SSDH – Diệu Linh cho biết, việc phải làm công nhân nhà máy trong suốt 12 tiếng hay được ngủ 3 tiếng/ngày là bình thường đối với du học sinh Việt tại nước ngoài.
Phương An (làm việc tại một quán ăn Việt ở Úc) thường phải chờ hết khách mới được ăn.
Nhiều người thường lầm tưởng, các bạn trẻ Việt Nam cứ sang nước ngoài du học đều có gia đình khá giả và sẽ ăn sung mặc sướng khi xa nhà. Tuy vậy, ít ai biết rằng, không ít du học sinh Việt có cuộc sống khá vất vả nơi đất khách, ngày ngày vẫn phải đi làm kiếm tiền, bất kể mùa lễ tết.
Tranh thủ kiếm lương cao ngày Tết
Hiện nay, không chỉ gia đình giàu có mới có thể cho con đi du học nước ngoài. Thực tế, nhiều bạn trẻ sang học nơi đất khách phần lớn lại nhờ vào các suất học bổng do khả năng, sự nỗ lực của bản thân trong học tập đem lại. Do đó, cuộc sống xa nhà không hề màu hồng như mọi người vẫn nghĩ. Nhiều du học sinh luôn phải tìm cho mình những công việc bán thời gian sau giờ học, giúp phần nào giảm gánh nặng về chi phí.
Phương An hiện đang học cao học ngành kiểm toán tại đại học quốc gia Úc chia sẻ: “Mình có kinh nghiệm làm thêm ở bên này hơn một năm rồi. Làm việc tại quán ăn nên có lẽ khó khăn nhất là phải chờ hết khách, nhiều hôm quá giờ bụng réo rất lâu mới được ăn”.
Thu Hà (sinh năm 1991) mặc dù mới chân ướt chân ráo sang Úc du học nhưng cũng đã vội vàng rải hồ sơ khắp nơi để kiếm việc làm thêm. Hà cho biết, có chỗ nào nhận là cô nhanh chóng làm ngay. Hiện tại, Hà đã xin làm hai nơi – bán gà rán tại cửa hàng thức ăn nhanh và phục vụ bàn tại khu Vietnamese Young Street chuyên bán đồ cho người Việt Nam ở Úc.
Hà còn cho biết thêm, đa phần du học sinh Úc đều tranh thủ đi làm vào dịp Tết, bởi lương cao và có kha khá tiền thưởng. Đặc biệt, vào những ngày này, người dân bản địa thường ở nhà quây quần cùng gia đình nên đây là cơ hội có một không hai cho người Việt Nam kiếm được việc làm tốt.
Mặc dù được gia đình chu cấp khá đầy đủ nhưng Minh Hằng (du học sinh Phần Lan) vẫn quyết định tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập và kinh nghiệm. Hằng chia sẻ, sở dĩ cô bạn đi làm vì chi tiêu ở nước ngoài quá đắt đỏ, không phải lúc nào cũng xin tiền bố mẹ; hơn nữa Hằng cũng muốn có môi trường giao tiếp lành mạnh, học hỏi được nhiều kiến thức hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Hằng giống như bao du học sinh Việt làm nhân viên bán hàng, phục vụ, trông trẻ em, dọn nhà… khác tại Phần Lan đều không được nghỉ vào mùa lễ tết. Không chỉ có thế, những ngày này các bạn trẻ còn phải làm việc với khối lượng công việc và cường độ gấp 2-3 lần bình thường mà lương cũng chỉ khoảng 7-10 USD/h.
Mồ hôi, nước mắt nơi đất khách
Khi sang nước ngoài học tập, các du học sinh Việt đều bị giới hạn chặt chẽ khoảng thời gian làm thêm, thường chỉ được làm 16-20 tiếng/tuần. Chính vì vậy, muốn có đủ thu nhập cho chi tiêu, đa phần các bạn trẻ đều chọn cách làm chui. “Mà đã đi làm thì đương nhiên phải chịu bị bóc lột, công việc nhiều lúc rất căng thẳng và mệt mỏi” – Đức Toàn (du học sinh Mỹ) chia sẻ.
Du học sinh Việt làm thêm tại các nhà hàng, siêu thị Nhật Bản không bao giờ có ngày nghỉ, kể cả Tết.
Đỗ Quyên (làm việc tại một quán bar ở Pháp) hàng ngày phải làm 8-10 tiếng với rất nhiều loại công việc như pha cocktail, tính hoá đơn, quản lý hàng hoá trong kho, nhập hàng, dạy lại các kỹ năng cho người mới… Lương được trả khá bèo nhưng do muốn có thêm kinh nghiệm nên Quyên vẫn quyết định trụ lại.
Có những tuần cô bạn phải làm liên tiếp 3 ngày mới có một ngày nghỉ, còn chuyện làm quá giờ thì diễn ra thường xuyên. Cuối tuần khách đến quán nhiều không đếm xuể, Quyên luôn trong tình trạng bị quay như chong chóng, làm mãi không hết việc, nhạc thì cứ ào ào bên tai rất khó chịu.
Quyên cho biết: “Chủ quán bar rất ghê nên công việc khiến cho mình áp lực nhiều. Khách thì chỉ cần không vừa ý một chút là báo quản lý ngay, mà mỗi lần như thế là lại bị trừ lương. Ngày lễ tết phải tăng ca mà cũng không được thưởng thêm vì đã trót ký hợp đồng từ trước”.
Người dân Nhật Bản vào năm mới thường có thói quen ăn các món ăn truyền thống, điển hình là khay thức ăn có tên Osechi (bên trong chứa rất nhiều món). Vì vậy, không phải gia đình nào cũng có đủ thời gian và điều kiện làm nên các cửa hàng, siêu thị vào những ngày này thường làm việc hết công suất, bất kể ngày đêm để phục vụ khách hàng món ăn đắt tiền này. Các du học sinh Việt làm việc tại đây cũng bởi thế mà không thể có ngày nghỉ.
Hồng Nhung (sinh viên năm 2 tại Nhật) cho biết: “Nhà hàng, siêu thị ở Nhật không bao giờ đóng cửa, càng lễ tết càng phải làm. Đêm 31 là ngày bận nhất, nhân viên luôn phải làm việc không ngừng nghỉ để có đủ hàng tươi bán và mùng 1”.
Các du học sinh Việt tại Đài Loan-Trung Quốc cũng chả khá khẩm hơn. Vì phần lớn công việc mà các ông chủ tại đây đồng ý cho sinh viên nước ngoài làm chui thường là làm công nhân trong dây chuyền sản xuất, nhặt linh kiện, kiểm tra chíp điện tử, đóng hộp, bao bì… nên đương nhiên không thể không vất vả.
Chi tiêu trung bình của một du học sinh ở Đài Loan-Trung Quốc vào khoảng 150 tân Đài tệ (hơn 100.000 đồng) nên với mức lương 100 – 130 tệ/h làm việc, nếu ăn tiêu hợp lý, nhiều bạn trẻ có thể có cuộc sống xa nhà khá đủng đỉnh. Vì vậy, mặc dù các công việc làm thêm ở Đài Loan-Trung Quốc có nhiều mức thời gian cho sinh viên như 4, 6, 8 h/ngày… nhưng đa phần các bạn trẻ lại chọn mức thời gian cao nhất (khoảng 12 h/ngày).
Do phải làm công việc chân tay, sản xuất trong nhà máy, hàng luôn cần gấp nên lễ tết tuyệt nhiên không được nghỉ. Diệu Linh cho biết, chuyện suốt thời gian làm không được đứng dậy tí nào hay một ngày chỉ được ngủ 3 tiếng là rất bình thường đối với du học sinh Đài Loan-Trung Quốc.
Linh cũng từng có thời gian làm vặn nắp chai trong một công ty xứ Đài chia sẻ thêm, trong 12 tiếng làm việc, cứ sau 3-4 tiếng sẽ được nghỉ một lần 10 phút và được cho phép ăn cơm trong 30 phút, còn đâu không được di chuyển ra chỗ khác, nói chuyện hay sử dụng điện thoại.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Zing