SSDH – Có hai luồng ý kiến phản hồi sôi nổi cho bài viết “Chê mẹ quê, con du học về nước ra khách sạn ngủ”. Luồng thứ nhất đứng về phía người mẹ, chia sẻ nỗi buồn, thậm chí nặng lời với người con là “có tài thiếu đức”. Luồng khác lại cho đó không phải là một cuộc đầu tư thất bại bởi tuổi trẻ rất dễ thích nghi môi trường mới và “chuyện đó cũng bình thường thôi”.
Chia sẻ với người mẹ
Độc giả tên Phương chia sẻ: “Đọc bài viết cháu thật sự thương cho hoàn cảnh của cô. Cô đã hy sinh tất cả vì con. Vậy mà….Cháu không biết con gái cô đi du học gì ở bên đó mà trở thành một con người như vậy?”.
Ảnh minh họa
Biệt danh Tư ếch thì nói, dù không ở hoàn cảnh như vậy nhưng vẫn cứ nghe nhói đau trong lòng:
“Chị đã hy sinh cả đời để gieo hạt, trồng cây, giờ cây xanh tốt, quả chín mọng – nhưng là trên mảnh đất khác chứ không phải là trên mảnh đất quê hương. Chính vì vậy mà người hái quả là …người khác chứ không phải là chị. Việc cho con đi học không hề xấu, nhưng bây giờ nó đã thành một phong trào, thậm chí là một trào lưu để ganh đua, khoe mẽ với nhau”.
Đọc bài viết, bạn đọc Thái Nguyên an ủi: “Tôi nghĩ là chị đừng quá nặng lòng vì những gì con gái chị đã nói. “Đất lành chim đậu” chị ạ. Nếu cháu cảm thấy ở lại bên đó là cơ hội để sống tốt hơn thì cứ để cháu sống và làm việc một thời gian. Người ta bảo cho con đi du học có thể mất con, nhưng tôi nghĩ là mất hay không là tùy thuộc vào quan điểm của mình. Nếu con gái chị có một công việc ổn định, thu nhập tốt thì chị nên “rộng lòng” để con mình ổn định cuộc sống. Nhiều khi, vì sự hy sinh nhọc nhằn của chị mà cháu muốn có một sự lựa chọn khác hơn. Đừng lý tưởng hóa vấn đề học xong phục vụ ai, quan trọng là làm sao con của chúng ta sống tốt.”
Độc giả Nguyễn Văn Trung động viên, nỗi buồn nặng trĩu rồi sẽ qua. Chị hãy làm cho con bé thấy mình đang ở đâu trên thế giới này và vì ai mà có sự sung túc cá nhân bản thân. Chị hãy làm mọi điều để cho con bé hiểu ra.
“Đọc mà thấy thương cho bác và chính con gái của bác nữa” – độc giả Trần Minh Tỷ viết. Không hiểu ăn học để làm gì? Sống ở Việt Nam, học hết phổ thông mà không lẽ không có ai dạy cho con bác hiểu lối sống hiện đại sẽ có lúc cảm thấy cô đơn. Sống thế nào để người ta kính trọng mới là lối sống của con người. Mong một ngày nào đó cô con gái của bác hiểu được đều này….
Giữ con ở nhà hay cho du học?
“Tôi có một ước mơ, có thể nói là một ước mơ lớn trong đời. Có thể cho con đi du học. Tôi từng nghĩ nếu sau này con học khá, tôi sẽ bán nhà cho con đi du học. Nhưng tôi cũng sợ, sau khi học xong không biết nó có còn là con mình không? Tôi chưa bao giờ nghĩ hoặc mong con cái sẽ báo đáp lại mình cái gì, nhưng luôn mong con mình có một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, thực hiện được những điều mình mơ ước nhưng không làm được; được đi khắp nơi trên thế giới, được gặp gỡ nhiều người hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau… Nhưng tôi cũng mong được con cái tin tưởng, tôn trọng, quan tâm dù nó có thành đạt đến đâu. Có mâu thuẫn không và làm sao làm được điều đó?” – bạn đọc Nguyễn Thị Phương Thảo đầy mâu thuẫn khi đọc xong bài viết.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hoa cho rằng, cái thời tôi và chị đã qua rồi, bây giờ con chị chưa có gia đình mà chị đã thấy nó rời xa tầm tay rồi. Tôi cũng giống như chị, có đứa con gái duy nhất, chồng tôi cũng bệnh và qua đời khi cháu mới 2 tuổi. Tôi là giáo viên đã về hưu. Ngày con tốt nghiệp ĐH tôi đã mừng hết sức rồi ngày con lập gia đình tôi cũng đã mãn nguyện. Nhưng tôi bất hạnh hơn mọi người khi con lấy chồng tôi không có ngày “lại mặt” theo tục lệ, vì nó có 1001 lý do như con chị. Ước mơ của tôi khi về già sẽ được vào nhà hưu sống để trọn vẹn ý nghĩa “nước mắt chảy xuống”….
Thuộc số ít ý kiến cho rằng quyết định cho con du học không phải là một cuộc đầu tư thất bại như người mẹ nghĩ, độc giả Hoàng nhận thấy người con trong bài viết “không còn nhỏ”.
Theo anh, tuổi trẻ rất dễ thích nghi môi trường mới, nhất là những nơi có cuộc sống tốt. Chẳng qua, người mẹ chưa hiểu tâm lý thay đổi của con trong thời gian du học.
“Người bạn tôi có đứa con gái rát hiền lành, cháu du học Mỹ. Thời gian đầu, cháu nói học xong cháu về Việt Nam sống và làm việc. Nhưng khi học xong, cháu không chịu về, ở luôn bên ấy và lấy chồng Mỹ luôn. Thấy cháu sống tốt, vợ chồng bạn tôi rất vui mừng và tán thành quyết định của cháu’ – anh chia sẻ.
“Chị phải hiểu rằng, cháu không còn nhỏ dại như ngày xưa nữa. Các cháu thông minh, biết chọn lọc và đón nhận những điều hay, điều tốt. Cái cốt lõi của vấn đề là cháu vẫn yêu chị, quý chị muốn đón chị qua ở cùng. Cháu về ở khách sạn là vì cháu có bạn nữa, chị nên thông cảm. Biết đâu sau này, chị mới thấy con mình quyết định đúng’ – độc giả Hoàng động viên.
Nhìn một cách thông thoáng hơn, độc giả Phan Anh Tuấn bình luận:
“Các bậc cha mẹ luôn muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái, nhưng với chúng liệu đó có phải là điều tốt đẹp nhất? Người Việt Nam chúng ta nói riêng và người phương Đông nói chung thường mong muốn trải thảm sung sướng nhàn hạ trên đường đời của con cái, nhưng chúng ta liệu có làm được điều đó mãi cho chúng, riêng về vấn đề này xin hãy học hỏi phương Tây”.
Nguyễn Hiền (tổng hợp)