Chàng nghiên cứu sinh Việt với giải thưởng quốc tế Atlas

0

SSDH – Lê Quang Tuấn – nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Chung Ang, Seoul, Hàn Quốc vừa được Nhà xuất bản danh tiếng Elsevier (Hà Lan) chọn trao giải thưởng Atlas với công trình nghiên cứu “Hệ thống mạng xã hội chia sẻ kiến thức về y tế và an toàn xây dựng”.

 Lê%20Quang%20Tuấn.jpg

Đại diện Nhà xuất bản Elsevier trao Cúp Atlas cho Lê Quang Tuấn. Ảnh: NVCC

 

Công trình của Lê Quang Tuấn là một trong ba nghiên cứu xuất sắc nhất được chọn trao giải trong số hàng nghìn công trình của các nhà khoa học toàn cầu công bố trên hơn 1.800 tạp chí thuộc hệ thống xuất bản của Elsevier.

 

Quang Tuấn chia sẻ: “Mỗi ngày trên thế giới có hàng nghìn người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ), điều đó không chỉ để lại đau thương cho gia đình họ và để lại tổn thất rất lớn về nhiều mặt cho xã hội”. Là một người nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, anh trăn trở về phương pháp giảm thiểu tối đa tai nạn công trường cho công nhân lao động.

 

Năm 2011, khi mạng xã hội đang trong thời kỳ bùng nổ, các khảo sát chỉ ra rằng công nhân xây dựng sử dụng nhiều thời gian nghỉ ngơi để vào mạng xã hội, vậy tại sao không tạo ra một mạng xã hội riêng cho ngành xây dựng? Ấp ủ và hoàn thiện bản “phác thảo” của ý tưởng này, Tuấn đã thuyết phục và xin được nguồn tài trợ từ dự án ứng dụng công nghệ thông tin mới vào lĩnh vực xây dựng của Chính phủ Hàn Quốc. Anh bắt tay vào nghiên cứu Hệ thống mạng chia sẻ kiến thức về y tế và an toàn xây dựng cùng đồng tác giả Lee Do Yeop – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Kiến trúc, Đại học Chung Ang, với sự giúp đỡ của Giáo sư Park Chan Sik (Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Chung Ang).

 

Theo Lê Quang Tuấn, vấn đề bảo hộ và ATLĐ được nhiều tổ chức quan tâm, thực tế là tai nạn công trường có xu hướng thuyên giảm do công nhân được huấn luyện kỹ năng đảm bảo an toàn trên công trường.

 

Tuy nhiên, các phương thức đào tạo trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng và ứng dụng của kiến thức ATLĐ, trong khi công nhân lại thiếu động lực để tìm hiểu những thông tin này một cách hệ thống và quan trọng nhất là không dễ tìm thấy thông tin đúng lúc.

 

Hệ thống mạng xã hội chia sẻ kiến thức về y tế và an toàn xây dựng khắc phục những hạn chế này bằng cách thiết lập mạng lưới để người trong cuộc chia sẻ thông tin bất kỳ lúc nào. Sử dụng công nghệ “trí thông minh nhân tạo”, mạng xã hội này có tính sàng lọc thông tin và hướng đối tượng để mỗi cá nhân tham gia được chia sẻ và tiếp cận thông tin đúng lúc và kịp thời.

 

Quang Tuấn cho biết: “Nghiên cứu này đã được thử nghiệm trên một công trường. Chúng tôi đang đề nghị các tập đoàn ứng dụng nghiên cứu này trên công trường của họ. .

 

Nói về khả năng ứng dụng nghiên cứu này tại quê hương, anh cho hay: “Ở Hàn Quốc, phần lớn công nhân công trường xây dựng đều sử dụng smartphone. Nhưng ở VN thì đời sống công nhân còn thấp và điều này có thể chưa phổ biến lắm. Tôi tin trong tương lai gần thì nghiên cứu có thể ứng dụng tại Việt Nam, giá smartphone trên thị trường hiện nay không còn quá đắt”.

 

Nguồn: Báo Lao Động

Share.

Leave A Reply