SSDH – Viết dành tặng cho những cô gái, chàng trai chuẩn bị cất cánh đến với cuộc sống du học ở xứ sở sương mù. Mong cho các bạn những giây phút nản lòng với không khí ảm đạm thường trực nơi xứ người vẫn nuôi dưỡng được khoảnh khắc cuộc sống tưng bừng ở trong tim, như tôi những ngày tháng ấy.
Tôi viết những dòng này như một chút lưu giữ của những suy tư và kỉ niệm đã qua, trong một cuộc hành trình ngắn ngủi nhưng đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau.
8 giờ sáng ngày 13.09.2011 – đó là ngày đầu tiên tôi đặt chân đến nước Anh, bắt đầu cho một cuộc sống mới – cuộc sống du học tự do, độc lập, hạnh phúc – hay ít ra là tôi cho rằng là như thế ^^
Chúng tôi – 3 sinh viên Việt Nam trở nên lạc lõng vô cùng giữa những dòng người qua lại hối hả. Thử tưởng tượng hàng ngàn người hối hả trong vòng quay mua vé – đi bộ mà như chạy cho kịp tàu. Những sải chân dài bước hối hả, cho những con người vốn quen với guồng quay chậm rãi tại Việt Nam một cảm giác vừa chưng hửng vừa như thôi thúc, sự thôi thúc để lao vào trải nghiệm cùng dòng người ngược xuôi ấy.
Một câu chuyện nửa vui nửa buồn – một thứ kinh nghiệm, âu cũng là thứ đáng để viết ra đây chia sẻ với các bạn. Từ sân bay Heathrow, chúng tôi đến London vào một ngày nắng ráo đẹp trời, nhưng gần 50kg hành lý không cho phép mấy anh em có thời gian nghỉ ngơi và thưởng ngoạn. Gần 2 tiếng đồng hồ để làm thủ tục nhập cảnh vì khâu nhập cảnh này tại sân bay Anh quốc được đánh giá là khắt khe vào bậc nhất thế giới, và cũng từng đấy thời gian để mò mẫm ra bến tàu. Miết mải đẩy vali, hùng hục chạy, chúng tôi may mắn nhảy lên tàu ngay lúc cửa tàu đóng sập sau lưng. Những tưởng đã được yên vị, chỉ để chờ 3 tiếng sau về đến Newcastle – thành phố nơi có ngôi trường chúng tôi sẽ theo học, nhưng chúng tôi đã nhầm! Một vài lầm lẫn do thiếu kinh nghiệm lúc mua vé, chúng tôi lên nhầm tàu. Bác soát vé dù rất thân thiện, rất thấu hiểu, xử sự linh động nhất có thể cũng chỉ đồng ý cho chúng tôi phương án mua một chiếc vé mới. 100 bảng, con số không hề nhỏ khiến cho ba đứa ngẩn ngơ tiếc cho đến mãi về sau này khi chúng tôi đã thành “thổ địa”. Khoảnh khắc đầu tiên ở một đất nước công nghiệp đã dạy cho chúng tôi về bài học đầu tiên: Tại đây, không có sự cả nể, vị tình hay mềm dẻo như ở Việt Nam, tất cả cứ luật mà làm. Nói thực, lúc bấy giờ, tôi hơi có cảm giác ngạt thở của một người vốn đã quen với cụm từ mà người Việt vẫn hay dùng là “xử lí linh động” nhưng mãi đến sau này, tôi mới thấu hiểu cảm giác khi mọi thứ đi vào guồng quay của nguyên tắc thì tất cả đều trở nên thông suốt. Câu chuyện này hẹn sẽ kể với các bạn vào một dịp khác nhé.
Quá trình đàm phán và xử phạt kết thúc cũng là lúc chúng tôi có thời gian và cả không gian để nhìn lại mọi thứ xung quanh. Ba đứa nhìn nhau, nhìn con tàu tốc hành đang bon bon chạy, và thực vẫn không tin nổi rằng mình đã ở Anh. Ngồi xuống ghế, cảm tưởng đầu tiên là về sự hiện đại đang bao bọc mình. Đã từng đi tàu một vài lần ở Việt Nam, và thực sự nếu phải đối chiếu với hệ thống tàu tốc hành ở Anh thì quả là một sự so sánh khập khiễng. Tàu chạy rất êm dù đi với tốc độ ngót nghét 200km/h, các ghế ngồi rộng rãi và thoải mái, cảm giác như đang ngồi trong căn phòng của một quán café nhỏ, bên cạnh là những thực khách đang nhâm nhi ly café và đọc tờ báo buổi sáng. Không gian hoàn toàn thư thái và cảm giác như thời gian đang đứng yên nếu không có sự khác biệt khi nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Vun vút trôi qua trước mắt là những cánh đồng cỏ ôn đới bạt ngàn, và thỉnh thoảng là những bó cỏ khổng lồ do nông dân thu hoạch vẫn còn nằm lăn lóc, rải rác đâu đó trên cánh đồng. Nếu ở Việt Nam là những đàn bò, trâu, dê, thì nhắc đến nước Anh người ta sẽ nhắc ngay đến cừu. Khắp bạt ngàn vùng đồng quê trải dài ra trước mắt là những đốm cừu nhỏ trắng như những cục bông tròn trịa lấm chấm trên nền nắng vàng và đồng cỏ xanh ngắt. Một sự khác biệt nữa là những đám mây châu Âu đẹp đến mức làm ngẩn ngơ. Mây thấp chứ không cao như ở các nước nhiệt đới, kết lại như những chùm nụ trắng muốt trên nên trời xanh ngắt. Cảm giác nữa rất lạ, ấy là khi tôi cảm nhận được dù chỉ bằng mắt một sự “sạch”. Không khí của sự “sạch” ấy có lẽ là thứ tôi muốn được mang về Việt Nam nhất từ đất nước này. Chẳng biết dùng từ ngữ gì khác, chỉ là cái cảm giác mọi thứ đều rất có trật tự, từ những hàng rào bao lấy chuồng cừu, những bóng cây ôn đới lớn che bóng mát giữa đồng, những con đường nhỏ vắt ngang qua đường ray được xây dựng chu đáo, an toàn. Tất cả tạo nên một bức tranh tổng hoà rất châu Âu. Về sau này, bao nhiêu lần ngồi tàu đi khắp nơi cả trong nước Anh và ngoài châu Âu, tôi vẫn luôn có thói quen ngắm nhìn những cảnh quan bên đường, ngắm nhìn, để khắc ghi những hình ảnh không chỉ đẹp, mà còn rất riêng, của mỗi vùng đất, mỗi con người nơi tôi đã đi qua…
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân tới Newcastle là gió. Những cơn gió tháng 9 của nước Anh lạnh chẳng kém gì chớm đông Hà Nội. Ba gã thanh niên to khỏe từ miền nhiệt đới cũng chẳng chịu nổi cái lạnh mà phải cuống cuồng lục tung vali lên để tìm lấy cái áo gió. Sau này tôi mới biết, Newcastle gió quanh năm suốt tháng, và gió nhiều lúc mạnh chẳng kém gì những ngày bão ở Hà Nội, chỉ khác, trời vẫn hanh khô, và nắng vẫn chiếu rạng rỡ. Cũng bởi thế mà sau này hội chúng tôi đã bảo nhau đặt cho nó một cái tên: “Thành phố của gió”. Một thành phố không hề vắng vẻ, nhưng chúng tôi tuyệt nhiên không cảm nhận thấy sự bức bối, ngột ngạt như Hà Nội khói bụi và bức bối. Hít vào lồng ngực là một thứ không khí trong lành, thoang thoảng hương … đồ ăn phả đến từ những quán ăn trong khuôn viên sân ga. Bước ra cửa, nhìn xuyên sang phía bên kia đường, thứ đầu tiên hiện lên là phong cách kiến trúc cổ kính, với nhà thờ, và những khu nhà được xây dựng rất đồng điệu, toát lên một gam màu xám nhẹ. Dưới ánh nắng, bức tranh ấy không hề buồn bã mà ngược lại, hòa với dòng người, toát lên một vẻ đẹp của sức sống náo nhiệt.
Câu chuyện tiếp theo tôi muốn kể là về những nét rất riêng ở nước Anh, bắt nguồn từ một thứ tưởng chừng như cực kì đơn giản: Văn hóa Taxi. Ngay ngoài cửa sân ga là dãy dài những chiếc taxi chờ vào bến, nhưng hỏi ra mới biết, xe nào cũng đã có khách gọi đặt chỗ, và chỉ khi có khách gọi thì nó mới đến. Thành phố Newcastle chỉ có tầm năm sáu hãng taxi, và rất ít thấy các xe này đứng đón khách, họ chỉ dừng xe ở một số điểm cho phép cụ thể, còn đa phần phải đỗ tại điểm chờ cho tới khi có khách gọi. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành nhấc điện thoại gọi đặt một chiếc xe. Đ, thằng bạn có khả năng nghe nói tốt nhất lúc ấy trong số chúng tôi, cũng đã phải chật vât lắm mới có thể trả lời được mọi thông tin yêu cầu của tổng đài. Họ yêu cầu biết tên, điểm xuất phát và điểm đến, rồi sau đó gửi tin nhắn về biển số chiếc xe dành riêng cho chúng tôi. Và cho dù là cùng hãng, nhưng khi chúng tôi gõ cửa và xưng tên, nếu thấy không phải những người khách đã đặt cho xe của mình, các tài xế rất lịch sự từ chối và yêu cầu chúng tôi chờ đợi thêm. Đó là những khái niệm đầu tiên về dịch vụ taxi rất chuyên nghiệp nơi đây, một phong cách hoàn toàn nguyên tắc nhưng tạo cho người dùng một sự thoải mái và tin tưởng hoàn toàn, không có cảnh chen lấn chọn xe, không có cảnh tranh nhau khách, một sự chủ động rất bài bản được tạo nên cho cả người sử dụng dịch vụ và người tài xế. Yếu tố dịch vụ là một lẽ, ngạc nhiên hơn cả là sự thân thiện của anh lái xe. Đó là một người đàn ông to cao, áng chừng khoảng hơn 30 tuổi, nhìn thấy đống vali của chúng tôi, anh xuống xe, mở cốp, nhấc từng chiếc đặt vào gọn ghẽ, vừa làm ông vừa … méo mặt kêu, vì sao vali chúng mày nặng thế, vì sao chúng mày nhỏ con mà khỏe thế! Ngồi trên xe, hỏi ra chúng tôi là du học sinh mới đến, anh say sưa nói một thứ tiếng Anh đặc trưng của người thành phố Newcastle, lên bổng xuống trầm, nghe như hát và rất … khó hiểu. Cho đến giờ, khi đã trải qua một năm du học ở đó, có những lúc tôi vẫn chưa thể nghe và hiểu hết những gì người bản địa nói. Những khi nhớ lại những ngày đầu đó, đôi khi thoáng mỉm cười nhẹ vì khi ấy, mọi thứ sao mà mới mẻ quá đỗi.
Chỉ mất 10 phút để chuyến xe đưa chúng tôi đến khu ký túc xá của mình. Đặt chân xuống, điều đầu tiên tôi làm là hít một hơi thật sâu, mùi hương của những nhánh cỏ phảng phất trong không khí, khiến tôi liên tưởng đến cảm giác mỗi khi được về quê. Quay ra nhìn nhau, không ai bảo ai nhưng mỗi chúng tôi dều thấy phấn chấn và háo hức. Miên man trong đầu mỗi người là những suy nghĩ riêng, nhưng tôi hiểu, chúng tôi đều đã sẵn sàng cho những gì sắp tới, bắt đầu cho một cuộc sống mới, cuộc sống độc lập, nhiều thử thách và cũng nhiều sự thú vị chờ chúng tôi khám phá!
Gửi từ UK một ngày lộng gió…
Đông Đức (SSDH) – Theo Ukinmyeyes