SSDH – Tin truyền thông mới đây cho biết, hơn 60 bạn trẻ, đa số là sinh viên từng tham gia chương trình “Trao đổi văn hóa tại Mỹ” trong năm 2011 đã tập trung tại văn phòng Công ty TNHH một thành viên du lịch N. (TP.HCM) để đòi lại số tiền 300 USD/người, theo hợp đồng ghi là tiền thưởng cho sinh viên khi hoàn tất chương trình.
Ảnh minh họa – Internet
Đây là chương trình do công ty trên tổ chức, đưa khoảng 100 sinh viên năm cuối sang Mỹ lưu trú và làm việc ngắn hạn (2-6 tháng) với mức phí 1.435 USD, chưa kể phí vé máy bay và nhà ở. Theo hợp đồng N đã ký với sinh viên, khi hoàn tất hợp đồng, sinh viên về Việt Nam được nhận 300 USD. Tuy nhiên sau đó công ty khất hẹn nhiều lần, hẹn sẽ thanh toán tiền vào ngày 15-2 tại khách sạn Liberty Central (Q.1, TP.HCM). Song suốt ngày 15-2, việc thanh toán không được thực hiện. Ngoài số tiền trên, các sinh viên còn trưng ra hóa đơn yêu cầu phía Công ty N thanh toán thêm 200USD tiền đặt cọc phí nhà ở đã đóng trước khi đi Mỹ nhưng cũng bị công ty từ chối, mặc dù sinh viên tham gia chương trình đã tự thanh toán tại Mỹ.
Hiện nay có khá nhiều tổ chức tham gia các chương trình trao đổi văn hóa dưới nhiều cái tên. Một đặc điểm chung của các tổ chức này là phi lợi nhuận và được Bộ Ngoại giao của nước trao đổi công nhận và cho phép hoạt động. Nói chung, tính chất của các chương trình trao đổi văn hóa hoàn toàn đúng đắn, đó là tăng cường trao đổi văn hóa và hiểu biết giữa các nước với nhau. Nhưng có một thực tế khác là nhiều du học sinh VN đi theo diện này lại xem đây là một “bước đệm” để xin vào đại học ở nước ngoài, học ngôn ngữ hoặc… làm thêm ngắn hạn. Chính vì thế một số đơn vị kinh doanh liên kết với các tổ chức này ra sức tung hô rằng sau khi học xong “trao đổi văn hóa” có thể nộp đơn xin học bổng tiếp hay tạo cơ hội việc làm và rất nhiều quyền lợi khác. Các đơn vị dịch vụ nhận tiền hoa hồng dựa vào số lượng học sinh văn hóa được gửi đi, vì vậy không ngạc nhiên khi những nơi này dùng mọi chiêu thức để dụ học sinh Việt Nam tham gia chương trình này. Đã có nhiều vụ rắc rối diễn ra xung quanh hình thức trao đổi văn hóa, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Những câu chuyện cười ra nước mắt như có du học sinh tham gia chương trình bị đẩy đến ở vùng sâu, xa, điều kiện ăn ở còn thua xa Việt Nam, hoặc cho ở cả với những gia đình di cư. Có phụ huynh vay mượn 200 triệu cho con đi chương trình trao đổi văn hóa tranh thủ làm việc thêm 4 tháng, với hi vọng 4 tháng sau về… thu lại cao hơn, kết cục… lỗ. Có một thực tế rằng khi ra nước ngoài, con em họ chỉ được làm những công việc tay chân lương thấp, không ăn nhập gì với ngành nghề được đào tạo. Lại có trường hợp gặp phải đối tác không sòng phẳng, mà trường hợp kiện đòi tiền ở công ty N của 60 sinh viên là một ví dụ.
Dĩ nhiên, giải quyết vấn đề này sẽ như thế nào, còn tùy thuộc vào nội tình giao kết của các đơn vị tổ chức và sinh viên cũng như các quy định về pháp luật. Tuy nhiên, khi khái niệm “trao đổi văn hóa” bị một số đơn vị kinh doanh biến tướng dưới hình thức du học, du lịch hay xuất khẩu lao động ngắn hạn để “kiếm cơm” thì vấn đề lại khác. Quản lí các hình thức trao đổi văn hóa này như thế nào cho đúng ý nghĩa của nó và tránh bị lợi dụng kinh doanh, tránh những thiệt thòi không đáng có cho người tham gia là chuyện cần phải làm ngay.
Nhật Hà