SSDH – Không xin được học bổng, hoặc chỉ được một nửa học bổng, không được gia đình trợ cấp do hoàn cảnh khó khăn… nhiều du học sinh Việt Nam vừa học vừa đi làm thêm quần quật ở nước bạn. Chạy nhà hàng, rửa bát, bốc vác… những công việc này các em đều phải trải qua vì nếu không làm việc, đồng nghĩa với việc xách vali về nước.
Thanh Tuấn (bên phải) tại Hàn Quốc (ảnh do nhân vật cung cấp)
Không làm thêm, đồng nghĩa với về nước
Trả lời về câu chuyện vừa học vừa làm của mình, Lê Thị Lụa – sinh viên đang học thạc sỹ ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Jigyou- Nhật Bản) tự nhận xét, em thấy mình quần quật không khác gì một người đi xuất khẩu lao động trá hình. Vì nếu không làm việc, việc học của em cũng chấm dứt.
Lụa kể, em thuộc diện du học tự túc nên vất vả đủ đường. Năm đầu tiên, em xin được nửa năm học bổng của Quỹ Hỗ trợ sinh viên. Theo đó, mỗi tháng Lụa được 65.000 Yên để trang trải cuộc sống. Nhà có 4 anh chị em, bố mẹ Lụa trước đây đều làm nông nên ngày đầu đi du học, em chỉ được gia đình cho 200.000 Yên mang theo. Đến Nhật, Lụa bắt đầu tìm nhà thuê trọ với số tiền đặt cọc, phí môi giới giá khoảng 70.000 Yên. Em phải mua sắm đồ đạc khá tốn kém vì không quen ai trên đất lạ để xin lại đồ cũ. Chỉ trong tháng đầu tiên, Lụa tiêu hết 140.000 Yên. Từ tháng thứ hai, Lụa đã phải đi làm thêm. Nửa năm đầu, em đi làm ở 2 nhà hàng, một tuần chỉ làm dưới 30 giờ vì lịch học kín. Một năm trở lại đây, thời gian học rảnh hơn, em bắt đầu lao đi kiếm sống.
Những ngày nghỉ học, em làm thêm từ 6h sáng đến 1h đêm. Buổi sáng, Lụa phụ trách việc tính tiền, xếp hàng và lau dọn vệ sinh ở cửa hàng tiện lợi. Từ trưa đến 1h sáng, Lụa rửa bát, chạy bàn, phụ bếp cho 2 nhà hàng. Tính ra mỗi ngày, số bát đĩa em phải rửa khoảng 500 chiếc. Thời gian bận học, mỗi tháng em kiếm được khoảng 80.000- 90.000 Yên. Vào kỳ nghỉ, mỗi tháng em làm thêm được khoảng 120.000 Yên. Theo Lụa, đi làm thêm có tiền chi tiêu nhưng quá vất vả, nhiều khi không có sức và thời gian để học tập.
Thanh Tuấn (quê Gia Lâm, Hà Nội) đang là sinh viên năm thứ hai ngành Kinh tế tại ĐH Daegu (Hàn Quốc). Tuấn tốt nghiệp khoa Điện tử, Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội. Ra trường, Tuấn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Làm việc được 6 năm, em tự xin giấy tờ, visa để tiếp tục ở lại Hàn Quốc học ngành Kinh tế. Ban ngày Tuấn đi học. Từ 9h tối đến 6h sáng, Tuấn làm thêm ở một công ty điện tử. Công việc hàng ngày của Tuấn là kiểm tra kĩ năng và đóng gói. Công ty có ký túc xá cho nhân viên nên Tuấn ở đó luôn, không phải mất tiền nhà.
Công việc không quá nặng nhọc nhưng bù lại, mỗi tối Tuấn phải đứng đến chùn chân, liên tục trong 9 tiếng đồng hồ. Trung bình, mỗi tháng Tuấn làm thêm khoảng 20 tối như thế, rảnh lúc nào thì lăn ra ngủ để lấy sức. Tháng nào chăm chỉ, em cũng kiếm được khoảng 1.000 USD. Xác định mình phải tự nuôi mình khi đi du học nên số tiền trên, Tuấn dùng chi trả tiền ăn (mỗi tháng khoảng 150 USD) và tiền học phí khoảng 2.000 USD/học kỳ.
Được cái nọ, mất cái kia
Lê Thị Lụa cho biết, hồi mới sang Nhật Bản, vốn ngoại ngữ của em rất bình thường. Trong thời gian đi làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống, việc giao tiếp với người Nhật đã giúp ngoại ngữ của em tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu phải kiếm sống như Lụa thì sẽ không còn thời gian để học tập. Chia sẻ câu chuyện của mình, Lụa muốn các bạn học sinh sắp sửa có ý định du học thấy rằng:Các bạn sẽ phải một mình vừa bươn trải kiếm sống, vừa học tập mà không có ai nương tựa hoặc dựa dẫm. việc du học tự túc nhiều khi không như trong tưởng tượng của mình ở nhà.
Tuấn cũng chia sẻ, nếu gia đình không có điều kiện kinh tế thì hầu như các bạn du học tự túc ai cũng đi làm thêm, từ phục vụ quán ăn, nhà hàng đến gọt rau củ, tiện, bốc vác hàng hóa… Dĩ nhiên, đi làm rất cực nhọc nhưng nó cũng giúp các bạn tăng khả năng giao tiếp, học ngoại ngữ nhanh chóng.
Nguyễn Chi, một du học sinh đang theo học ngành Mỹ thuật tại Mỹ cũng đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và học tập. Chi cho biết, ở Mỹ không phải du học sinh nào cũng được làm thêm. Nếu làm văn phòng sẽ được 10-12 USD/giờ nhưng phải có giấy phép lao động và phải đóng thuế thu nhập. Vì vậy, nhiều bạn đã đi làm chui, công việc chủ yếu là phục vụ nhà hàng hoặc làm nail, lấy tiền mặt để không phải đóng thuế. Trong 2 tháng hè, Chi không về nước mà xin việc được ở một nhà hàng sang trọng nên tiền “bo” khá nhiều. Em làm từ 10h sáng đến 12h đêm hàng ngày và kiếm được 6.000 USD. Tuy nhiên, em không học hỏi thêm được nhiều và sức khỏe thì gần như tàn tạ vì lao động quá sức. May mắn ngay sau đó, Chi xin làm thêm được ở một tổ chức phi lợi nhuận. Mỗi giờ làm ở đây, em được trả 11,5 USD. Tại chỗ làm mới này, em có thể lấy được kinh nghiệm và vừa có tiền để chi tiêu trong suốt thời gian học.
Đông Đức (SSDH) – Theo Gia đình