SSDH – Tết Nguyên Đán sắp đến rồi, giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng không còn xa, thế nhưng với những du học sinh xa nhà Tết vẫn là một “đề tài muôn thuở”. Có một điều thôi mà tất cả du học sinh muốn nói: “Chúng con thèm không khí xum họp gia đình, bạn bè và thưởng thức bánh chưng thịt mỡ, dưa hành, thoang thoảng mùi nhang trầm lẫn câu đối đỏ”.
Nhớ nôn nao mùi hương trầm
Giữa thành phố hoa lệ, tuyệt đẹp như Moscow (thủ đô nước Nga), những đứa con xa nhà chỉ biết ngóng trông về nơi ấy – quê nhà. Tôi còn nhớ như in sáng mùng 1 Tết, bước ra ngoài, con phố sạch tinh tươm, vắng vẻ nhưng mùi hương trầm, mùi nhang từ các gia đình toả ra, mùi nó thơm nhè nhẹ, rất dễ chịu, thanh tao cũng đủ làm cho những ai khi đi xa như chúng tôi quên sao được.
Vẫn như in hương vị bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành
Tôi vẫn muốn quay về bên gia đình để chiều 29 hay 30 hí hoáy gói chiếc bánh chưng với bố, ngồi phụ mẹ làm món dưa muối hay được ra phố xin chữ của ông đồ lấy may đầu năm… Bản thân tôi cũng như du học sinh nơi đây ít ra cũng mười mấy năm đón Tết cùng gia đình nên chỉ biết khoảnh khắc này xin giữ để ngày được tái ngộ mà thôi.
Nhớ giây phút đếm ngược đón thời khắc trời đất giao hoà, vạn vật bừng lên sức sống mới
Lúc nhỏ cứ háo hức chờ cho đến 0 giờ 0 phút ngày mùng 1 tháng 1 để đón giao thừa, mà y như rằng chị em tôi chờ không được, ngủ mất tiêu sáng mai mới nhớ là vẫn còn 1 cây pháo hoa nằm ở đằng kia mà bố cho. Chỉ khi sau này tôi mới có dịp được sum vầy bên gia đình, bữa tiệc đầu năm mới và nghe tiếng pháo hoa rộn ràng, ánh sáng đủ màu toả khắp trời. Chỉ nghĩ thế thôi chúng tôi cũng háo hức hơn bao giờ hết.
Quan trọng nhất là được nhận tiền lì xì dù đã lớn
Nhớ lúc hồi bé Tết thích nhất là được nhận lì xì của bố mẹ, người thân trong họ hàng hay cả người quen của bố mẹ. Vẫn nhớ sự ngây thơ trong sáng khi giơ tay nhận những đồng tiền đầu tiên mà mình có “quyền sở hữu”. Đôi khi nhớ lại mình vẫn muốn được nhận “đồng tiền may mắn” như thế chứ huống hồ gì những đứa trẻ con khác.
Tâm trạng những đứa con không về ăn tết
Ở Nga bây giờ là kì nghỉ đông, thường thì có kha khá sinh viên về quê ăn Tết cùng gia đình mặc dù vé máy bay không hề rẻ chút nào, còn lại những du học sinh vẫn cần mẫn ôn thi và cùng đón Tết với bạn bè nơi xứ người.
Có những đứa con nhìn về quê hương qua khung cửa sổ.
Bạn Huỳnh Xuân (Hiện là thực tập sinh Viện Ngôn ngữ Quốc gia Nga mang tên Puskin) chia sẻ: “Là sinh viên mới sang, những chiều cuối đông tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ngồi bên khung cửa sổ và nhìn về nơi xa xăm ấy, tôi muốn được quay về quây quần bên gia đình thôi”
“Bước lặng lẽ một mình trên con phố, cơn mưa tuyết rơi lã chã làm tôi nhiều lúc đưa tay lên quệt cũng chả biết nước mắt hay tuyết nữa” – Phan Hoa nghẹn ngào nói
Mạng xã hội – nơi xả nỗi nhớ
Tuyết ngoài kia vẫn không ngừng rơi, nỗi nhớ lại dâng lên chúng tôi chỉ biết “làm vơi đi” bằng những cuộc gọi điện thoại, Skype, Viber… cho gia đình, còn Facebook, yahoo cho những đứa bạn nghịch ngợm ngày nào… Tất cả nhứng thứ hiện đại nhưng “vô cảm” này cũng chỉ giúp anh chị em chúng tôi bớt đi một phần nào vì dù có bánh chưng, dưa hành nhưng vẫn thích món mẹ nấu, thích món thịt đông của miền Bắc thích cả nhánh mai vàng rực rỡ của miền Nam… Nhiều khi thấy trên Facebook có hàng chục status nào là “Tiền lì xì của bà ngoại nè”, “Bánh chưng ngon quá” hay “ôi hôm nay được tụ họp bạn bè uống say tí bỉ rồi”… Jenny Nguyễn chia sẻ: “Lúc đó mình gập máy và đi ngủ vì không thể chịu nổi vì nhớ”.
Nhân dịp Tết đến xuân về, Du học sinh từ Liên Bang Nga rộng lớn xin gửi lời chúc Tết ấm cúng, hạnh phúc và an lành nhất đến với mọi gia đình, mong cho một năm “mưa thuận gió hoà” cho bố mẹ ở quê được một năm bội thu, chúc cho những bạn học sinh, sinh viên cố gắng học tập tốt, chúc cho toàn thể người dân một năm thắng lợi mới, niềm vui mới. Đặc biệt những ai đang ở gần bên gia đình, bạn bè và người thân hãy biết trân trọng và tận hưởng những phút giây tuyệt vời này.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Báo Du Học