Du học sinh Việt và những dự định hè nóng bỏng

0

SSDH – Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi là những ngày hè sôi động sẽ đến. Hầu hết các du học sinh đều đã có kế hoạch cho riêng mình.

 

Đây ắt hẳn là thời gian vô cùng ý nghĩa và đáng mong đợi nhất của tất cả du học sinh. Mỗi bạn đã và đang tự vạch ra cho mình kế hoạch riêng: một số bạn đang dành dụm tiền để về nước còn số khác thì ở lại làm thêm kết hợp học thêm, hay hoàn thành nốt công việc còn dang dở; và cũng không ít bạn ở lại để đi du lịch, khám phá những vùng miền mới.

 

Nghỉ hè – ngày trở về 

 

Du-hoc-sinh-Viet-va-nhung-du-dinh-he-nong-bong

Bạn Nguyễn Ngọc Trang (DHS Séc)

 

Nhớ nhà, nhớ bạn bè có lẽ là cảm giác không còn xa lạ đối với những du học sinh nơi “đất khách quê người”. Bởi vậy, rất nhiều bạn dự định sẽ dành trọn cả hè này để về đoàn tụ với gia đình.

 

Bạn Nguyễn Ngọc Trang (DHS Séc), sinh viên năm nhất ngành môi trường tâm sự: “Tuy đây là hè thứ hai mình về Việt Nam nhưng vẫn còn nguyên cảm giác háo hức, hồi hộp như lần đầu vậy. Hè này mình sẽ cố gắng về thật sớm để được ở bên gia đình nhiều hơn. Bố mẹ mong mình về từng ngày. Dạo này còn hay gọi điện hỏi thăm mình đã mua vé chưa, bao giờ về. Chỉ nghĩ thôi đã thấy vui rồi”.

 

Cùng tâm trạng với Trang, cô bạn ngành truyền thông (DHS Nga), Lan Ngọc cũng chia sẻ: “Sống một mình xa gia đình ở đất nước quanh năm tuyết phủ trắng xóa nên mình rất nhớ bố mẹ, nhớ Hà Nội thân thương, nhớ cái nắng hè rực rỡ ở quê nhà. 

 

Du-hoc-sinh-Viet-va-nhung-du-dinh-he-nong-bong2

Lan Ngọc, du học sinh ngành truyền thông tại Nga

 

Hè này bên cạnh việc đi thực tập, mình sẽ giành hết thời gian cho gia đình và bạn bè để tận hưởng không khí hè mà bao lâu nay xa nhớ. Chỉ mong sao hai tháng này trôi chậm lại để có thể cảm nhận “hương mùa hè” được nhiều nhất”.

 

Vẫn biết Tết là ngày sum họp, đoàn tụ, nhưng bởi ngày lễ cổ truyền dân tộc thường trùng với lịch thi học kì của những người con xa quê hương, nên đối với những sinh viên như Trang, Ngọc thì ngày hè trở về quả thực là thời gian hạnh phúc và ý nghĩa nhất trong năm.

 

Sau những tháng ngày học hành vất vả, căng thẳng bên xứ người, còn gì vui hơn khi được trở về bên vòng tay yêu thương vô bờ bến của bố mẹ và tụ tập với bạn bè sau bao ngày xa cách.

 

Xuôi ngược tìm cơ hội làm thêm

 

Với hai tháng hè ngắn ngủi, một số bạn dự định sẽ tận dụng triệt để và hiệu quả kì nghỉ này cho việc làm thêm. Những công việc làm thêm quen thuộc của du học sinh hầu hết thường là gia sư, bồi bàn, làm thuê cho các nhà máy, công ty, siêu thị, cửa hàng hoặc bán mỹ phẩm, hái hoa quả,…

  

Du-hoc-sinh-Viet-va-nhung-du-dinh-he-nong-bong3

Trần Thu Hằng (DHS Thụy Sĩ) tươi cười cho biết: “Đặc thù ngành học của mình là năm tháng học lý thuyết, bốn tháng thực tập có lương.

 

Chàng trai kĩ thuật năm nhất Nguyễn Quang Chức (DHS Pháp) bộc bạch: “Tuy mình có học bổng của nhà nước, nhưng cũng chỉ đủ chi phí cho tiền nhà cửa, ăn uống. Còn nếu muốn tiêu xài thoải mái thì làm thêm chính là giải pháp tốt nhất. Nhớ nhà thì nhớ nhà thật, nhưng hè này mình quyết tâm ở lại đi làm để không phải xin thêm tiền bố mẹ. Vài ngày nữa mình sẽ đi nộp hồ sơ mấy chỗ xem sao”.

 

Chức cũng cho biết thêm: “Tuy chưa thực sự đến nghỉ hè, nhưng các anh chị sinh viên chỗ tớ đang hối hả ngược xuôi đi tìm cho mình công việc phù hợp, một mặt để “giữ chỗ” trước cho hai tháng hè cao điểm, mặt khác không để chuyện giấy tờ, hồ sơ làm thêm ảnh hưởng đến chuyện học tập, thi cử”.

 

Còn cô sinh viên xinh xắn ngành quản lý khách sạn Trần Thu Hằng (DHS Thụy Sĩ) tươi cười cho biết: “Đặc thù ngành học của mình là năm tháng học lý thuyết, bốn tháng thực tập có lương.

 

Trong năm học, sau khi đi thực tập về mình phải nghiên cứu số liệu điều tra, viết báo cáo. Còn hè, thời gian xông xênh hơn, có thể xin vào làm cho nhiều khách sạn hay nhà hàng. Sáng làm nhân viên nhà hàng này, tối làm tiếp tân cho khách sạn khác.

 

Tuy có vất vả, nhưng tớ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, học được cách đối nhân xử thế, hơn nữa, hiểu rõ thêm về văn hóa, con người nơi đây và mở rộng mối quan hệ không chỉ bạn bè trong nước mà còn bạn bè quốc tế. Nói thật, niềm vui trong công việc dường như xóa tan mọi mệt mỏi, cực nhọc”.

 

Mục đích làm thêm hè là có thêm thu nhập để tiết kiệm hoặc để thỏa mãn thú vui du lịch, mua sắm mà không phải xin tiền gia đình. Tuy nhiên, quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để du học sinh nâng cao trình ngoại ngữ, kĩ năng mềm, tích lũy thêm vốn sống, kinh nghiệm để làm hành trang vững chắc bước vào đời. Đồng thời, điều này giúp các bạn hiểu rõ giá trị đích thực của sức lao động và giá trị đồng tiền do chính mình làm ra.

 

Du lịch bụi: Hè là dịp “trời cho”

 

Tất nhiên, du lịch cũng không nằm ngoài dự định của một số bạn. Theo quan điểm của các bạn, du học cũng là cơ hội được biết đây biết đó. Đặc biệt, đối với những ai đang học ở các nước nằm trong khu vực được miễn thị thực thì quả là dịp “trời cho”. 

 

Du-hoc-sinh-Viet-va-nhung-du-dinh-he-nong-bong4

Thu Hằng cũng đã tự “thưởng” cho mình tour Đức – Séc

 

Hè năm ngoái, cô bạn yêu thích du lịch Thu Hằng cũng đã tự “thưởng” cho mình tour Đức – Séc sau những ngày làm thêm vất vả. Hằng bật mí: “Nhất định trong mùa hè gần nhất mình sẽ đi Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan”.

 

“Hè này, trước hết, tớ sẽ đi thăm quan một số thành phố nổi tiếng ở xứ sở bạch dương. Cũng bởi từ nhỏ tớ đã đam mê khám phá những bí ẩn của nền văn minh cổ đại nên có lẽ sau Nga, điểm dừng chân tiếp theo sẽ là Ai Cập và Hy Lạp.

 

Nhưng chắc sau những chuyến đi này tớ phải đi “cày” để “trả nợ” cho niềm đam mê du lịch của mình thôi” – Bá Khương, sinh viên năm nhất Đại học tổng hợp Ulyanovsk, Liên Bang Nga hài hước nói.

 

Đi du lịch dù có tốn kém một chút nhưng bù lại, các bạn được mở rộng tri thức về văn hóa, con người ở từng đất nước, mảnh đất mà mình đặt chân đến. Hơn nữa, đây không chỉ là cách tăng cường sức khỏe hiệu quả mà còn tạo nên kỉ niệm đẹp, đáng nhớ đối với bản thân mỗi người.

 

Theo cảm nhận của hầu hết các bạn trẻ, sau mỗi chuyến đi, họ như được “lột xác” bởi sức khỏe, tinh thần được nâng cao mà tri thức và sự hiểu biết cũng được nâng tầm.

 

Linh Hà (Du học sinh Nga)

Share.

Leave A Reply