SSDH – Hẳn rất nhiều người nghĩ rằng ‘du học là sướng’. Đúng, không ai có thể phủ nhận được sức hấp dẫn cũng như những lợi ích mà cuộc sống du học mang lại. Tuy nhiên, chẳng có gì là hoàn hảo 100%.
Trước khi trở thành du học sinh, các bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn có thể gặp phải để tránh bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân lên đất khách quê người!
Chi phí cao
Khó khăn đầu tiên phải kể đến khi đi du học là chi phí cao. Đối với những sinh viên du học theo diện học bổng toàn phần có thể tương đối yên tâm do mức học bổng của các nước thường bao gồm học phí và phí sinh hoạt ở mức có thể đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những sinh viên du học theo diện tự túc mà không hề nhận được bất kỳ sự hỗ trợ kinh tế nào sẽ phải tự xây dựng một kế hoạch tài chính cụ thể để có thể theo học cho đến cùng. Chi phí cho việc đi lại, nơi ăn, chốn ở có thể sẽ rất đắt đỏ tùy thuộc vào mỗi quốc gia khác nhau.
Theo một nghiên cứu mới đây của HSBC, Australia là đất nước có chi phí đắt đỏ nhất đối với các sinh viên nước ngoài, vượt qua cả Mỹ (đứng thứ hai) và Anh (đứng thứ ba); tại Châu Á, hai đất nước đứng đầu danh sách này là Singapore và Hong Kong. Vì vậy, vấn đề đảm bảo về tài chính và chi tiêu hợp lí là bước đầu tiên cần chuẩn bị cho quá trình du học.
Nghe giảng nhiều mà hiểu… không được bao nhiêu
Đó chính là tình trạng chung của đa số du học sinh, cả những bạn đã có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng ngoại ngữ. Phải mất một khoảng thời gian tương đối các bạn mới hiểu được hết nội dung bài giảng ở lớp. Vì sao ư? Đơn giản thôi, hẳn bạn biết câu ‘từ lí thuyết đến thực hành là một đoạn đường dài’ chứ? Dù bạn đã có kiến thức về ngoại ngữ khá tốt nhưng với phương pháp giảng dạy thiên về lí thuyết ở Việt Nam, việc thực hành giao tiếp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bạn cho biết, thời kì đầu, ngồi nghe giảng mà như vịt nghe sấm vì không hiểu lời thầy giảng hoặc không kịp ghi chép các ý chính.
Để khắc phục tình trạng này, các bạn du học sinh phải nghĩ ra nhiều cách ứng phó. Phương án được lựa chọn nhiều nhất là thu âm lại lời giảng rồi về nhà nghiên cứu lại. Hoặc để chuẩn bị cho buổi học tới, các bạn ấy phải tải các bài giảng hoặc tài liệu trên trang điện tử của trường. Còn một phương án khác đó là làm quen với những người bạn bên cạnh rồi mượn vở để chép lại.
Ăn bài tập, ngủ bài tập
Chắc hẳn hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng du học sẽ thoát được cảnh đọc – chép và gặp phải các ‘tiến sĩ gây mê’ vì chương trình giáo dục ở nước ngoài tiên tiến và thiên về thực hành hơn. Điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc thực hành nhiều hơn đồng nghĩa với việc phải tự nghiên cứu nhiều hơn và phải hoàn thành lượng bài tập ngoài giờ lên lớp rất lớn. Sinh viên phải thuyết trình và viết bài luận thường xuyên, đó là đối với những sinh viên theo học ngành khoa học và xã hội. Còn đối với những bạn theo học nhóm ngành về chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng thì phải thường xuyên túc trực ở bệnh viện hoặc vào phòng mổ để ghi chép và làm báo cáo về quy trình điều dưỡng. Và nhiều du học sinh phải thường xuyên đối mặt với những đêm trắng để hoàn thành lượng bài tập và bài luận chất đống vào cuối kì.
Đọc, đọc và đọc
Bạn có biết, ngoài việc phải thường xuyên đi thực tập, sinh viên ở nước ngoài còn phải đầu tư nhiều thời gian ở thư viện, ở nhà, ở bất cứ nơi nào và bất kể thời gian nào để đọc sách và nghiên cứu, tất nhiên trong số đó không loại trừ những du học sinh của chúng ta. Tại các trường phương Tây, các giảng viên chỉ tập trung phân tích những vấn đề cốt lõi ở lớp chứ không giảng giải một cách tràn lan toàn bộ chương trình. Vì vậy, hầu hết lượng kiến thức về lý thuyết sinh viên phải tự nghiên cứu trước ở nhà.
Một lý do nữa khiến du học sinh trở thành những con mọt sách to béo hơn khi ở nhà đó là khối lượng kiến thức và đề tài thi rất rộng, gần như không có khái niệm ‘giới hạn’. Thế nhưng, cũng có nhiều sinh viên cho rằng đi học đầy đủ, nghe giảng đầy đủ là có thể an tâm đi thi; điều đó là không đúng. Bạn nên ghi nhớ rằng, nhiều thầy cô ở các nước phương Tây rất quan tâm đến kiến thức cơ bản của người học, đôi khi, trong bài kiểm tra sẽ xuất hiện những câu hỏi không có trong bài giảng mà phải nghiên cứu trong sách giáo khoa hoặc sách tham khảo. Thỉnh thoảng, họ sẽ đưa ra những câu hỏi vô cùng bất ngờ mà nếu bạn vẫn giữ thói quen học vẹt như ở nhà chắc chắn sẽ bị ‘choáng’.
Trên đây là một số khó khăn mà bạn sẽ gặp phải khi đi du học và đây chưa phải là tất cả. Hãy chuẩn bị tinh thần vững vàng để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống cũng như học tập của một du học sinh. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để bạn có thể rèn luyện bản thân và tích lũy kinh nghiệm, đúng không?
Đông Đức (SSDH) – Theo Baoduhoc