SSDH – Học phí ở các trường Đại học quốc tế là rất cao, do đó về mặt tiêu chuẩn, các trường đều cung cấp cho sinh viên rất nhiều sự trợ giúp trong mọi vấn đề từ tài chính, tâm lý, thể chất và học tập. Bài viết này tập trung vào các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập của sinh viên ở các trường Đại học quốc tế. Đây là một bài viết được thực hiện dưới góc nhìn của một cựu du học sinh và giảng viên đại học quốc tế.
Cá nhân người viết bài, trước khi trở thành người thầy – giảng viên, cũng từng là một du học sinh Mỹ và Úc. Mặc dù, kết quả học tập ở Việt Nam của tôi trước khi đi Mỹ là ấn tượng, tôi đã rất chật vật để có thể đạt được điểm cao ở một trường top đầu của Mỹ trong kỳ học đầu tiên (của chương trình thạc sỹ). Nguyên nhân chính không phải do ‘lạ nước, lạ cái’ mà vì tôi chưa chịu tìm hiểu những nguồn lực mà trường cung cấp cho sinh viên. Sang kỳ hai, khi tận dụng những nguồn lực này, mà trong trường hợp của tôi là sử dụng Tutoring (gia sư 1-1), điểm số của tôi đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Khi tôi theo học chương trình Tiến sỹ tại Úc, tôi đã rút kinh nghiệm từ thời thạc sỹ, và tận dụng tối đa những gì trường cung cấp để có thể ‘survive’ và vượt qua chương trình nghiên cứu sinh vô cùng thử thách.
Mặc dù các bạn sinh viên khi nhập học, đã được nghe và giới thiệu về những nguồn lực này ở trường; trên thực tế, chúng ta thường có xu hướng ‘ignore’ hoặc lười tìm hiểu và không biết tận dụng. Đây quả thực là một sự phí phạm và người thiệt thòi chính là chúng ta.
Bài viết dưới đây nhằm mục đích giúp các bạn hiểu rõ hơn và biết cách tận dụng những nguồn lực này để có được điểm số tốt hơn ở trường. Bài viết đặc biệt hữu ích với các bạn du học sinh và các bạn sinh viên đang học tại các trường ĐH tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam như RMIT, BUV và VIN Uni.
1. STUDENT ACADEMIC SUPPORT (SAS)
SAS là chương trình (hoặc phòng ban trong trường) hỗ trợ sinh viên về mặt academic (học tập). Ở các trường quốc tế, SAS có thể đưa ra hai hình thức hỗ trợ phổ biến, workshop (hội thảo) hoặc tutor (gia sư). Các buổi hội thảo ngắn (workshop) sẽ giúp các bạn sinh viên nâng cao một kỹ năng học tập cụ thể, ví dụ: kỹ năng viết, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm nghiên cứu, kỹ năng trích dẫn… Hoặc một số môn khó, như môn tôi đang dạy là môn Luật Kinh Doanh (Business Law), thì bộ phận SAS của trường sẽ tổ chức một số buổi hội thảo chuyên đề cho môn học đó để giúp sinh viên hiểu và làm bài tốt hơn. Các bạn cần đăng ký để có thể tham gia các buổi hội thảo này.
Với cá nhân tôi thì Tutor (sử dụng gia sư 1-1) do trường giới thiệu là cực kỳ hữu ích và có ý nghĩa. Trong thời gian tôi học tại Mỹ, tôi đã được hai bạn gia sư kèm. Điểm đặc biệt là các bạn gia sư này phải là các sinh viên ưu tú xuất sắc (điểm cao) mới có thể đăng ký làm gia sư cho trường. Hai gia sư mà trường chỉ định để hỗ trợ tôi về sau đều là Thủ khoa (Summa Cum Laude). Với tôi thì việc dùng gia sư không chỉ ý nghĩa ở việc bạn được sinh viên khác hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm, mà quan trọng hơn là có thể quen và mở rộng mối quan hệ với những người thực sự giỏi và tốt bụng.
2. TURNITIN & PLAGIARISM
Đạo văn (plagiarism) và Academic Integrity (Liêm chính khoa học) là một vấn đề nghiêm trọng và quan trọng ở môi trường học tập quốc tế. Tuy nhiên, môi trường học tập/nghiên cứu của Việt Nam còn rất dễ dãi và có nhiều vi phạm trên thực tế, khiến sinh viên/học sinh Việt Nam không hiểu, thậm chí coi thường vấn đề này.
Một trong những công cụ để xác định vấn đề đạo văn ở các trường quốc tế là phần mềm Turnitin, giúp xác định tỷ lệ tương đồng ngôn ngữ trong một bài essay hoặc thesis của các bạn (dựa trên cơ sở dữ liệu khổng lồ của phần mềm này bao gồm các trang web, tuyển tập sách, tạp chí và các bài tập đã từng được submit lên hệ thống). Tất nhiên, đây là một phần mềm (cái máy), nên đôi khi không thể hiện chính xác bản chất đạo văn. Các bạn sinh viên cần hiểu về Turnitin khi làm bài tập/thesis ở các trường quốc tế.
Lưu ý: các giảng viên sẽ không chỉ dựa trên tỷ lệ của Turnitin để đưa ra kết luận đạo văn mà còn dựa theo nhiều yếu tố khác, nhưng chắc chắn khi tỷ lệ đạo văn của bạn quá cao, điều này sẽ làm các thầy cô chú ý và phải investigate – điều tra cụ thể trường hợp đó. Nếu bạn dính kết luận Đạo văn, đây là một vi phạm nghiêm trọng và bạn sẽ gặp ‘big trouble’.
3. CITATION SOFTWARE
Trong bài trước khi chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao kỹ năng viết, tôi đã đề cập đến việc sử dụng citation – trích dẫn cho các thông tin và dữ liệu mà các bạn sử dụng trong essay hay thesis.
Một số môn học sẽ có các yêu cầu về referencing style (phong cách viện dẫn) khác nhau, vô cùng phức tạp và mệt mỏi. Các bạn có thể tham gia các buổi training và workshop về referencing style do Library (thư viện) tổ chức. Các trường cũng sẽ cung cấp một số phần mềm hỗ trợ cho việc citation, giúp các bạn viết reference chuẩn xác và nhanh hơn, thay vì phải tự làm (manual), rất mất thời gian và có thể sai. Một trong những phần mềm phổ biến nhất và được cung cấp miễn phí bởi các trường đại học là Endnote. Các cán bộ thư viện (Librarian) thường sẽ có trách nhiệm hỗ trợ và hướng dẫn các bạn download và sử dụng Endnote để tạo các references đúng tiêu chuẩn trong các bài viết của mình.
Lưu ý, ngoài Endnote còn nhiều phần mềm hỗ trợ việc citation khác mà các bạn có thể sử dụng. Endnote chỉ là phần mềm phổ biến nhất, các bạn không bắt buộc phải sử dụng phần mềm này trong việc làm references.
4. EDITING/PROOFREADING SERVICE
Khi làm thesis (luận văn thạc sỹ hoặc luận án tiến sỹ), đối với các sinh viên quốc tế (không phải native speaker – người bản xứ), các trường sẽ có quy định yêu cầu chúng ta cần có native speaker xem và sửa bài (proofreading) để đảm bảo bài viết không phạm những lỗi cơ bản về ngữ pháp, cấu trúc câu, dùng từ và chính tả. Với những editor giỏi và nhiều kinh nghiệm, họ thậm chí có những góp ý khá giá trị về mặt nội dung (content) chứ không đơn thuần chỉ ở khía cạnh hình thức (ngữ pháp & chính tả).
Mỗi trường sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau. Ví dụ, ở trường Griffith (Brisbane, Úc) mà trước đây tôi từng làm nghiên cứu sinh, hội sinh viên cao học của trường cung cấp dịch vụ editing miễn phí. Với các bạn theo học chương trình course-work (tín chỉ) như Master sẽ được miễn phí edit 4000 từ, còn các bạn nghiên cứu sinh được miễn phí edit 8000 từ. Nếu vượt con số này, các bạn sẽ phải trả thêm tiền dịch vụ cho editor.
Tất nhiên con số này là khá khiêm tốn với những người làm thesis. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn được trường giới thiệu những editor uy tín và có kinh nghiệm. Hiện nay, chỉ cần google nhẹ các bạn cũng có thể tìm thấy ti tỉ các dịch vụ editing online. Tôi khuyên các bạn nên cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ online mà mình không biết rõ chất lượng này. Trong mọi trường hợp, các bạn nên liên lạc với các phòng ban hỗ trợ sinh viên hoặc hội sinh viên để họ tư vấn và giới thiệu cho các bạn những editor uy tín đã từng làm việc với nhiều thế hệ sinh viên của trường.
Ở trên là những nguồn lực mà mọi trường đại học quốc tế offer (đưa ra) cho sinh viên của mình. Mong bài viết này giúp các bạn sinh viên đại học và sau đại học hiểu rõ hơn và biết tận dụng những nguồn lực này để cải thiện và nâng cao kết quả học tập (performance) cũng như chất lượng thesis của mình.
SSDH( Tác giả : Victor Tran )