mức điểm GPA lớp 12 từ 9.0 cho các suất học bổng 100% .
Ứng viên có GPA càng cao thì cơ hội cạnh tranh học bổng càng lớn. Đặc biệt, với những học sinh, sinh viên muốn xin học bổng toàn phần, bạn nên đạt GPA tối thiểu là 8.0. Song hãy nhớ rằng GPA không phải là tất cả để bạn có thể nhận học bổng đâu nhé!

CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ TỐT

Với trường ĐH RMIT mỗi loại học bổng đều có tiêu chí riêng tuy nhiên có một tiêu chí chung được áp dụng về điều kiện tiếng anh đầu vào là IELTS học thuật 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0).
Việc có được chứng chỉ ngoại ngữ không chỉ phục vụ cho việc nộp hồ sơ đầu vào mà nó còn là điều kiện tất yếu khi hầu hết các chương trình giảng dạy tại các trường ĐH Quốc tế yêu cầu bạn phải sử dụng tiếng anh nhiều, nơi các bạn có cơ hội học tập trực tiếp với các giáo sư của các trường ĐH hàng đầu thế giới.

TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA

Nếu như ở các trường ĐH công lập, học sinh chỉ được đánh giá qua kết quả học tập thì tại các trường ĐH quốc tế hoạt động ngoại khóa đóng vai trò rất quan trọng. Để có kết quả học tập tốt không quá khó nhưng việc tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng sẽ cho thấy sự quan tâm của bạn tới thế giới xung quanh cũng như những kỹ năng mềm như khả năng làm việc, lãnh đạo nhóm… Đây sẽ là điểm nhấn khác biệt của bạn so với các hồ sơ xin học bổng khác. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng chất lượng hơn số lượng. Các trường học thường coi trọng và chú ý tới vị trí, vai trò, kỹ năng lãnh đạo của học sinh khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. So với việc tham gia cả chục hoạt động với vị trí “attendants” hay “members”, bạn sẽ được đánh giáo cao hơn nếu chỉ tham gia 2 – 3 hoạt động nhưng ở vị trí founder hoặc leader đấy. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn tham gia các hoạt động có liên quan tới ngành học bạn chọn hoặc những dự án mà bạn thực sự đam mê, tâm huyết và sẵn sàng dành nhiều thời gian.

ÔN LUYỆN THÊM BÀI THI SAT HOẶC ACT

Điểm thi SAT hay ACT không phải là yếu tố bắt buộc cần có trong bộ hồ sơ tại các trường ĐH Quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, giữa muôn vàn bộ hồ sơ khác nhau, nếu bạn sở hữu cho mình một trong hai chứng chỉ này bên cạnh IELTS, thì nó sẽ trở thành điểm cộng lớn đối với bạn trong mắt Hội đồng tuyển sinh.

ĐẦU TƯ THỜI GIAN VIẾT BÀI LUẬN

Nếu điểm GPA, các chứng chỉ IELTS/TOEFL, SAT/ACT cho thấy bạn đã học tập chăm chỉ và nỗ lực như thế nào thì bài luận chính là tấm gương phản ánh con người của bạn. Bạn không nên cảm thấy áp lực về bài luận vì đây là một phần trong bộ hồ sơ mà bạn có quyền kiểm soát hoàn toàn về thời gian chuẩn bị, chủ đề, nội dung và cách thức tiếp cận. Mặc dù không có một công thức hoàn hảo nào cho mọi bài essay vào các trường Đại học nhưng có một bí quyết đơn giản: Hãy dành thời gian để phân tích chủ đề, lựa chọn nội dung của riêng bạn và truyền tải đúng thông điệp mong muốn. Đừng cố biến mình thành một ai đó mà hãy làm sao thể hiện được đúng con người mình. Đó là những gì Hội đồng xét duyệt muốn biết.
Trên đây là những cấu phần quan trọng nhất mọi người cần tập trung trong khi chuẩn bị hồ sơ apply các trường đại học quốc tế tại Việt Nam. Với một sự chuẩn bị kĩ càng, mình tin rằng tin vui sẽ đến với các bạn.
Chúc các bạn thành công!
SSDH (tác giả Phạm Minh Đức – group Học giỏi đi trời tây)
Share.

Leave A Reply