SSDH – Anh Nguyễn Phúc Anh (Viện Harvard Yenching) cho rằng, ở Harvard cũng có nhiều dân chơi, sinh viên tới thư viện chủ yếu để học nhóm hay đơn giản thích không gian đẹp, chứ không hẳn cần tra cứu gì.
17 tháng học và nghiên cứu ở Viện Harvard Yenching, anh Nguyễn Phúc Anh (30 tuổi) cho rằng, bài viết Harvard, 4 rưỡi sáng rất hài hước, biến ngôi trường thành một thứ gì đó kỳ quặc. Thực tế, ở Harvard luôn có một áp lực vô hình về vị trí và đẳng cấp, do đó dù không bị các giáo sư ép học, sinh viên vẫn phải nỗ lực học vì không muốn bị bẽ mặt.
Các giáo sư không muốn “sỉ nhục” bằng cách đánh trượt sinh viên, vì bất kỳ ai đến học Harvard đều đã có những năng lực nhất định. Ngoại trừ một số trường hợp quá tồi tệ, chống đối, hoặc bỏ thi, không nộp sản phẩm, không làm bài cuối kỳ, còn nếu học làng nhàng, giáo sư vẫn cho sinh viên mức điểm đủ để qua.
Nguyễn Phúc Anh, nghiên cứu sinh Nhân loại học Xã hội của Đại học Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) là Visiting fellow 2015-2016 của viện Harvard Yenching. Ảnh: Trần Uyên Nguyên.
“Để được toàn A thì việc học khá căng thẳng, nhưng không đến mức như nhiều bài báo mô tả. Những câu chuyện về sinh viên Harvard học như con thiêu thân mất trí, phản ánh tư tưởng sùng bái giáo dục với thương hiệu đẳng cấp và những kỳ vọng phi nhân tính về một mẫu hình sinh viên mẫu mực khá phổ biến ở những nước châu Á hiện nay” anh Phúc Anh đánh giá.
Anh cho biết, một sinh viên cao học, nghiên cứu sinh bình thường của Harvard một học kỳ sẽ chọn từ 2 đến 3 lớp kèm theo một lớp ngôn ngữ tùy chọn. Mỗi tuần phải đọc trung bình khoảng 300 trang tài liệu và viết một bài viết ngắn tầm 2-3 trang giấy khổ letter cho mỗi môn học để tổng kết những điểm tâm đắc khi đọc tài liệu rồi nộp cho giáo sư hoặc mang đến lớp để thảo luận. Ngoài bài luận cuối kỳ, giữa kỳ học, cần phải viết 1-2 bài nữa. Một sinh viên Harvard nếu không phải đi làm thêm kiếm tiền, hoàn toàn có thể hoàn thành được tốt những yêu cầu này trong khoảng 5-8 tiếng làm việc mỗi ngày, trừ thời gian lên lớp.
“Nhưng không phải ai cũng có 5-8 tiếng một ngày để chỉ tập trung học. Một số sẽ dùng thủ thuật để giải quyết khối lượng công việc này một cách nhanh chóng. Ví dụ, thay vì đọc toàn bộ tư liệu, họ sẽ tìm đọc bài bình luận sách hay những ghi chú có sẵn. Một số còn mua những tài khoản ở các trang bán ghi chú, tóm lược nội dung của nhiều giáo trình phổ biến để đọc và đem lên lớp thảo luận”, Anh Phúc Anh nói. Những trường hợp gian lận ở Harvard là có. Đôi khi sinh viên không viết kịp bài giữa kỳ hoặc cuối kỳ thì viết nháp ý tưởng rồi thuê người khác sửa lại, hoặc thậm chí trả tiền để người khác viết hộ.
Môi trường học thuật ở Harvard, theo Phúc Anh, rất tuyệt vời. Hàng ngày, khắp các cơ quan viện nghiên cứu, các trường, khoa của Harvard đều có những hội thảo, diễn giảng học thuật, những public lecture (tạm dịch, bài giảng công cộng) do các diễn giả, học giả hàng đầu đến nói chuyện. Hệ thống thư viện thuộc loại tốt nhất thế giới. Có rất nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ sinh viên nâng cao kỹ năng, tìm kiếm tài trợ và giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của sinh viên.
Ở Harvard các giáo sư phải đương đầu với rất nhiều sức ép về chuẩn bị bài giảng, đánh giá sinh viên, nghiên cứu, dự án, hoạt động khoa học của trường và cá nhân họ, nên thường không dành nhiều thời gian cho sinh viên. Mỗi học kỳ, ngoại trừ việc lên lớp, giáo sư dành cho một sinh viên vài phút đến vài chục phút nói chuyện về việc học hành, luận văn, luận án.
Trong phần lớn thời gian, các giáo sư không nói quá nhiều. Chủ yếu anh Phúc Anh học được là từ việc lắng nghe phần thảo luận của những người bạn thông minh cùng lớp. “Sau buổi học, chúng tôi có thể đi ăn trưa ở Harvard Yard hoặc trong Science Center để có thêm thời gian nói chuyện và kết nối với nhau. Ai mà biết được cái đứa đang gặm hamburger, mồm lem nhem tương cà chua trước mặt mình kia tương lai có thể thành thủ tướng, tỷ phú, khoa học gia hay lãnh cái giải Nobel gì đó”, anh Phúc Anh nói và phủ nhận chuyện sinh viên Harvard vào nhà ăn chỉ say sưa học bài.
Là người thường xuyên lên các thư viện của Harvard, anh Phúc Anh cho biết, nhiều sinh viên khác cũng tới đây nhưng chủ yếu để học nhóm hay đơn giản thích không gian đẹp, yên tĩnh của phòng đọc, chứ không hẳn cần tra cứu gì. Trường không hạn chế lượng sách được mượn, nên ít ai mất công ngồi lì ở thư viện.
Môi trường ngoài học thuật của Harvard diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thể thao, hội nhóm, tình nguyện… “Ở Harvard cũng có nhiều dân chơi. Có bạn hút cần sa và đi tiệc ầm ĩ mà học tập vẫn tốt”, Phúc Anh nói và cho biết, bản thân ngoài thời gian học tập, mỗi ngày vẫn dành 1-2 giờ cho thể thao, thi thoảng dạo công viên gần trường.
Nguồn: Vnexpress