Chàng du học sinh “gánh” kịch Việt sang Úc châu

0

SSDH – Từ niềm đam mê kịch nói, chàng trai 8X Trần Quang Khoa đã cùng với những bạn du học sinh Việt Nam lập nên nhóm kịch Việt trẻ tại Queensland, Úc.

 

Vở diễn đầu tiên đã ra mắt công chúng vào ngày đầu tháng Ba vừa rồi. Ngay sau khi sân khấu khép màn, PV Dân trí đã lập tức có cuộc trò chuyện với chàng trai “gánh” kịch Việt đến với xử sở chuột túi.

 

07022013duhocanh8.jpg

Niềm đam mê kịch nghệ đến với Khoa từ thuở nhỏ và theo chân anh sang tận… nước Úc

 

Chào Khoa, bạn có thể chia sẻ gì về niềm đam mê của mình với nghệ thuật kịch?

 

Khoa thích kịch nói từ lâu lắm rồi, hồi còn đi học trung học, và sau đó là quyết định thời gian theo học tại trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật được hai năm. Sau này, vì một số lý do cá nhân, Khoa không  theo con đường chuyên nghiệp nữa, nhưng nói văn vẻ một chút thì niềm đam mê đó vẫn cứ âm ỉ “cháy” trong tim và như “ngấm” vào trong máu của mình vậy.

 

Ngành mà bạn đang theo học tại Úc là gì? Và nó có liên quan gì tới kịch nghệ không?

 

Hiện tại Khoa đã học xong chuyên ngành Marketing và đang trong quá trình hoàn tất văn bằng hai là Quản lý đầu tư của trường Đại học công lập James Cook. Tất cả những chuyên nghành Khoa đã và đang theo học thì không liên quan gì đến nghệ thuật cả.

 

Tại sao lại là kịch nói, mà không phải là bất cứ bộ môn nghệ thuật sân khấu nào khác?

 


Có thể nói, Khoa đến với kịch là một cái duyên – hồi nhỏ khi còn ở quê vì nhà không có điều kiện nên hay qua nhà hàng xóm xem tivi nhờ, mà các bà và cô của quê Khoa lúc đó rất thích cải lương và chương trình kịch nói trên truyền hình. “Mối tình” của Khoa với kịch nói bắt đầu từ đó (cười).

 

Đến khi sang Úc, có cơ hội được tham gia vào khoá huấn luyện diễn xuất cũng như các chương trình ca kịch tại thành phố Brisbane. Đấy, như Khoa thấy thì Khoa và kịch cùng “chọn” nhau đấy chứ!

 

Có người đã nhận xét: “Tôi vẫn nghĩ đi xem vở kịch “Tội ác” lần này chủ yếu là ủng hộ các bạn sinh viên Việt Nam năng động, đam mê nghệ thuật. Tôi không dám kì vọng quá nhiều. Nhưng tất cả những gì tôi được nghe, được xem, được thưởng thức …đã vượt xa tất cả những điều tôi đã nghĩ. Không phải là một vở kịch của sinh viên. Đó là một vở kịch chuyên nghiệp”. Khoa nghĩ như thế nào về điều này?

 

Khoa thấy mình và đội kịch thật may mắn khi có được sự quan tâm, động viên như vậy. Đó là động lực để nhóm của Khoa vượt qua những khó khăn thường trực như thời gian, kinh phí, tác quyền và nội dung vở diễn, tính nghiệp dư của các diễn viên mà bản thân Khoa cũng không tránh khỏi.

 

07022013duhocanh9.jpg

Sân khấu hoành tráng và không kém phần chuyên nghiệp của “Tội Ác”

 

Nói vậy, không có nghĩa là nhóm Khoa toàn… gặp xui đâu (cười). Phải có cả thuận lợi thì Khoa và bạn của mình mới duy trì sân khấu kịch trẻ Việt đến tận bây giờ. Công đầu thuộc về sự nhiệt tâm và yêu nghệ thuật không vụ lợi của các bạn trẻ. Ngoài ra, sự ủng hộ và đỡ đầu của trung tâm nghệ thuật thành phố cũng như phía nhà hát kịch Tribal đã phần nào “lấp” những “lỗ hổng” của nhóm.

 

Diễn xong “Tội Ác” và được khán giả đánh giá khá tốt, Khoa thấy thế nào?

 

Có lẽ chẳng ai vui khi “làm nên tội” nhưng Khoa và nhóm kịch thì lại… rất mừng khi “Tội ác” của mình được công chúng đón nhận (cười).

 

Khác với Việt Nam thủ tục xin cấp phép nội dung vở diễn khá là phức tạp nên thường phải mất một thời gian khá dài để cấp phép cho một vở diễn. Bước đầu khán giả còn khá rụt rè khi quyết định mua vé vì không biết chất lượng như thế nào. Chính vì vậy, khi thấy khán giả đến chật cứng nhà hát trong cả hai buổi diễn, và nhận được những lời động viên, góp ý từ mọi người, chúng mình thật sự quên hết những mệt nhọc trong suốt mấy tháng tập luyện.

 

Điều ý nghĩa mà nhóm nhận được, chính là tinh thần đoàn kết, nhiệt tình của anh chị em trong nhóm, và càng đáng trân trọng hơn khi nỗ lực của mọi người cùng với sự ủng hộ của khán giả đã biến thành tình cảm, sự sẻ chia dành cho những trẻ em nghèo miền núi thông qua quỹ Cơm Có Thịt.

 

Đã có những thành công bước đầu, vậy Khoa có ý định theo đuổi niềm đam mê này lâu dài không?

 

Đến giờ đây thì Khoa biết rằng niềm đam mê cứ lớn dần và thôi thúc mình, còn chuyện theo đuổi lâu dài thì Khoa cũng không dám khẳng định. Thật sự, để nói sống với nghề thì Khoa cần học hỏi nhiều hơn nữa từ nơi những thế hệ đi trước để cảm được rằng mỗi phút đứng trên sân khấu thật sự là thiêng liêng.

 

Chỉ có điều, mỗi ngày, Khoa đang sống với niềm đam mê của mình và làm hết sức có thể cái đã. Biết đâu, sau khi Khoa học xong ở đây và về nước, các bạn sẽ bắt gặp Khoa cùng đội kịch Brisbane ở một… sân khấu nào đó thì sao nhỉ? (cười). Có thể lắm chứ!

 

Khoa gửi gắm điều gì qua những vở kịch của mình?

 

Cực kỳ đơn giản thôi, ngay từ khi thành lập nhóm kịch cho đến bây giờ, Khoa chỉ mong muốn giới thiệu tới đông đảo mọi người về loại hình nghệ thuật này và qua đó truyền chút đam mê với sân khấu này cho những người trẻ như Khoa, đặc biệt là các bạn du học sinh nơi xứ người. Còn xa xôi hơn, đây cũng có thể coi là một cách để cho bạn bè quốc tế, nhất là bạn bè Úc hiểu thêm về nghệ thuật của Việt Nam chẳng hạn.

 

Xin cảm ơn và chúc Khoa cùng các bạn trong nhóm kịch của mình có nhiều tác phẩm thành công hơn nữa! 

 

Sinh năm 1987 tại Vũng Tàu, Trần Quang Khoa hiện là sinh viên Đại học Jame Cooks (Queensland, Úc), trưởng nhóm kịch Việt trẻ tại đây. Trong hai ngày 2 và 3/3 vừa rồi, vở kịch “Tội Ác” do Khoa đạo diễn và thủ vai chính đã công diễn tại nhà hát Tribal và thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt cũng như giới truyền thông tại Úc. Vở diễn tiếp theo, “Mẹ chồng nàng dâu” cũng sẽ ra mắt công chúng vào tháng Tư tới. Một phần tiền bán vé của các đêm diễn được gửi về Việt Nam cho quỹ “Cơm Có Thịt”.

 

 Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí

 

 

Share.

Leave A Reply