SSDH – Là một trong số những đại biểu thanh niên ở nước ngoài về Hà Nội dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, anh Đặng Tất Dũng – Chủ tịch Hội SVVN tại Leeds (Anh) đã trả lời báo giới những câu hỏi về cuộc sống và hoạt động của sinh viên Việt nam tại đây.
Anh Đặng Tất Dũng, Chủ tịch Hội SVVN tại Leeds (Vương quốc Anh)
Xin anh cho biết đôi nét về cuộc sống của du học sinh VN nói riêng và cộng đồng người Việt tại Leeds nói chung?
Leeds là thành phố không đông người Việt, nhưng nếp sống của người Việt tại đây đã hoà nhập và được duy trì lâu năm cùng với cộng đồng bản xứ. Vì thế, các sinh viên trong nước mới sang đây đều nhận được sự giúp đỡ hết sức tích cực của du học sinh người Việt tại chỗ và kiều bào theo truyền thống. Vương quốc Anh là đất nước khá ổn định về chính trị, xã hội cũng như có chính sách phúc lợi tốt, nên đời sống của người Việt khá dễ chịu.
Mặt khác, Leeds là thành phố có nhiều trường đại học tốt của nước Anh, nên có điều kiện học tập rất tốt. Cuộc sống ổn định lâu dài của kiều bào tại đây khiến du học sinh có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với nhau và với người bản xứ. Hội sinh viên VN tại Leeds cũng đã tổ chức những hoạt động văn hoá như ngày hội trò chơi dân gian cho con em kiều bào để các em có những hiểu biết thêm về đất nước mình.
Được biết, vấn đề dạy và học tiếng Việt đối với thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3… ở nước ngoài đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, du học sinh VN tại Leeds nói riêng và tại Anh nói chung chưa có điều kiện tổ chức những hoạt động liên quan đến dạy tiếng Việt cho các em, nhưng cũng cố gắng sử dụng phương tiện là các hoạt động văn hoá để căn bản giúp các em tiếp cận với tiếng Việt và văn hoá VN.
Xin anh chia sẻ về những hoạt động tiêu biểu của du học sinh tại Anh đóng góp cho quê hương, và theo anh, trong điều kiện hiện nay, VN cần làm gì để có thể thu hút trí thức VN về nước làm việc?
Các hoạt động xã hội, từ thiện của du học sinh tại đây thường do Hội SVVN ở Anh và Bắc Ireland (SVUK) tổ chức chung. Các thành viên của Hội đã tham gia nhiệt tình vào các chương trình trong nước như Góp đá xây Trường Sa, nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long, ủng hộ cho những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam và mới đây là đóng góp xây dựng trường cho trẻ em ở Tuyên Quang…
Xét trong bức tranh tổng thể thì du học sinh VN tại Anh đã có đóng góp thiết thực trong việc truyền tải, gắn kết tình cảm của các SV người Việt tại chỗ đối với quê hương… Theo tôi, các hoạt động xã hội, từ thiện vốn rất mở, không có kịch bản cũng như chỉ tiêu…, nên đưa ra những thông tin thuyết phục để tạo động lực tinh thần cho các bạn SV người Việt ở nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Vấn đề trở về cống hiến cho quê hương sau khi hoàn thành chương trình học tập là mong muốn của hầu hết các SVVN học tập tại nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề khiến các bạn băn khoăn nhất là chính sách. Cụ thể là vấn đề môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, điều kiện lao động cũng như cơ hội được tiếp tục phát triển các kỹ năng nghề, cũng như vấn đề ứng xử đối với người lao động… Hiện nay đã có các trung tâm dự báo nguồn nhân lực hay những chính sách trải thảm đỏ mời người tài về xây dựng đất nước, nhưng thông tin đó chưa tiếp cận được nhiều đến các tri thức VN ở ngoài nước, nên hiệu quả chưa lớn.
Từng là đại diện của VN trong Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ toàn cầu và có nhiều năm học tập ở nước ngoài, anh có thể chia sẻ đôi nét về hình ảnh đất nước và con người VN trong con mắt bạn bè quốc tế?
Đối với bạn bè quốc tế thì hình ảnh VN đang ngày càng được cải thiện. Cách đây 4 năm, khi tôi học tập ở Hàn Quốc thì bạn bè quốc tế thường hỏi tôi về chiến tranh VN và truyền thống cũng như sự kiên trung của con người VN trong chiến tranh vì họ chỉ biết có vậy. Nhưng những năm gần đây, người ta thường hỏi tôi về Áo dài VN, về Vịnh Hạ Long, về các món ăn truyền thống của dân tộc Việt… Đặc biệt, rất nhiều người quan tâm và phát âm rất chuẩn bằng tiếng Việt về “Đoi Moi program” (Chính sách Đổi Mới) và hiểu rằng VN đang trên đà phát triển.
Sắp tới, Hội SVVN tại Leeds cũng sẽ tổ chức Ngày hội Văn hoá VN, trong đó có giới thiệu đầy đủ thông tin về văn hoá, xã hội, lịch sử, địa lý, tiềm năng kinh tế VN. Tại đây sẽ có một khu vực riêng dành cho việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về hoa sen – Quốc hoa của VN và các nét văn hoá liên quan đến hoa sen như ẩm thực, thời trang…
Hiện du học sinh người Việt cũng như kiều bào VN tại Anh đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt của Đại sứ quán VN tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Tuy nhiên, nếu có một cơ chế thu hút và thúc đẩy hơn nữa hoạt động của du học sinh, giúp các bạn có nguồn kinh phí để xây dựng và duy trì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của VN ở nước ngoài thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn anh!
Thục Uyên – Theo TG&VN