Tìm hiểu các loại visa du học Mỹ

0

SSDH- Nếu có kế hoạch du học ở Hoa Kỳ, sinh viên phải xin thị thực du học. Dưới đây là hướng dẫn nhanh về ba loại thị thực sinh viên không nhập cư bạn có thể tham khảo.

Visa du học Mỹ loại F

Dành cho sinh viên quốc tế có ý định theo đuổi bằng cấp học thuật tại một trường cao đẳng hoặc đại học được công nhận của Mỹ, hoặc học tiếng Anh tại một trường đại học hoặc học viện Anh ngữ chuyên sâu. Có ba loại thị thực F:

  • Visa F-1 dành cho sinh viên toàn thời gian.
  • Visa F-2 dành cho người phụ thuộc của người có thị thực F-1 (vợ/chồng và con chưa lập gia đình dưới 21 tuổi), bao gồm cả các cặp vợ chồng đồng giới.
  • Visa F-3 dành cho Sinh viên Mexico và Canada cư trú tại nước sở tại, trong khi theo học trường bán thời gian hoặc toàn thời gian ở Hoa Kỳ.

Sinh viên có thị thực F-1 có thể làm việc trong khuôn viên trường tối đa 20 giờ một tuần. Trường hợp muốn làm việc nhiều giờ hơn và ở ngoài trường, học viên phải được Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho phép. Ngoài ra, họ cũng có thể cấp giấy phép làm việc cho Chương trình Đào tạo Thực hành Ngoại khóa (CPT) và Đào tạo Thực hành Tùy chọn (OPT) với tổng số là 12 tháng và không tích lũy quá 90 ngày thất nghiệp.

Visa du học Mỹ loại M

Loại visa này dành cho du học sinh muốn tham gia học tập hoặc đào tạo phi học thuật hoặc dạy nghề tại một cơ sở giáo dục ở quốc gia. Có ba loại thị thực M:

  • Visa M-1 dành cho sinh viên tham gia học nghề hoặc phi học thuật.
  • Visa M-2 dành cho người phụ thuộc của người có thị thực M-1 (như thị thực F-2).
  • Visa M-3 dành cho đối tượng như thị thực F-3 đối với người học nghề hoặc phi học thuật.

Sinh viên M-1 không được phép ở lại đây quá một năm, trừ trường hợp gia hạn vì lý do y tế. Bên cạnh đó, họ không được phép làm việc trong hoặc ngoài khuôn viên trường trong thời gian học và không được thay đổi trạng thái thành F-1.

Visa du học Mỹ loại J

Áp dụng đối với du khách trao đổi quốc tế tham gia các chương trình thúc đẩy giao lưu văn hóa tại Hoa Kỳ. Tất cả người nộp đơn đều phải đáp ứng các tiêu của chương trình và được tài trợ bởi đơn vị tư nhân hoặc chính phủ. Có hai loại thị thực J:

  • Visa J-1 dành cho sinh viên trao đổi
  • Thị thực J-2 dành cho người phụ thuộc của người có thị thực J-1 (như thị thực F-2)

Người nắm giữ thị thực J-1 thường ở lại Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian ngắn, có thể là một hoặc hai học kỳ và phải trở về quê hương sau khi kết thúc chương trình trao đổi

Thị thực phái sinh

Những người có thị thực F-2, M-2 và J-2 được phép học tập tại Hoa Kỳ miễn là họ đáp ứng các tiêu chí của tổ chức mà họ đã chọn và có thể nộp đơn xin thị thực F-1, M-1, J-1 nếu đủ điều kiện. Trong khi thị thực J-2 có thể đăng ký văn bằng toàn thời gian hoặc bán thời gian và dừng chương trình học bất cứ lúc nào, có thể yêu cầu thay đổi tình trạng sinh viên F-1 nếu chưa hoàn thành khóa học, thì người có thị thực F-2 và M không được phép làm việc.

Người dịch: Phương Thảo (SSDH)

Share.

Leave A Reply