Sinh viên nên lựa chọn chuyên ngành kỹ thuật nào?

0

SSDH- Khi chọn một chuyên ngành mà bạn thực sự quan tâm và hứng thú, quá trình học tập sẽ dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể tiếp tục tham gia nghiên cứu về lĩnh vực đó trong khi theo đuổi sự nghiệp kỹ thuật.

Dưới đây là tóm tắt về các nhánh kỹ thuật khác nhau, giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp nhất.

1. Kỹ thuật hàng không/vũ trụ

Ngành kỹ thuật này liên quan đến việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo, thử nghiệm, khoa học và công nghệ của máy bay. Bạn cũng có thể tìm hiểu về kỹ thuật du hành vũ trụ, bao gồm tàu vũ trụ và các điều kiện sâu của không gian.

Bạn phù hợp với chuyên ngành này nếu:

  • Bạn bị cuốn hút bởi lịch sử phát triển của máy bay, từ những bản phác thảo đầu tiên cho đến sự tiến bộ của máy bay phản lực hiện đại.
  • Bạn quan tâm nhiều đến cơ chế di chuyển bằng máy bay.
  • Bạn quan tâm đến các bản mô phỏng máy tính và hoạt động thực tế của máy bay trong các điều kiện khắc nghiệt.

2. Kỹ thuật hóa học

Loại kỹ thuật này liên quan đến việc sử dụng các phản ứng hóa học và sinh học để sản xuất vật liệu hoặc hợp chất hữu ích. Đây là một môn học đa ngành, kết hợp giữa khoa học tự nhiên (như hóa học, vật lý), thực nghiệm, khoa học đời sống (như sinh học, vi sinh và hóa sinh) cùng với toán học và kinh tế.

Loại kỹ thuật này dành cho bạn nếu:

  • Bạn có một tư duy phân tích.
  • Bạn đang cân nhắc học một môn khoa học tự nhiên hay khoa học đời sống khác.
  • Bạn quan tâm đến quy trình hóa học đằng sau việc sản xuất các vật dụng hàng ngày.

3. Công trình dân dụng

Đây là một hoạt động chuyên nghiệp về thiết kế và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Một số công trình có quy mô lớn như hệ thống giao thông toàn quốc hay mạng lưới cấp nước, hoặc quy mô nhỏ hơn bao gồm con đường đơn lẻ và các tòa nhà.

Loại kỹ thuật này phù hợp với bạn nếu:

  • Bạn quan tâm đến việc thiết kế và xây dựng
  • Bạn quan tâm đến cơ học, thủy lực học, địa kỹ thuật, khoa học vật liệu và phân tích thống kê.
  • Bạn muốn phát triển các kỹ năng thiết kế của mình, đặc biệt là trong thiết kế với sự hỗ trợ của máy tính.

4. Kỹ thuật máy tính

Chuyên môn này liên quan đến thiết kế và tạo mẫu cho phần cứng và phần mềm máy tính. Môn học này sẽ là sự kết hợp giữa kỹ thuật điện với khoa học máy tính.

Loại kỹ thuật này dành cho bạn nếu:

  • Bạn quan tâm đến công việc kỹ sư máy tính hay nhà phát triển phần mềm
  • Bạn quan tâm đến toán học, khoa học, công nghệ và muốn tìm hiểu thêm về cách máy tính hoạt động ở cấp độ vật lý.
  • Bạn muốn sản xuất các sản phẩm và hệ thống mới dựa trên tiến bộ công nghệ

5. Kỹ thuật điện/điện tử

Kỹ thuật điện và điện tử nghiên cứu về các ứng dụng của năng lượng điện. Hai lĩnh vực khác nhau ở chỗ các kỹ sư điện quan tâm đến sản xuất và cung cấp năng lượng điện trên quy mô lớn, trong khi các kỹ sư điện tử lại tập trung vào các mạch điện tử, vật mà thường được sử dụng trong máy tính.

Loại kỹ thuật này dành cho bạn nếu:

  • Bạn quan tâm đến cách hoạt động của các thiết bị và hệ thống điện.
  • Bạn muốn tham gia vào hệ thống cung cấp năng lượng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
  • Bạn hứng thú với cách thiết lập các hệ thống điện và có ý tưởng để cải thiện hệ thống đó.

6. Kỹ sư cơ khí

Một trong những loại hình kỹ thuật lâu đời và rộng lớn nhất. Kỹ thuật cơ khí liên quan đến việc thiết kế, sản xuất và bảo trì các hệ thống cơ khí. Bạn sẽ nghiên cứu về tĩnh và động lực học, nhiệt động lực học, động lực học chất lỏng, phân tích ứng suất, thiết kế cơ khí và bản vẽ kỹ thuật.

Loại kỹ thuật này dành cho bạn nếu:

  • Bạn thích mày mò với các thiết bị cơ khí
  • Bạn quan tâm đến việc thiết kế và sáng tạo trong các lĩnh vực năng lượng bền vững và trí tuệ nhân tạo.
  • Bạn muốn làm việc như một phần của nhóm liên ngành để phát triển và cải tiến công nghệ cơ khí.

7. Quản lý kỹ thuật

Khóa học này kết hợp các kỹ năng kỹ thuật công nghiệp và chuyên môn kinh doanh. Bạn cũng có thể học một trong các ngành kỹ thuật trên để trau dồi chuyên môn quản lý.

Loại kỹ thuật này dành cho bạn nếu:

  • Bạn muốn hiểu cách kỹ thuật được áp dụng trong các loại hình kinh doanh khác nhau
  • Bạn muốn đảm nhận vai trò quản lý, đồng thời áp dụng kiến thức kỹ thuật của mình.
  • Bạn muốn giám sát quá trình phát triển, sản xuất, tiếp thị và phân phối sản phẩm.

Người dịch: Phương Thảo (SSDH)

Share.

Leave A Reply