SSDH – Bảo Uyên thông thạo tiếng Anh và Nga, vừa trúng tuyển vào Đại học Minerva – ngôi trường có tỷ lệ nhận học chỉ 1,9%.
Nguyễn Hoàng Bảo Uyên (18 tuổi), cựu học sinh tài năng THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ trở thành tân sinh viên Đại học Minerva vào tháng 9 tới. Với mô hình giáo dục luân chuyển qua nhiều thành phố, trường có tỷ lệ nhận vào thấp gần như nhất nước Mỹ, chỉ 1,9%. Bảo Uyên thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga, từng là thủ khoa xuất sắc tiếng Nga vào lớp 10 của trường Ams.
Tháng 9, Bảo Uyên sẽ trở thành sinh viên Đại học Minerva – ngôi trường có tỷ lệ nhận học
thấp gần như nhất nước Mỹ. Ảnh: NVCC.
Uyên chọn Minerva để học ngành Quy hoạch đô thị trong bốn năm bởi giáo viên đến từ các đại học nổi tiếng như Harvard, MIT, chương trình dự bị được yêu cầu chuẩn bị trong mùa hè để sinh viên năm nhất tối đa hóa thời gian học tập. Ngoài ra, mỗi lớp học chỉ có 19 sinh viên, thầy cô không được giảng bài quá 5 phút. Sinh viên đều được thu hình để thầy cô góp ý và theo dõi sau từng buổi học.
Theo Uyên, điều kiện tài chính của trường cũng “siêu tốt”, áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính như Đại học Harvard, tức là không quan tâm đến giàu – nghèo mà chỉ chú ý khả năng của sinh viên. Loại học bổng mà Bảo Uyên nhận được là need blind, hỗ trợ cho khoản gia đình Uyên không đóng được. Rất ít đại học của Mỹ áp dụng học bổng này với du học sinh, mục đích để thu hút những sinh viên ưu tú trên toàn thế giới về nhập học.
Cô cho biết, trường cũng không có các khoản phí như phòng thể chất, thư viện… Sinh viên dùng hệ thống thư viện điện tử của Claremont – cũng là hệ thống thư viện đại học rất lớn. Các em chỉ đóng học phí, phí ở dorm (phòng ở tập thể) tổng cộng là 20.000 USD mỗi năm. Cộng với phí ăn ở thì không quá 30.000 USD hàng năm cho mỗi sinh viên.
Năm 2013, Uyên cùng hai người bạn đến từ Hà Lan và Pakistan giành giải nhất cuộc thi tranh biện quốc tế. Ảnh: NVCC.
Uyên chuẩn bị khá kỹ, hồ sơ du học làm qua mạng gồm thông tin về bảng điểm, hoạt động ngoại khóa của bản thân như những trường khác. Trường không yêu cầu điểm SAT mà kiểm tra trình độ tiếng Anh. Đại học này gửi phần mềm để ghi hình các ứng viên trong lúc trả lời câu hỏi, kéo dài khoảng một tiếng. Ngoài ra, Uyên phải trải qua bài kiểm tra tư duy toán học và tư duy trừu tượng, như tìm quy luật của các hình vẽ, nêu quan điểm bằng một đoạn văn ngắn.
Với cách làm này, học sinh không có sự chuẩn bị trước và cũng không mua sách để luyện trước được. Do vậy, hồ sơ Minerva rất minh bạch, người học không thể làm giả và không nhờ người khác làm thay được. Đối với các hoạt động ngoại khóa, Uyên cũng phải dẫn bằng chứng đầy đủ chứ không nói chỉ nói suông. Bảo Uyên nhận thấy những học sinh được nhận vào Minerva có điểm chung: tôn trọng sự khác biệt của các văn hoá cũng như quan niệm và thích bày tỏ ý tưởng mới.
“Bọn em được tự do lập các kế hoạch, dự án để tối ưu hoá việc học và cùng sống, cùng di chuyển. Trang Facebook group của trường luôn đầy thông tin các bạn chia sẻ về những ý tưởng cho năm sau về hệ thống hỗ trợ việc sống và học tập của bọn em tại San Francisco. Cộng đồng sinh viên Minerva không nhiều nhưng lúc nào cũng mang lại cảm giác sôi nổi và tích cực”, Uyên chia sẻ.
Vào Minerva, Uyên sẽ học năm đầu ở San Francisco, sau đó cùng các sinh viên khác học tập, sinh sống và hoạt động ngoại khóa tại 7 thành phố thuộc 7 nước trước khi kết thúc chương trình học. Đó là Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina), Seoul (Hàn Quốc), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Bangalore (Ấn Độ) và London (Anh).
“Lúc đó thì vô số cơ hội mở ra, đặc biệt là tìm hiểu con người, thị trường, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của thành phố mình học”, Uyên nhận định và cho rằng, kể cả khi trường “không đi đâu” thì San Francisco cũng là thành phố tập trung mọi cơ hội. Một trong những thế mạnh của trường là kết nối với các doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên thực tập trong các tập đoàn chuyên nghiệp.
Từ khi còn học THPT, Bảo Uyên đã có niềm đam mê tranh biện. Năm 2013, Uyên cùng hai thành viên đến từ Hà Lan và Pakistan từng giành giải nhất cuộc thi tranh biện Quốc tế tại Ireland. “Cả hai đều rất giỏi, bọn em cùng vượt qua các vòng đấu để giành chức vô địch. Nếu không có 2 bạn ấy thì em không bao giờ học hỏi được nhiều và yêu tranh biện đến thế”, Uyên chia sẻ và cho rằng tranh biện là tư duy phản biện được dùng nhiều và cần thiết trong đời sống hàng ngày. Các nước phát triển rất coi trọng kỹ năng này, như ở Mỹ trước mỗi cuộc bầu cử tổng thống luôn có các cuộc tranh biện (presidential debate).
Nữ sinh tài năng này còn có một chị gái sinh đôi tên Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc. Cặp song sinh nổi tiếng vì học giỏi và siêu ngoại ngữ. Khi Bảo Uyên “gặt hái” thành tích tại chuyên Hà Nội – Amsterdam thì Bảo Ngọc cũng là gương mặt nổi bật tại trường Chuyên Sư phạm. Uyên tự nhận hai chị em có cá tính trái ngược nhau, cô sôi nổi trong khi Bảo Ngọc trầm tĩnh hơn. “Chị ấy chọn du học ở Nhật, có tính cách trầm và vẽ rất đẹp”, Uyên cho biết.
Nguồn: Vnexpress