Học tiếng Anh qua Văn học

0

SSDH – Thường thì bất cứ ai học tiếng Anh đều có xu hướng tránh chỗ khó, tìm chỗ dễ. Cá nhân tôi thì chỉ chọn những bài đọc, nghe nào mà tôi biết gần hết từ và chỉ phải tra một số lượng không đáng kể từ mới. Như vậy thì tôi sẽ không bị cảm giác áp lực và việc học cũng nhờ thế mà trở nên rất thoải mái.

 

Tuy vậy, cũng có hôm tôi thử đổi gió và làm những điều mà trước đây tôi chưa bao giờ làm! Mua một cuốn sách ngoại văn và đọc ngấu nghiến. Tại sao lại không?

 

Nhưng liệu khi chọn phương pháp học này có vấn đề nào phiền toái phát sinh? Hãy cùng tôi phân tích 2 đối tượng sách/ truyện mà bản thân đã từng thử qua.

 

 Học tiếng Anh qua Văn học.

 

1. Bạn chọn một cuốn sách bỏ túi

 

Loại sách này ở các hội chợ sách sinh viên hay có bán, tầm 10 – 20K/ cuốn và nhìn như một cuốn từ điển mini cầm tay, rất vừa vặn để xem trên xe buýt hay tàu xe. Ngoài ra, nó cũng đủ nhỏ để cho vào một ngăn ba lô hay túi xách phụ nữ.

 

Một quyển truyện nhỏ như vậy thường dài khoảng 20 chương, mỗi chương tầm 10 – 1 5 trang. Như cuốn tôi đang đọc thì ngay ở chương 1, giới thiệu về nhân vật trong bối cảnh đi đặt phòng trọ, một trang đã có tầm 10 – 15 từ mới. Từ cách nhân vật chính bước vào khách sạn thế nào, ông chủ tiệm và cậu bé phục vụ nhận xét vị khách mới tới ra làm sao,… Những từ này gần như tôi chưa gặp bao giờ, chúng đan xen giữa từng câu thoại và lời dẫn miêu tả của tác giả.

 

Mỗi trang tôi bỏ ra 20’ tra từ và tôi đánh giá 30% số từ đó khá dễ nhớ còn lại thì hơi vụn vặt hoặc khó học thuộc ngay. Mỗi tối tôi cố 1/ 2 chương và chọn ra độ 3 – 4 trang để học từ (đặc biệt những trang nào làm tôi thấy hấp dẫn, lôi cuốn). Tôi không cần học quá kĩ như phải tra hết tất cả các từ, chỉ cần tạo một bảng từ nho nhỏ, có liên hệ về hình ảnh (tự tôi vẽ ra trong đầu) với những gì tôi đã đọc. Mỗi bảng theo tôi chỉ 6 – 7 từ là được, không cần nhiều quá!

 

2. Bạn chọn một truyện siêu ngắn

 

Có thể là một truyện trong tập Chicken Soup for the Soul hay một truyện dịch trên internet, đã bạn nào từng thử qua chưa nhỉ? Ví dụ như truyện ngắn này chẳng hạn: Truyện “Trái Tim Hoàn Hảo”/ “The Perfect Heart”.

 

Cách này hay hơn cách đầu tiên ở chỗ những tác phẩm bạn chọn thường rất ngắn, có khi đọc 10’ (nếu biết hết từ) là xong, và dễ nhớ, dễ thuộc. Trong quá trình đọc, tôi hay dùng bút nhớ dòng để gạch những cụm từ hay và cố gắng sử dụng chúng trong khi nói/ viết.

 

Với mỗi lần học theo cách 2, tôi có thể kết thúc việc học sau 15’ với tâm lý thoải mái vì khối lượng từ vựng chỉ cần 15’ là học xong. Như thế tôi sẽ không bị áp lực phải kết thúc cả một chương như ở cách 1 (tôi tin là nhiều bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ là phải theo đuổi cả chương truyện đến cùng rồi mới học từ được). 

 

Nói chung, tùy theo sở thích cũng như điều kiện rảnh rỗi của từng người mà chúng ta có thể chọn lựa cho bản thân một phương pháp học tiếng hợp lý hoặc một thể loại sách/ truyện phù hợp thị hiếu cũng như phải tương ứng với lượng thời gian bỏ ra.

 

Vũ Quân (SSDH) – Theo ucan

Share.

Leave A Reply