SSDH – Đa số người học cho rằng việc học chú trọng về ngữ pháp hiện nay làm người Việt yếu kém trong giao tiếp tiếng Anh, chỉ một tỷ lệ nhỏ cho rằng vẫn cần đầu tư mạnh cho ngữ pháp và kỹ năng đọc, viết.
Kết quả thăm dò với hơn 860 người của VnExpress hôm 7/5 cho thấy có đến 84% độc giả
đang chú trọng vào việc học kỹ năng nghe – nói hơn là đọc – viết.
Nhiều người tỏ ra khá bất bình với cách dạy nặng về ngữ pháp hiện nay. “Biết là nên học giao tiếp nghe nói nhiều hơn tuy nhiên suốt 12 năm đi học tôi vẫn luôn phải cắm cúi học ngữ pháp để vượt qua các kỳ thi khắc nghiệt”, độc giả tên Quỳnh cho biết.
Độc giả Phạm Đình Tuệ phản ánh tình trạng “trong giờ học trên lớp, học sinh chỉ tập trung vào ngữ pháp, từ vựng mà không chú ý cách đọc, phát âm”. Chính vì vậy, học sinh không thể giao tiếp nếu không phát âm chuẩn, từ đó dẫn đến nhút nhát, sợ nói.
“Phát âm chuẩn là chìa khóa để tạo dựng sự tự tin vì khi nói đúng, người nghe chỉ cần chưa đến một giây đã biết bạn nói gì. Dù chỉ hiểu một hai từ, ngay lập tức người ta sẽ đoán được ý của cả câu. Nói nhiều nhưng không chuẩn sẽ làm cho người nghe phải đoán ý và làm chậm cuộc đối thoại”, một người đã sinh sống tại Mỹ 20 năm nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc nói không chuẩn không phải là vấn đề dẫn đến tâm lý sợ nói. “Mình đi du học, từng gặp nhiều người từ nhiều nước khác nhau như Anh, Pháp, Philippines, Trung Quốc. Họ hầu như không phát âm chuẩn nhưng mình vẫn hiểu và giao tiếp được”, một độc giả viết và cho rằng chính việc giao tiếp quá ít đã dẫn tới tâm lý nhút nhát, không có phản xạ cần thiết để hiểu và trả lời.
“Đa số học sinh Việt Nam đều đọc và nghe tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt rồi mới hiểu. Điều này khiến cho thời gian xử lý ‘dữ liệu’ khá lâu. Phải cho học sinh tiếp xúc với tiếng Anh thật nhiều, qua nhiều phương tiện như sách báo, âm nhạc hay thậm chí truyện, game, để học sinh hiểu ngay tiếng Anh mà không cần dịch ra tiếng Việt thì mới thành thạo ngôn ngữ được”, độc giả này viết.
Tuy chỉ có 16% độc giả được thăm dò muốn chú trọng vào đọc – viết, các ý kiến cho rằng không thể coi nhẹ ngữ pháp vẫn nhận được nhiều sự đồng tình. “Nên nhớ rằng ngữ pháp là cách nói, là chìa khóa để thông hiểu ngoại ngữ, hiểu ngữ pháp sẽ biết cách diễn đạt ý nghĩ của mình dù nói hay viết. Không hiểu rõ ngữ pháp sẽ không thể làm tốt được việc đó”, độc giả Van Minh Cao nhận định. “Học ngoại ngữ mà không chú trọng ngữ pháp thì không khác gì xây nhà mà không có bản vẽ, đi đường mà không có bản đồ”.
Minh Trang, 25 tuổi, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, cho biết cô thích học các kỹ năng nghe nói hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng đọc viết mang tính học thuật và cần tính chính xác cao, nên vẫn cần chú trọng vào mảng này. “Sai ngữ pháp khi nói thì có thể bỏ qua, nhưng khi soạn văn bản phục vụ cho công việc mà mắc lỗi thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín”, cô nói. Độc giả Hòa Bình cũng chia sẻ về chuyến nghiên cứu ở Bỉ của mình. Anh phải tự viết đơn thư vì người bạn bản địa tuy nói tốt tiếng Anh nhưng viết lại khá yếu.
Về lý thuyết, bốn kỹ năng đều hỗ trợ tốt trong việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên để giỏi cả bốn cần một quá trình dài và dần dần. “Văn phạm ngữ pháp tới đâu thì đặt câu và tập nói thật chuẩn tới đó. Đây là cách mà các bạn phát triển, triển khai cấu trúc câu và cách nói đã học được, để có thể diễn đạt nhiều hơn”, độc giả sống tại Mỹ viết.
Nguồn: Vnexpress